Trong những ngày tháng Tư này, khi khắp cả nước rực rỡ cờ đỏ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), câu chuyện về "chị ba Hồng" - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lưu Nguyệt Hồng, một lần nữa khiến người ta xúc động.
Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, bà Lưu Nguyệt Hồng đã tham gia hơn 100 trận đánh lớn nhỏ, từ các cuộc tập kích nhỏ lẻ đến những trận đánh quy mô như cuộc bao vây chi khu Ngã Năm trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Với sự mưu trí và gan dạ, bà cùng đồng đội bắt sống nhiều tên địch, thu giữ vô số vũ khí, góp phần làm suy yếu lực lượng địch tại địa phương, trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù ở chi khu Ngã Năm.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lưu Nguyệt Hồng trong bức ảnh đen trắng chụp năm 1968. Ảnh do nhân vật cung cấp và được đăng tải trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng - báo Quân đội Nhân dân ngày 15/3/2023
Với chiếc khăn rằn quấn đầu, áo bà ba giản dị và khẩu súng trên vai, bà không chỉ là biểu tượng của tinh thần bất khuất mà còn là minh chứng sống động cho vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ những ngày đầu tham gia cách mạng ở tuổi 15 đến khoảnh khắc kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên chi khu Ngã Năm, chị Ba Hồng cùng đồng đội đã viết nên trang sử hào hùng.
Từ thiếu nữ... sợ ma đến du kích gan dạ
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lưu Nguyệt Hồng (bà con gọi là chị Ba Hồng) sinh năm 1950 tại xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, trong một gia đình nông dân nghèo. Lớn lên trong một gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạnh, trên mảnh đất quê hương chịu ách áp bức của chế độ Mỹ - ngụy. Từ nhỏ đã chứng kiến người dân quê mình bị đàn áp, tra tấn, tuổi thơ cũng là những ngày canh gác ở gốc cây đầu ngõ, báo động cho du kích. Lúc ấy dù mới chỉ là một thiếu niên nhưng đã mang trong mình lòng căm thù giặc sâu sắc.
Năm 1965, khi mới tròn 15 tuổi, người con gái tên Nguyệt Hồng xung phong vào lực lượng du kích địa phương, chính thức bước vào hàng ngũ cách mạng.

Chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng.
Công việc ban đầu mà nữ du kích được chỉ huy phân công là phụ trách công tác quân y của đơn vị biệt động Ngã Năm. Nhớ lại những ngày đầu tham gia cách mạng, nữ du kích ngày nào vẫn chưa hết bùi ngùi.
“Công tác nào cũng phục vụ chiến đấu. Trong chiến đấu, khi đồng đội bị thương, tôi trực tiếp băng bó, cứu chữa cho anh em, xong rồi lại cầm súng của người bị thương tiếp tục chiến đấu với kẻ thù. Lúc bấy giờ, tôi nhỏ tuổi, nhỏ người nữa nên chuyện bắn súng là cả một vấn đề. Loại súng phổ biến của anh em lúc đó chủ yếu là súng trường “bá đỏ”. Người khỏe bắn còn ê vai huống chi người yếu. Thế mà, có trận tôi đã bắn hàng trăm viên đạn. Lúc đó, tôi đâu có nghĩ gì đến chuyện ê vai, tất cả cứ nhằm vào kẻ thù để trả thù cho đồng đội, cho đồng bào mà thôi”, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lưu Nguyệt Hồng chia sẻ với báo Công an nhân dân.
Là một thiếu nữ còn sợ… ma nhưng giữa chiến trường ác liệt lại dũng cảm hơn ai hết, người thiếu nữ năm nào đã không màng nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Bà cùng đồng đội đưa nhiều thương binh và các chiến sĩ hy sinh ra khỏi trận địa, kịp thời cứu chữa, an táng. Công việc luôn có hiểm nguy rình rập, nhưng với sự mưu trí, gan dạ, cô du kích nhỏ luôn có cách hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều lần, bà cải trang thành người buôn bán, đưa thương binh vượt qua đồn giặc về căn cứ cứu chữa kịp thời.
Thế nhưng, lúc tiếng súng tạm yên sau mỗi đợt càn quét, cô du kích ấy lại không thể nào chợp mắt bởi hình ảnh các chiến sĩ ngã xuống luôn day dứt trong tâm trí. Xót xa khi thấy đồng đội hy sinh mà không được chôn cất, Nguyệt Hồng tìm cách trở lại trận địa, đi tìm và đưa thi hài đồng đội về an táng dù nguy hiểm trập trùng.

Những kí ức về tuổi xuân tham gia cách mạng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí "chị Ba Hồng".
Kể lại với phóng viên báo Gia Lai, nữ du kích ngày nào vẫn chưa hết ám ảnh với sự ác liệt của chiến tranh, bà nói: “Không chỉ tìm cách qua được đồn địch, có lúc nước cạn, tôi phải lội bùn, đẩy xuồng. Rồi lúc qua sông lớn, chiếc xuồng bé nhỏ có thể bị sóng đánh chìm bất cứ lúc nào nhưng tôi vẫn đi. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, bỏ anh em lại không đành”.
Mỗi lần như thế, cô du kích dáng người nhỏ nhắn đi qua các trạm gác, đồn bốt bao quanh, vừa chèo xuồng vừa khóc. Lính canh thấy một phụ nữ nhỏ bé, tóc tai rũ rượi, khóc lóc đau đớn chèo xuồng chở thi thể, nên chỉ hỏi qua loa rồi cho đi.
Sau 3 năm chiến đấu anh hùng, cô du kích Lưu Nguyệt Hồng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được bầu vào Chi ủy. Mấy tháng sau, bà tiếp tục được bầu giữ chức Phó Bí thư chi bộ. Ở tuổi 18, đó là vinh dự thật lớn lao nhưng cũng là những trọng trách hết sức nặng nề. Thế nhưng, chị ba Nguyệt Hồng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên tin cậy, anh em đồng đội tín nhiệm.

"Chị Ba Hồng" cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân
52 ngày đêm gian khổ và giây phút hạnh phúc nhất đời
Với tinh thần “công tác nào cũng phục vụ chiến đấu”, ngay sau khi gia nhập cách mạng, cô du kích Nguyệt Hồng từ vị trí hỗ trợ, nhanh chóng cầm súng, trực tiếp tham gia các trận đánh. Nhưng ở thời điểm đó, chưa ai ngờ rằng, cô du kích nhỏ, sau này lại trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù tại khu vực chi khu Ngã Năm trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Sức ảnh hưởng của bà tại chi khu Ngã Năm lớn đến mức địch luôn tìm mọi cách để tiêu diệt. Chỉ cần nghe thấy có người phụ nữ nào tên Hồng là chúng bắt, đánh đập dã man với phương châm “trăm lần bắt trật cũng có lần bắt trúng”. Thậm chí địch đã treo thưởng cho ai bắt được bà là số tiền lớn và 1 cây súng cối 12 ly. Vì những lẽ đó mà lúc nào trong người bà cũng có sẵn một trái lựu đạn, để lỡ đối đầu sẽ chiến đấu đến cùng, báo Vietnamnet viết.
Nhớ lại thời thanh xuân cống hiến cho cách mạng, bà kể lại với phóng viên báo Gia Lai trong niềm tự hào:
“Trận đánh nào cũng đáng nhớ cả, nhưng tôi nhớ nhất là trận đánh ngày 23/11 âm lịch năm 1967 vào Chi khu Ngã Năm. Trận đó, theo hiệp đồng, đúng 0h là nổ súng, nhưng do anh em pháo binh bị lạc đường nên mãi đến 2h trận đánh mới bắt đầu.
Lúc đó, địch chủ động phản công nên bộ đội, du kích phải rút về cố thủ tại đám lá tối trời ở Long Mỹ (nay là Hậu Giang) quần nhau với địch cho đến 2-3h chiều chúng mới lui quân. Khi đó, tôi vừa mới mổ ruột thừa được 1 tháng nên có phần đuối sức nhưng tôi quyết tâm không rời trận địa. Có lúc mệt quá, tôi ngủ thiếp đi. Khi giật mình tỉnh lại, tôi mới biết mình nằm ngủ giữa hai đồng đội đã hy sinh”.

Di tích Chiến thắng chi khu Ngã Năm, dấu ấn một thời kháng chiến oanh liệt.
Nhưng danh sách những chiến công bất diệt thời thanh xuân của "cô Ba Hồng" vẫn chưa dừng lại ở đó.
Đầu mùa mưa năm 1968, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Sóc Trăng lệnh cho huyện Thạnh Trị tổ chức bao vây, tiêu diệt Chi khu Ngã Năm. Trên cương vị Trung đội phó du kích thị trấn, bà Hồng chỉ huy Tiểu đội du kích nữ và hơn 100 dân công lập pháo đài ở mũi Xóm Gạo, tạo điểm cao bắn vào Chi khu Ngã Năm.
“Chúng tôi đào 3.660m chiến hào, gài chông, lựu đạn... trên cả cánh đồng Xóm Gạo, giữ vững pháo đài và đẩy lùi nhiều đợt phản kích của địch. Tôi còn cho anh em lấy rơm bện thành hình nhân dựa vào ván che chắn đạn, mảnh pháo để lực lượng ta tiến sát đồn địch. Địch ở chi khu khiếp sợ vì tưởng ta có trang bị mới, đạn không thể xuyên thủng”, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lưu Nguyệt Hồng kể lại ký ức hào hùng trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng - báo Quân đội Nhân dân.
Qua 52 ngày đêm tổ chức bao vây đánh địch, quân dân huyện Thạnh Trị đã tiêu diệt được chi khu quân sự phòng thủ kiên cố bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược và phương tiện quân sự, bộ máy kìm kẹp của địch tan rã.
Trong ký ức của bà Hồng vẫn vẹn nguyên niềm hạnh phúc ngày lịch sử ấy: “Khi địch rút chạy, tôi hạ cờ địch, cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc nhà Chi khu Ngã Năm...". Đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời bà. Lá cờ ấy không chỉ đánh dấu sự sụp đổ của một cứ điểm địch mà còn là biểu tượng của chiến thắng, của khát vọng tự do và thống nhất.

Chân dung nữ anh hùng Nam Bộ Lưu Nguyệt Hồng chụp hồi tháng 7/2022 (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Ký ức ngày thống nhất của nữ anh hùng
Nhớ lại những ngày tháng Tư lịch sử khi trò chuyện với báo Công an nhân dân, nữ du kích ngày nào hồi tưởng lại, thời điểm đó bà Hồng là thành viên của Ban Chỉ đạo đánh Chi khu Phú Lộc. Theo chỉ đạo của cấp trên, ngày 29/4, thành lập các đội vũ trang cùng với nhân dân đánh chiếm đồn bót, thu vũ khí của kẻ thù.
Lúc đó, để tăng viện cho Sóc Trăng, địch từ Bạc Liêu kéo lên với 28 xe GMC chở đầy lính nhưng đến Phú Lộc thì bị các lực lượng của ta chặn đánh khiến cho bọn chúng phải bỏ chạy tán loạn. Ở tỉnh, theo kế hoạch, lúc 17h30 ngày 29/4/1975, Ban chỉ huy trọng điểm hạ lệnh tiến quân ra tiền phương để đúng giờ G (3h sáng ngày 30/4/1975) đồng loạt nổ súng tiến công địch.
Đến sáng 30/4/1975, lực lượng cách mạng đã chiếm được nhiều đường phố và triển khai tiến công, vây ép các mục tiêu then chốt như Ty Cảnh sát quốc gia, Đại đội Cảnh sát dã chiến, trại Bạch Đằng, Phân chi khu Khánh Hưng...
Sức kháng cự của quân địch càng lúc càng yếu dần. Giữa lúc ấy, tin Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng lan nhanh, cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa tinh thần quyết chiến của quân và dân Sóc Trăng. Lập tức, Ban Chỉ huy trọng điểm chỉ đạo ba mũi giáp công phối hợp chặt chẽ, vừa tiến công vừa gọi hàng để giành thắng lợi nhanh nhất.
Hơn 12h trưa 30/4/1975, Tiểu khu Ba Xuyên cử đại diện đến gặp Bộ Chỉ huy Quân giải phóng (tại bến xe đi Bạc Liêu) để xin đầu hàng. Đến 14h ngày 30/4/1975, hai trung tá Liên đoàn trưởng Liên đoàn BĐQ 953 và Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tiếp vận cùng toàn bộ Ban Chỉ huy hai đơn vị hạ vũ khí đầu hàng. Đây cũng là thời điểm thị xã Sóc Trăng hoàn toàn giải phóng…

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lưu Nguyệt Hồng bên bức ảnh "chị Ba Hồng", với chiếc khăn rằn và khẩu súng trên vai.
Biểu tượng sáng ngời của phụ nữ Việt Nam, anh hùng-bất khuất-trung hậu-đảm đang
Những chiến công của chị Ba Hồng không chỉ là niềm tự hào của riêng tỉnh Sóc Trăng mà còn là tài sản quý giá của cả dân tộc. Sau ngày giải phóng, bà tiếp tục cống hiến cho quê hương, đảm nhận nhiều trọng trách như Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy huyện Thạnh Trị (1977) và công tác tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng cho đến khi nghỉ hưu (1996). Năm 2005, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến.
Ở tuổi 75, bà vẫn là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ tại quê nhà Ngã Năm. Mỗi lần kể lại những ngày tháng chiến đấu, ánh mắt bà vẫn rực cháy niềm tự hào, như thể lá cờ giải phóng năm xưa vẫn đang tung bay trong tâm trí. Hình ảnh bà được khắc họa trong các triển lãm, bài báo và câu chuyện trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ hôm nay về lòng yêu nước và ý chí kiên cường.

Tấm ảnh chụp cùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bà Lưu Nguyệt Hồng nâng niu, trân trọng. Trong ảnh, cố Tổng Bí thư ân cần hỏi thăm sức khỏe và đời sống của bà, thể hiện sự trân trọng của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến vô giá của những anh hùng như bà.
Lưu Nguyệt Hồng – “Nữ du kích Ngã Năm” – không chỉ là một cái tên, mà là biểu tượng của tinh thần bất khuất, của ý chí thép trong hình hài một người phụ nữ Việt Nam bình dị. Từ cô gái 15 tuổi bước vào cách mạng đến người anh hùng kéo cờ giải phóng trên chi khu Ngã Năm, bà đã sống trọn vẹn cho lý tưởng tự do, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Chiến công của bà, cùng với hàng vạn phụ nữ Việt Nam khác, là minh chứng rằng trong trái tim của những người phụ nữ ấy luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình và độc lập.
Hình ảnh "chị Ba Hồng", với chiếc khăn rằn và khẩu súng trên vai, sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ mai sau. Đó là bài học về lòng yêu nước, về sự hy sinh thầm lặng, và về sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong những thời khắc khó khăn nhất của lịch sử. Khi chúng ta đứng dưới bầu trời hòa bình hôm nay, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay, hãy nhớ đến "chị Ba Hồng" và những người phụ nữ anh hùng đã viết nên bản hùng ca bất tử của dân tộc. Họ là ngọn lửa không bao giờ tắt, soi đường cho thế hệ sau tiếp tục xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.