Ho là một phản xạ để cơ thể trẻ tống các chất tiết như đờm, nước mũi, vi trùng, virus, chất nhầy nhớt, dị vật có ở đường hô hấp trên và hô hấp dưới ra ngoài. Ho là biểu hiện thông thường của cơ thể cả người lớn và trẻ nhỏ nhằm bảo vệ sức khỏe. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị ho nhiều hơn vào mùa thu và mùa đông khi thay đổi thời tiết, trời se lạnh, không khí khô hanh, các vi khuẩn nấm mốc phát tán nhiều trong không khí gây ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ.

Hướng dẫn cha mẹ cách vô cùng hiệu quả để nhận biết dấu hiệu con đang bị bệnh gì chỉ nhờ thông qua tiếng ho - Ảnh 1.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị ho nhiều hơn khi trời trở lạnh, vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, không phải cơn ho nào cũng an toàn, đôi khi ho kèm theo nhiều dấu hiệu khác là sự cảnh báo về một bệnh nguy hiểm nào đó mà bé mắc phải như viêm mũi họng, viêm thanh quản, phế quản, tiểu phế quản, mắc cúm hoặc viêm phổi, thậm chí là cả ho gà. Các bậc cha mẹ cần tìm hiểu kỹ và nhận biết những dấu hiệu này để kịp thời đối phó với những tình huống nguy hiểm.

Sau đây là một số biểu hiện ho điển hình trẻ gặp phải và những cảnh báo đi kèm, cha mẹ hãy lưu ý để kịp thời có phương án điều trị cho bé, tránh để biến chứng:

1. Ho khan

Hướng dẫn cha mẹ cách vô cùng hiệu quả để nhận biết dấu hiệu con đang bị bệnh gì chỉ nhờ thông qua tiếng ho - Ảnh 2.

Ho là biểu hiện thông thường của cơ thể trẻ nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu cho thấy tình trạng nguy hiểm cần đưa trẻ đến cơ sở y tế (Ảnh minh họa)

Ho khan còn được gọi là ho sau khi nhiễm siêu vi, cơn ho tạo ra ít hoặc không có đờm, gây ra bởi chất nhầy dư thừa bị kẹt trong phổi và thường đi kèm với tiếng thở mạnh, khó chịu. Bác sĩ chuyên khoa nhi Cristan Cabanilla (Phillipine) cho biết trẻ ho khan thường do tình trạng viêm nhiễm bên trong cổ họng khi cơ thể trẻ phản ứng dị ứng với thời tiết, thay đổi nhiệt độ, hoặc do virus, bị cảm lạnh hoặc cúm.

Cha mẹ hãy cho bé uống đủ nước, tạo môi trường đủ độ ẩm cho trẻ hít thở dễ dàng, đưa bé tránh xa các tác nhân gây bệnh như đã đề cập ở trên.

2. Ho dữ dội

Nếu mẹ thấy bé có dấu hiệu ho dữ dội thì rất có thể bé đã bị viêm thanh khí phế quản cấp. Đây là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, ảnh hưởng chủ yếu ở trẻ trên 6 tháng tuổi và dưới 6 tuổi. Bệnh có thể gây tắc nghẽn hô hấp, khiến trẻ ho dữ dội vì nó liên quan đến viêm nhiễm ở thanh quản và khí quản, làm cho trẻ thở khó khăn hơn vì đường thở còn nhỏ. Viêm thanh khí phế quản cấp do virus có thể lây lan, đặc biệt khi trời trở lạnh.

Loại ho này thường đi kèm âm thanh như tiếng rít hay tiếng gió mỗi khi trẻ thở. Các triệu chứng này trở nên rõ ràng hơn lúc trẻ nằm và đặc biệt là vào buổi tối. Mẹ có thể cho con tắm nước nóng hoặc ngồi lại trong phòng tắm vài phút để giúp bé dễ thở và đỡ ho do phòng tắm có độ ẩm cao. Mẹ hãy đặt thêm máy tạo độ ẩm trong phòng con và cho trẻ uống nhiều nước.

3. Ho khò khè

Hướng dẫn cha mẹ cách vô cùng hiệu quả để nhận biết dấu hiệu con đang bị bệnh gì chỉ nhờ thông qua tiếng ho - Ảnh 3.

Khi thấy trẻ ho kèm các dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời (Ảnh minh họa)

Hiện tượng bé ho khò khè, ho mạnh thì rất có thể là một dấu hiệu nhiễm virus hợp bào hô hấp. Đó là tình trạng virus gây nhiễm trùng trong phổi hoặc trong đường thở, hay viêm phế quản khi các đường thở nhỏ trong phổi sưng lên và bị lấp đầy bởi dịch nhầy, khiến trẻ khó thở, ho khò khè. Đối với trẻ lớn hơn, ho khò khè có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn.

Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và xác định xem có phải con bị hen suyễn hay không, cách thức kiểm soát các triệu chứng như sốt, đau cơ, đau họng như thế nào để áp dụng với con.

4. Ho gà

Trẻ ho từng chuỗi kế tiếp nhau, ho rũ rượi càng lúc càng nhanh rồi yếu dần, sau đó có giai đoạn hít vào thật sâu nghe như tiếng gà gáy. Đây có thể là triệu chứng của bệnh ho gà, một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ.

Cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là tiêm vắc xin cho trẻ. Nếu cha mẹ thấy trẻ có cơn ho điển hình như trên, hãy đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

5. Ho nhiều đờm

Hướng dẫn cha mẹ cách vô cùng hiệu quả để nhận biết dấu hiệu con đang bị bệnh gì chỉ nhờ thông qua tiếng ho - Ảnh 4.

Cha mẹ hãy cho trẻ nghỉ ngơi, không tự ý cho trẻ uống thuốc ho, kháng sinh mà không có sự chỉ định của bác sĩ (Ảnh minh họa)

Trẻ có biểu hiện ho nhiều, kèm theo đờm xanh, sốt, đau họng và chảy nước mắt thì có thể là dấu hiệu của bệnh cảm lạnh thông thường. Bênh thường kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần.

Cha mẹ hãy cho trẻ nghỉ ngơi, không tự ý cho trẻ uống kháng sinh mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc xì mũi, mẹ có thể nhỏ mũi cho trẻ với nước muối sinh lý và vệ sinh hút mũi để mũi trẻ thông thoáng, dễ thở hơn. Sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm trong phòng, tắm nước ấm cũng giúp trẻ dễ chịu hơn.

Tất cả trường hợp trẻ bị ho kèm dấu hiệu bất thường đều cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để xác định đúng bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời. Khi trẻ bị ho, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ, không nên tự ý mua thuốc trị ho, thuốc kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc dân gian truyền miệng nào vì có thể làm tình trạng ho của trẻ thêm nặng hoặc gây tiêu chảy, kháng thuốc. Tình trạng ho lâu ngày mà không có sự can thiệp y tế có thể bị biến chứng sang các bệnh nguy hiểm hơn.

Nguồn: Smartparenting