Hũ kiệu của cả nhà - Ảnh 1.

Cái món ăn kèm đơn sơ, mộc mạc ấy lại có sức làm nên một cái Tết ý nghĩa của cả gia đình.

Tết là lúc để ông bà, cha mẹ, con cháu được sum họp, quây quần. Và có những món quen thuộc nhưng phải chờ đến Tết thì tôi mới được thưởng thức trọn vẹn: thịt kho, canh khổ qua, củ kiệu. Trong những món ấy, tôi vẫn nhớ nhất hũ kiệu của cả nhà. 

Ngoại và mẹ tôi thích ăn củ kiệu với thịt kho, ba tôi thì rất thích ăn với trứng vịt bắc thảo, anh chị em tôi mê tít món gà xé phay trộn củ kiệu, mấy đứa nhỏ lại rất khoái ăn giò chả, lạp xưởng, lạp vịt cùng củ kiệu...

Khoảng tháng rưỡi trước Tết, ba mẹ tôi dậy sớm, qua chợ Bình Điền mua kiệu. Theo kinh nghiệm của mẹ, kiệu ngon là loại kiệu quế, củ thon dài, hơi to ở phần gốc, mùi thơm nhẹ nhàng, có một lớp cát mỏng bám ở gốc. 

Những hũ kiệu vẫn bày bán nhiều trong siêu thị, nhưng nhà tôi vẫn giữ thói quen tự ngâm kiệu ăn Tết. Kiệu mua về, ba tôi rửa sơ rồi ngâm phèn chua một đêm để tăng độ trắng và giòn cho kiệu. Sáng hôm sau, ba vớt kiệu đem phơi nắng. Kiệu nằm ở trước sân, sau hè, trên nóc nhà. 

Chỗ nào nắng du hành đến thì chỗ đó có kiệu tìm theo. Ba tôi không quên theo dõi để tránh cho kiệu còn quá ướt hoặc quá héo.

Chiều, ba gom thành một đống to. Cả nhà tụ lại, mỗi người một con dao và hai cái rổ nhỏ để cắt kiệu. Theo kinh nghiệm từ mẹ, anh chị em tôi cắt kiệu một cách từ tốn và cẩn thận. 

Củ kiệu được cắt bỏ ngọn xanh, cắt sạch gốc, vừa cắt vừa lột lớp vỏ lụa đã héo sau một ngày phơi. Như thế, củ kiệu sau khi ngâm mới có độ trắng, giòn, không đắng. 

Cắt kiệu gần hai giờ, đau cái lưng, mỏi cái tay, vậy mà khi mẹ bảo "Năm sau mua ăn cho khỏe" thì chúng tôi lại khư khư một ý kiến: "Kiệu nhà mình làm mới ngon". 

Khoảng thời gian ngồi cắt kiệu là cơ hội để gia đình tôi được chia sẻ với nhau rất nhiều chuyện: chuyện sức khỏe của ba mẹ, chuyện làm ăn của anh chị, chuyện vợ con của tôi, chuyện học hành của mấy đứa cháu... Không khí Tết của nhà tôi bắt đầu nhóm lên từ ngày cắt kiệu ấy. Tôi nhớ...!

Củ kiệu cắt xong được lựa lần nữa, những củ có kích thước tương đồng cùng đặt trong một rổ. Tùy theo củ lớn, củ nhỏ mà lượng đường ngâm kèm được điều chỉnh. 

Chị hai tôi là người trực tiếp cho kiệu và đường vào hũ, một lớp kiệu thì xen một lớp đường. Không có kinh nghiệm, củ kiệu sẽ không ngon. 

Chị tôi cũng chỉ ước chừng. Chẳng hiểu nổi chỉ ước chừng như thế mà năm nào những hũ kiệu ngâm ra cũng giòn thơm khó cưỡng. Kiệu ngâm xong tiếp tục phơi nắng trong vài ngày. Sau đó đem vào nhà, đặt ở chỗ thoáng mát. Lớp đường trong hũ tan ra từ từ, hòa quyện, thấm vào từng củ kiệu. 

Đến Tết, cả nhà đã có hũ củ kiệu thơm lừng, giòn rụm, chua dịu, ngọt thanh. Tuy không phải cao sang nhưng củ kiệu lại là một trong những món ăn được gia đình tôi lựa chọn đầu tiên trong bữa ăn ngày Tết. 

Củ kiệu ăn cùng thịt kho tàu, bánh tét, bánh chưng, gà luộc, tôm khô... Ngon lắm! Thiếu củ kiệu là Tết thiếu một cái gì đó rồi, phải không? Cảm ơn món kiệu ngâm. Nó là Tết, là nhà.