Từ kém ăn đến giảm trí thông minh
Ngoài các căn bệnh nhìn thấy, cảm nhận thấy khi trẻ em bị hút thuốc lá thụ động trong thời gian dài vì có người thân hút thuốc lá như những bệnh liên quan đến đường hô hấp trên và hô hấp dưới, phổi, cúm, ho, thở khò khè, viêm phổi, hen suyễn… thì ảnh hưởng của khói thuốc lá đến trẻ nhỏ còn phải kể tới rất nhiều tác hại khác như trẻ hay quấy khóc, kém ăn đến giảm trí thông minh.
Nghiên cứu của nhóm các bác sĩ nhi khoa người Đức đã phát hiện nếu bố, mẹ hút thuốc lâu ngày trong phòng có trẻ nhỏ với liều lượng khoảng 10 điếu/ngày thì trong số hơn 250 trẻ sẽ có tới 45% số trẻ này quấy khóc trong đêm.
Nếu bố mẹ hút thuốc trong khi trẻ đang ăn có thể khiến trẻ sinh ra tình trạng tức ngực, khó chịu. Liên kết cảm giác tức ngực này với một số thức ăn mình đang dùng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện dẫn đến trẻ có hành vi cự tuyệt một vài loại thức ăn nhất định.
Hít khói thuốc thụ động trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe ( Hình minh họa)
Hút thuốc bị động dài ngày sẽ còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực của trẻ vì chất cotinine – hoạt chất được sản sinh khi nicotine phân giải cũng tăng trong huyết dịch của trẻ. Đây chính là nguyên nhân khiến cho trẻ giảm năng lực đọc hiểu, năng lực toán và suy luận.
Dễ mắc bệnh về não, đột tử hoặc bệnh hành vi
Thuốc lá mà người lớn hút tưởng như vô hại nhưng thực chất nó tác động rất xấu tới trẻ nhỏ. Vì não của trẻ vẫn đang giai đoạn hoàn thiện và phát triển nên khi hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài có thể gây ra những ảnh hưởng về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Phần lớn những trẻ hạn chế về khả năng học hỏi, gặp rắc rối về hành vi hoặc chứng hiếu động thái quá hay bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý đều do hút thuốc lá thụ động. Bên cạnh đó, nguy cơ trẻ nghiện thuốc lá khi trưởng thành sẽ cao hơn những trẻ em khác.
Ngoài việc gây ra những biến chứng phức tạp ở hệ hô hấp, hút thuốc lá thụ động còn làm cho trẻ giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và làm tăng mức độ nhạy cảm với các bệnh viêm nhiễm ở não. Nếu trẻ sống chung với người hút thuốc lá sẽ có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn gây ra bệnh viêm màng não hơn các trẻ bình thường khác. Đây là loại vi khuẩn gây hại cho màng não (những tế bào bao phủ xung quanh não). Trong 36 năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành khảo sát hơn 9.200 trẻ. Kết quả cho thấy những đứa trẻ sống trong gia đình có bố mẹ hút khoảng trên 10 điếu thuốc lá/ngày chiều cao sẽ thấp hơn những đứa trẻ không phải sống trong môi trường khói thuốc bình quân đến 0,65cm và thấp hơn khoảng 0,45cm nếu bố mẹ hút dưới 10 điếu thuốc/ngày.
Do chức năng giải độc ở cơ thể trẻ thấp hơn so với người trưởng thành nên ở trẻ nhỏ càng dễ nhiễm độc từ khói thuốc lá. Nếu so sánh với chính người hút thuốc lá khi trưởng thành thì trẻ em hút thuốc thụ động hàm lượng cotinine trong huyết dịch của trẻ sẽ cao hơn một lần so với người lớn. Nghiêm trọng hơn với những trẻ có thể trạng yếu, khói thuốc lá còn có thể dẫn đến các chứng đột tử ở trẻ nhỏ hoặc tỉ lệ mắc ung thư cao gấp 1,6 – 8 lần so với người lớn.
Vì tương lai của trẻ, bố, mẹ và người thân hãy cân nhắc, cai thuốc vì tương lai lâu dài của con em mình.
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và Luật phòng chống tác hại của thuốc lá trên toàn quốc trong tháng 3 năm 2019.