Cô Yang Yang là một phụ nữ độc thân 31 tuổi điển hình tại Trung Quốc, thường gọi giao đồ ăn vào buổi trưa đến văn phòng, dùng bữa tại cửa hàng tiện lợi cho buổi tối, đi ăn một mình ở nhà hàng hạng sang vào tối thứ 6 và đi leo núi vào cuối tuần.
Mặc dù đã chuyển đến thủ đô Bắc Kinh được 5 năm nhưng cô Yang đã độc thân hơn 1 năm nay. Dù có thu nhập đến hơn 10.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 35 triệu VNĐ) mỗi tháng nhưng bản thân cô lại chẳng mấy khi tiết kiệm được đồng nào.
Cuộc đời của cô Yang chỉ là một trong vô số những người độc thân Trung Quốc theo trào lưu sống hưởng thụ. Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), khoảng 40% những người độc thân tại các thành phố lớn ở nước này có lối sống "Moonlight Clan", nghĩa là chưa hết tháng đã hết tiền và phải sống dựa vào đồng lương cũng như thẻ tín dụng hàng tháng.
Điều đáng ngạc nhiên là tại những thành phố nhỏ hơn với mức thu nhập thấp hơn các thành phố lớn, có đến 78% những người độc thân lâm vào tình trạng này, qua đó cho thấy xu thế sống hưởng thụ tại Trung Quốc đang tăng nhanh bất chấp kiếm được nhiều tiền hay ít.
Nghiên cứu của Nielsen cho thấy 42% số người tiêu dùng độc thân chi tiêu cho bản thân, cao hơn nhiều so với mức 27% của những người đã có gia đình hoặc người yêu.
Số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc có khoảng 240 triệu người chưa kết hôn vào năm 2018 và hơn 77 triệu trong số đó sống độc thân chưa có người yêu. Con số này ước tính sẽ tăng lên đến 92 triệu người độc thân vào năm 2021.
Dù không vướng bận gia đình nhưng những người độc thân này lại chi tiêu ác liệt hơn. Xu thế sống hưởng thụ và tiêu hết tiền lương khi chưa hết tháng lan rộng trong giới trẻ, nhất là khi những dịch vụ cho vay trực tuyến dễ dàng được các ông lớn như Alibaba, Tencent cung ứng. Đây là một trong những nguyên nhân chính đẩy lượng lớn giới trẻ Trung Quốc vào vòng xoáy nợ nần.
"Những người tiêu dùng độc thân không phải chịu trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ hay con cái. Bởi vậy họ sẵn sàng chi tiêu cho bản thân nhằm đáp ứng mọi nhu cầu, sở thích", Trưởng khoa tài chính Yin Zhichao của Trường đại học kinh tế và kinh doanh thủ đô (CUEB) nhấn mạnh.
Sống là để tiêu
Một bộ phận lớn người chưa kết hôn tại Trung Quốc chi tiêu cho bản thân đã tạo hẳn nên một nền kinh tế độc thân tại đây. Do không phải chăm lo cho ai nên họ thỏa thích chi tiêu, từ những gói du lịch dài ngày, những vé xem phim hạng sang, các bữa ăn xa xỉ cho đến những dịch vụ cao cấp miễn là thỏa mãn được nhu cầu bản thân.
Kể từ khi sống độc thân, Yang thường nghỉ 2 tuần và một vài lần nghỉ ngắn ngày chỉ để đi du lịch hàng năm. Cô từng đi chơi một mình đến vùng biển Aranya ở miền Bắc Trung Quốc chỉ để thư giãn. Trong khi đó những kỳ nghỉ lễ thành thời gian để cô tận dụng đặt các gói du lịch ngắn ngày.
"Lợi ích của đi du lịch một mình là bạn có thể khởi hành bất kỳ khi nào mình muốn, hoàn toàn thuận tiện, tự quyết định từ phương tiện di chuyển, thời gian, địa điểm, khách sạn ở cho đến chơi gì", cô Yang nói.
Thế nhưng đi chơi một mình cũng có cái giá của nó. Các chuyến đi của cô Yang do không có ai chia sẻ hóa đơn nên chi phí khá đắt đỏ, khoảng 8.000 Nhân dân tệ cho tour dài ngày và 1.000 Nhân dân tệ cho các chuyến ngắn ngày.
"Tôi làm chăm chỉ mỗi ngày chỉ để được tiêu tiền theo ý thích. Vì là một phụ nữ độc thân chưa có gia đình nên tôi chẳng bao giờ tiết kiệm tiền trong việc ăn uống hay du lịch để tự thỏa mãn bản thân cả, cô Yang trần tình.
Theo CCTV, không riêng gì cô Yang mà ngày càng nhiều người độc thân, cả trẻ lẫn già đều sẵn sàng tiêu xài hoang phí để thỏa mãn nhu cầu bản thân. Hơn 70% những người sinh trong thập niên 1980-1990 tại Trung Quốc hiện nay nuôi thú cưng và phần lớn họ đều độc thân.
Một trường hợp khác là cô Gao Min, 31 tuổi sống tại Bắc Kinh được 7 năm và đã quyết định nuôi một chú mèo vào năm ngoái. Cô cho biết việc bị cách ly tại nhà trong mùa dịch khiến cô thấy cô đơn và quyết định nuôi mèo để có thứ gì đó chia sẻ cảm xúc. Chính vì vậy mỗi tháng cô chi đến gần 200 Nhân dân tệ chỉ để chăm sóc cho chú mèo cưng.
Lan rộng tại Châu Á
Với xu thế độc thân hưởng thụ ngày một tăng, nền kinh tế độc thân tại Trung Quốc đang bùng nổ mạnh. Hàng loạt doanh nghiệp cũng thay đổi để thích nghi với tầng lớp khách hàng mới chịu chi này. Những bữa cơm cho 1 người, thiết bị gia dụng cho người độc thân hay những chuyến du lịch một mình ngày nay trở thành tiêu chuẩn mới trong kinh doanh.
Ngày nay, nhiều nhà hàng còn bố trí những bàn ăn cho 1 người cho các khách hàng độc thân thích hưởng thụ một mình. Bản thân cô Yang cũng thích thú với sự thay đổi này, nhất là khi các nhà hàng cung cấp những bữa ăn cho 1 người.
"Mặc dù tôi ăn một mình nhưng có thể thử nhiều món mà không sợ đổ thừa vì họ có cung cấp thực đơn cho 1 người", Cô Yang vui vẻ nói.
Không dừng lại đó, những sản phẩm cho người độc thân cũng bán chạy tại Trung Quốc. Doanh số loại loa thông minh cho người độc thân đã đạt 45,89 triệu chiếc năm 2019 với tốc độ tăng trưởng 109,78%.
Theo nhiều chuyên gia, giới trẻ độc thân sinh sau thập niên 1990 ngày càng có quan điểm khác về cuộc sống. Họ sinh hoạt trong hoàn cảnh không có nhiều ràng buộc, chất lượng sống tốt hơn, độc lập về mặt tài chính và có nhu cầu hưởng thụ cao hơn.
Dẫu vậy, sự bùng nổ của nền kinh tế độc thân lại có hại cho nhân khẩu học. Phó giám đốc Zhou Haiwang của Viện dân số và phát triển của Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải nhấn mạnh tỷ lệ sinh đẻ giảm sẽ hạ thấp lực lượng lao động khả dụng và đe dọa lâu dài đến nền kinh tế.
Không riêng gì Trung Quốc, xu thế độc thân hưởng thụ đang tăng mạnh tại nhiều quốc gia Châu Á. Tại Nhật Bản, nước nổi tiếng về tính tiết kiệm cũng đang chứng kiến giới trẻ tiêu xài ngày một nhiều hơn trước. Các hoạt động giải trí, du lịch, ăn uống của thế hệ trẻ Nhật Bản đã tăng vọt so với lớp cha ông trước đây.
Trong khi đó tại Hàn Quốc, lối suy nghĩ tiêu xài cho đồ hiệu hay món ăn xa xỉ vì cho rằng có tiết kiệm cả đời cũng chẳng mua nổi nhà hay nghỉ hưu đang lan rộng trong giới trẻ. Họ cho rằng tiêu xài hoang phí là một liệu pháp tốt cho cuộc sống đầy áp lực hiện nay dù đối với thế hệ già, đó lại có vẻ là lối sống hoang phí, không có ý chí tiến thủ.