Mới đây, hot mom Mẫn Tiên đã đưa con trai Noah đi phẫu thuật dính thắng lưỡi và có những chia sẻ chi tiết cho các bố mẹ có con cũng mắc phải tật này. Cụ thể cô chia sẻ:
"Từ đợt bầu Tiên đã đọc và tìm hiểu về thắng lưỡi rồi vì thấy bây giờ nhiều bạn sinh ra bị vấn đề này. Chưa có lý do cụ thể nào chứng minh cho việc tại sao các bạn bé bị dính thắng lưỡi cả, và đây cũng không phải vấn đề gì quá nan giải thế nên các mẹ không phải lo lắng quá nha.
Rồi tới lúc bạn ý sinh ra thì Tiên có check và thấy biểu hiện giống bị dính thắng lưỡi (lưỡi không lè được ra ngoài môi dưới) nên hai vợ chồng đợt Noah đầy tháng là bế đi khám tổng quát, khám tai mũi họng. Kết luận là Noah dính độ 3 (độ 4 là nặng nhất). Và dính thắng lưỡi sẽ ảnh hưởng tới khả năng bú do các bạn khó bắt khớp hơn và lực mút cũng không mạnh bằng các bạn khác. Đây cũng là một phần lý do Noah hay bị ti sai khớp và dẫn đến lười ăn.
Bác sĩ có người khuyên nên đợi 6 tháng hoặc 8kg thì đi cắt nhưng nếu việc dính thắng lưỡi ảnh hưởng đến bú mút thì nên cắt càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong khoảng 3-6 tháng tuổi. Những bạn dính nặng độ 3-4 thì sau này tập nói cũng khó phát âm và nói ngọng nữa.
Nhìn có vẻ Noah sẽ muốn nói sớm nên chúng mình bế em đi cắt luôn. Vì hôm nay đi cũng có bạn vài tuổi, dính thắng lưỡi phải đi luyện âm, cũng mất thời gian và công sức lắm", Mẫn Tiên chia sẻ.
Hot mom Hà Nội cho biết em bé Noah được cắt thắng lưỡi bằng laser nên vết thương se luôn chứ không chảy máu, bác sĩ thực hiện rất nhanh chỉ khoảng 1 phút là xong. Trước khi cắt, bé được xét nghiệm máu xem có vấn đề về đông máu hay không. Không phải kiêng khem gì trước và sau khi phẫu thuật. Con được bôi tê tại chỗ chứ không cần gây mê. Có thể các bạn lớn hơn sẽ cần gây mê, độ tuổi bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào quy định, lời khuyên từ bác sĩ.
"Cắt xong trộm vía Noah còn thuôc tê nên chưa khóc mấy, vẫn cười nô. Nhưng hết thuốc là bắt đầu khó chịu khóc lóc, bạn được bác sĩ kê thuốc giảm đau, hạ sốt. Rất ít bạn sốt sau cắt nhưng sẽ đau và quấy nên bác sĩ vẫn kê Hapacol 80.
Bây giờ thì theo dõi bạn ý thôi, đây là một thủ thuật khá đơn giản với các bác sĩ nên các mẹ cứ yên tâm đưa con đi cắt nhé", Mẫn Tiên chia sẻ thêm.
Dính thắng lưỡi ở trẻ là gì?
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ mà bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng có nguy cơ mắc phải do bị ngắn dây thắng lưỡi (một lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi.
Theo thống kê thì sẽ có khoảng 5% trẻ sơ sinh sẽ bị mắc dị tật này sau khi sinh và được phát hiện ngay trong tháng đầu sau sinh khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tiêm chủng; hoặc trẻ sẽ được phát hiện tật dính thắng lưỡi muộn hơn khi cha mẹ thấy bé khó bú, khó phát âm hay lên cân chậm. Tật dính thắng lưỡi ở trẻ em có thể bị dính nhiều hoặc dính ít.
Biểu hiện trẻ bị dính thắng lưỡi
- Dây thắng lưỡi ngắn và làm hạn chế cử động của lưỡi;
- Đầu lưỡi của trẻ không thè ra bên ngoài môi được;
- Đầu lưỡi không thể đụng nóc vòm họng;
- Khi trẻ khóc thì đầu lưỡi có hình trái tim;
- Khi trẻ thè lưỡi thì có hình nhọn hoặc hình vuông;
- Dính thắng lưỡi làm cho các răng cửa hàm dưới bị nghiêng hoặc hở;
- Trẻ gặp khó khăn khi bú và phát âm cũng khó khăn hơn.
4 mức độ dính thắng lưỡi ở trẻ
- Mức độ 1: Trẻ bị dính thắng lưỡi nhẹ từ 12-16 mm;
- Mức độ 2: Trẻ bị dính thắng lưỡi trung bình từ 8-11 mm;
- Mức độ 3: Trẻ bị dính thắng lưỡi nặng từ 3-7 mm;
- Mức độ 4: Trẻ bị dính thắng lưỡi hoàn toàn dưới 3 mm.
Khi nào trẻ cần phải phẫu thuật?
Trường hợp trẻ bị dính thắng lưỡi nhiều và ảnh hưởng đến việc bú thì sẽ chỉ định cắt sớm, khi dính thắng lưỡi gây ra ảnh hưởng cho việc phát âm thì cần phải được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, đánh giá trước mổ để loại trừ các trường hợp gây phát âm khó khác ở trẻ.
Ngoài ra, kỹ thuật cắt thắng lưỡi còn phụ thuộc vào lứa tuổi của trẻ, khi trẻ dưới 3 tháng tuổi thì cần giữ cho đầu của trẻ thật chặt, có thể chỉ bôi hoặc tiêm thuốc tê cho trẻ rồi dùng dao điện để cắt thắng lưỡi, kỹ thuật này có thể giúp trẻ bú lại được ngay sau khi cắt. Tuy nhiên, với trẻ lớn hơn thì có thể cắt dây thắng lưỡi dưới gây tê hoặc gây mê rồi dùng dao mổ hay máy cắt đốt để cắt thắng lưỡi và sau đó khâu lại, vài tuần sau vết thương mới lành.