Các thiết bị tìm kiếm đã xác định được vị trí tàu ngầm này ở độ sâu khoảng 850m ngoài khơi Bali. Độ sâu này gấp 1,5 lần độ sâu tối đa tàu được phép lặn. Diễn biến này đã làm tiêu tan hy vọng cứu sống các thủy thủ sau khi lượng oxy dự trữ của họ đã cạn kiệt.
AP dẫn lời Chỉ huy quân sự Hadi Tjahjanto cho biết, họ tìm thấy vết dầu cùng các mảnh vỡ gần địa điểm nơi tàu ngầm lặn hôm 21/4, ngoài khơi đảo Bali. Đây là bằng chứng cho thấy, tàu ngầm KRI Nanggala-402 bị chìm.
Trước đó, Indonesia đã thông báo con tàu bị mất tích. Chỉ huy Hải quân Indonesia Yudo Margono nói tại một cuộc họp báo ở Bali: "Nếu xảy ra vụ nổ, nó sẽ vỡ thành từng mảnh. Các vết nứt xuất hiện từ từ khi con tàu xuống sâu 300m, 400m, rồi 500m… Sóng âm sẽ phát hiện nếu có tiếng nổ".
Các vật dụng từ tàu ngầm bị chìm được tìm thấy trên biển. (Ảnh: AP)
Hải quân Indonesia trước đó tin rằng, tàu ngầm chìm ở độ sâu 600 - 700 m, sâu hơn nhiều so với mức 200 m (lúc này áp lực nước sẽ lớn hơn mức mà thân tàu chịu được). Hải quân Indonesia cho rằng, sự cố về điện có thể khiến tàu ngầm không thể thực hiện các quy trình khẩn cấp để hoạt động trở lại.
Đô đốc Yudo khẳng định rằng, các vật dụng này sẽ không thể ra ngoài tàu ngầm nếu không có áp lực từ bên ngoài hoặc không xảy ra hư hỏng đối với bệ phóng ngư lôi. Tuy nhiên, ông Yudo loại trừ khả năng xảy ra một vụ nổ và cho rằng, nhiều khả năng chiếc tàu ngầm đã bị bung ra dưới áp lực nước ở độ sâu lên tới 850 m, trong khi con tàu chỉ có thể hoạt động tối đa ở độ sâu 500 m.
Trong 2 ngày qua, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy một số mảnh vỡ được cho là thuộc về chiếc tàu ngầm mất tích. Tuy nhiên, ông Margono nói rằng chưa tìm được thi thể nào. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh nỗ lực hết sức để xác định vị trí của con tàu và kêu gọi người dân cầu nguyện cho thủy thủ đoàn trở về an toàn.
Chỉ huy quân sự Hadi Tjahjanto thông tin về vụ tàu ngầm bị chìm. (Ảnh: AP)
Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết, tàu KRI Nanggala-402 chạy bằng động cơ diesel do Đức chế tạo, được đưa vào phục vụ tại Indonesia từ năm 1981. Khi mất tích vào ngày 21/4, tàu ngầm chở theo 49 thành viên thủy thủ hành đoàn, 3 pháo thủ và 1 chỉ huy.
Hiện chiến dịch cứu hộ đã được chuyển sang hoạt động trục vớt sau khi các mảnh vỡ của chiếc tàu ngầm mất tích được tìm thấy. Theo ông Yudo, độ sâu này khiến công tác cứu hộ và trục vớt rất khó thực hiện, cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Cảnh sát Quốc gia, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia (Basarnas) và các nước khác, quân đội Indonesia sẽ tiếp tục tìm cách trục vớt con tàu.