Đang ở nơi làm việc, nam thanh niên (25 tuổi, Hà Nội) đột ngột liệt nửa người bên phải, hôn mê. Anh được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức, ngôn ngữ. Kết quả chụp CT sọ não phát hiện một động mạch lớn bị tắc (đột quỵ thể nhồi máu não), nguy cơ tử vong 70-80%.

Thanh niên này có tiền sử khỏe mạnh, nhưng từ năm 18 tuổi anh đã hút thuốc lá, trung bình mỗi ngày khoảng 20 điếu. Người bệnh được ê-kíp can thiệp nội mạch. May mắn, thời gian can thiệp kịp thời, anh thoát nguy kịch, hồi phục hoàn toàn.

Theo bác sĩ Đặng Minh Đức, khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103, đây là ca đột quỵ trẻ tuổi nhất các bác sĩ tiếp nhận. Ở người trẻ, đột quỵ thường do dị dạng mạch máu não, gây biến chứng chảy máu não. Còn trường hợp này là xơ vữa mạch máu não, hẹp động mạch nguyên nhân do hút thuốc lá nhiều.

Hút 20 điếu thuốc mỗi ngày, thanh niên 25 tuổi đột quỵ ở nơi làm việc - Ảnh 1.

Một kíp can thiệp mạch máu não khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103. (Ảnh minh hoạ: BV)

Đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau ung thư và tim mạch, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ vữa xơ động mạch, gây đột quỵ. Với những bệnh nhân có vữa xơ động mạch, thuốc lá sẽ thúc đẩy quá trình vữa xơ mạnh mẽ hơn.

Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia. Nếu người bỏ thuốc được trên một năm sẽ giảm thiểu được nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế nạp quá nhiều đồ ngọt, thức ăn chế biến sẵn và mỡ động vật.

Những người đang có sẵn bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rối loạn đường huyết, đường máu, béo phì (đặc biệt là béo bụng), cần kiểm soát bệnh thật tốt, khám định kỳ để xử lý hiệu quả, tránh cơn đột quỵ xảy ra trong tương lai. Khi có các dấu hiệu như liệt chi, liệt mặt và liệt vận ngôn xảy ra đột ngột, gia đình cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng nhanh càng tốt và ghi nhớ thời gian xảy ra đột quỵ.