Có rất nhiều lời khuyên cho bố mẹ rằng camera lớp học không phải là một tiêu chuẩn để chọn trường cho con, thay vào đó nên dựa vào các tiêu chí như cơ sở vật chất, giáo viên có trình độ sư phạm tốt, yêu thương trẻ thơ,... Tuy nhiên, chiếc "mắt thần" bé xíu này trên thực tế lại là một trong những yếu tố quan trọng để phụ huynh quyết định có cho con theo học tại môi trường đó hay không.
Nhiều người cũng cho rằng, camera giúp họ đỡ nhớ con nhiều và thấy con mình ăn ngủ như thế nào ở trường. Nhưng cũng có người nhất quyết phải chọn trường có camera cho con bởi những trải nghiệm không mong muốn từ trước đó.
Tạ Bích Hồng (Hà Nội), cô gái thường được nhắc đến với danh xưng "Kiều nữ làng võ", một diễn viên đồng thời là bà mẹ 3 con cũng từng phải chứng kiến cảnh con trai đầu lòng bị bạo hành ở trường mầm non. Dù câu chuyện đã xảy ra từ năm 2017 nhưng đến bây giờ, khi tiếp tục công cuộc tìm trường cho bé thứ ba, Bích Hồng vẫn còn day dứt và ám ảnh.
Bích Hồng cho biết, khi cho con đi 1-2 hôm ở 1 trường tư thục thì thấy lần 2 - 3 bé sợ vào lớp, đêm ngủ giật mình và khóc quấy đòi bế nhiều hơn nên buổi trưa cô chạy sang trường đột xuất, phần để ngó con, phần xem thực hư thế nào.
"Bé bị cô giáo nhốt vào nhà vệ sinh và tát đỏ má vào giờ ngủ trưa. Em phi tới trường thì cam bị che lại và bảo vệ không cho lên lớp, chỉ gọi điện đàm bảo cô đưa con xuống. Em lao lên thì con đỏ một bên mặt còn lằn ngón tay. Từ nhà vệ sinh cô bế ra, quần áo bẩn ướt. Con khóc nấc run hết người! Vậy thì làm sao còn tin tưởng cho con thứ 3 đi học ở trường thu 3,5 - 6 triệu/tháng thậm chí 9 - 12 triệu mà không cho phụ huynh xem cam?", bà mẹ ba con chia sẻ.
Bà mẹ trẻ cho biết, hồi đó lơ mơ không biết gì cứ toàn chọn phương pháp giúp dục này kia mà không biết điều tối thiểu con mình cần là sự an toàn và chăm sóc. Việc xảy ra khiến bé bị sợ người lạ và lớp 1 thời gian. Mẹ cho bé đi học thử vài nơi khác thì thấy con thấy lớp thấy cô lạ là sợ bấu chặt vào mẹ khóc, trong khi ban đầu trước khi xảy ra chuyện con rất dễ theo mọi người và hòa đồng. Sau đó, cô chuyển 2 con sang trường song ngữ ở quận Ba Đình, được xem cam 24/24, học phí 4,5 triệu.
Bích Hồng cũng quả quyết, từ sự cố mà con lớn gặp phải, khi con chưa biết nói, cô nhất quyết không cho con học trường không có camera vì không an tâm và rất sợ hãi. Tuy nhiên, Hồng cũng cho biết đây là quan điểm cá nhân từng gặp trải nhiệm vô cùng xấu trong quá khứ. Cô không khẳng định tất cả các trường không "share" cam là đều đánh học sinh.
Phụ huynh tranh luận
Câu chuyện của Bích Hồng nhận về nhiều ý kiến đồng tình và cả trái chiều. Nhiều phụ huynh cho rằng, họ rất thông cảm với giáo viên mầm non nhưng lo lắng cho con mình hơn.
- Mình đồng quan điểm với bạn là con chưa biết nói nhất định phải gửi trường được xem cam trực tuyến, không thì gửi lớp cô giáo là người quen. Bản thân mình đã từng dạy khối lớp nhỏ tuổi, mình quá hiểu để có thể "yên tâm" tin tưởng cô giáo 100%. Vì bên cạnh các giáo viên chân chính vẫn có rất nhiều giáo viên đào tạo thiếu bài bản và không có lòng thương yêu trẻ.
- Đồng quan điểm với mẹ. Em bé nhà mình cũng chậm nói, thà học phí cao 1 chút được xem camera 24/24 để bố mẹ để biết con làm gì, con đang học gì, ngủ như nào còn hơn là không biết gì về con.
- Đồng ý với bạn. Có cam còn bị kéo vào góc khuất đánh thì không có cam không biết như thế nào.
- Bản thân em cũng cho bé học trường không có cam trực tuyến chỉ có cam nội bộ thôi. Con khỏe mạnh ngoan ngoãn, yêu trường, yêu cô nên em thấy mình cũng may mắn vì gặp được trường tốt, cô giáo có tâm. Còn nói thật thì trải qua trường hợp con bị bạo hành thì khó để tin tưởng bất kì ai lắm.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng cho rằng, đã quyết gửi con là phải tin tưởng cô và nhà trường bởi "người ta đã đánh thì có cam vẫn có thể xuống tay như thường". Thay vì đặt nặng vấn đề camera, phụ huynh có thể quan sát tâm trạng và thái độ của con mình.
- Ngày trước mình từng làm ở 1 trường song ngữ. Họ không có cam. Thực sự chất lượng giáo dục vô cùng tuyệt vời. Mỗi tội học phí hơi cao. Mình nghĩ khi đã tin tưởng nhà trường, lựa chọn gửi con thì không nên đặt nặng vấn đề camera. Vì camera nó giống như con rô bốt di động ấy. Nó không phản ánh được thực chất mối quan hệ cô trò. Đôi khi cô ở trên lớp dạy và chăm lo cho các con mệt bở hơi tai… phụ huynh ở nhà xem cam cứ động tí là "Cô ơi. Cô ơi…" thực sự vất vả cho các cô lắm ấy. Họ bị quá nhiều áp lực.
Thực ra em cũng rất hiểu tâm lý phụ huynh có con đã từng bị bạo lực tại trường học. Chị có thể dành 1-2 buổi đưa con đến trường và quan sát cách ứng xử của cô giáo của quản lý ở đó là có thể nắm được thông tin trường ạ.
- Chính em trải nghiệm vụ cam và không cam nhé. Các mẹ cứ lắng nghe nhìn thái độ của con là biết đấy chính là cam đấy ạ. Ngày xưa bạn đầu nhà em đi học hồi ấy trẻ người non dạ chả biết gì mạng xã hội cũng chưa như giờ cũng chọn trường có cam là ưu tiên đầu tiên, để xem con có bị đánh không, ngoan không và ác mộng bắt đầu.
Ngày 1: Con khóc. Ngày 2: Con vẫn khóc. Ngày 3,4,5,6...: Con thấy bóng cô con đã khóc van xin mẹ cho con về đi. Rồi ngày bao nhiêu không rõ, em có về sớm nên đón con sớm thì ôi thôi nhìn con mình ở cam thì ngoan thế, mà ở lớp cô bật nhạc kèm video không khác gì quán bar, cô ngồi góc khuất của cam kèm cái roi ở tay thì đến mình cũng phải ngồi ngoan mà xem.
Rút kinh nghiệm bạn sau, em quan sát con nhiều hơn và nghe cô nói chuyện là hiểu mình chọn đúng trường cho con hay không. Là mẹ đến giờ em vẫn rất day dứt về quan điểm em đã chọn. Blacklist của em có 2 trường. 1 trường như trên và 1 trường con ngã gãy răng lại bảo "ôi thế ạ tại cô không biết con đến lớp có đủ răng hay không".