"Cảnh sát sẽ bắt giữ bất cứ ai gây ra các vụ cháy rừng, dù cố tình hay vô ý. Đây là biện pháp cuối cùng. Việc quan trọng nhất là ngăn chặn", phát ngôn viên Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Indonesia Dedi Prasetyo hôm 16/9 tuyên bố với báo giới ở thủ đô Jakarta. Khoảng 185 người bị bắt giữ vì nghi ngờ có liên quan đến các hoạt động dẫn đến các đám cháy vượt tầm kiểm soát này.

Theo ông Prasetyo, 4 tập đoàn của Indonesia cũng đang bị điều tra vì liên quan đến nạn cháy rừng.

Trong khi đó, khói mù độc hại khiến mức chất lượng không khí giảm mạnh, hàng loạt chuyến bay bị hủy. Jakarta đã triển khai hàng nghìn nhân viên để chiến đấu với những ngọn lửa, nơi hàng nghìn trường học đã phải đóng cửa vì lo ngại về sức khỏe.

Các vụ hỏa hoạn - thường bắt đầu bằng việc đốt dọn đất canh tác trái phép - đã giải phóng khói mù nghẹt thở trên khắp Đông Nam Á, gây ra căng thẳng ngoại giao với các nước láng giềng của Indonesia.

 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Tuần trước, Indonesia đã niêm phong hàng chục đồn điền nơi các đám cháy gây ra khói mù. Cảnh sát cũng đưa ra lời cảnh báo rằng các chủ sở hữu - bao gồm các công ty có trụ sở tại Malaysia và Singapore - có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự nếu có bằng chứng đốt bất hợp pháp.

Cháy rừng là vấn đề hàng năm vào mùa này nhưng tình hình năm nay trở nên tồi tệ hơn bởi thời tiết khô hơn ở Indonesia. Căng thẳng ngoại giao gia tăng khi khói bụi độc hại tràn sang nước láng giềng Malaysia và Singapore. Đám mây đã đẩy chất lượng không khí của Singapore đến mức không lành mạnh lần đầu tiên sau ba năm vào cuối tuần qua.

Trong năm 2015, Indonesia đã phải chịu những vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong gần hai thập kỷ, làm tăng đáng kể lượng khí thải nhà kính. Những đám cháy lớn xé toạc Amazon cũng đang làm dấy lên mối lo ngại về tác động lâu dài của những vụ cháy như vậy trong việc giữ cho nhiệt độ toàn cầu ổn định.

(Nguồn: AFP)