Indonesia là một trong những nước có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới, theo Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

Năm ngoái, nước này đã nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp từ 16 lên 19 tuổi ở cả nam và nữ, tuy nhiên, chính sách này chưa kịp giúp nhiều trẻ em gái thoát khỏi cảnh tảo hôn thì đại dịch COVID-19 ập tới. Những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch đối với xã hội như hoạt động sản xuất giảm khiến tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều gia đình không thể xoay xở duy trì cuộc sống nên quyết định cho con gái còn ở tuổi vị thành niên đi lấy chồng.

Theo Bộ Bảo vệ trẻ em và Trao quyền cho phụ nữ Indonesia, trong 6 tháng đầu năm nay, tại nước này đã có hơn 33 nghìn vụ tảo hôn, trong khi cả năm ngoái có 22 nghìn vụ.

 - Ảnh 1.

Ông Tata Sudrajat - Tổ chức Save the Children, Indonesia - cho biết: "Với các gia đình nghèo, cho con gái đi lấy chồng là cách để giảm bớt gánh nặng kinh tế. Thậm chí, có những bậc cha mẹ còn chẳng thực sự quan tâm con rể là người như thế nào".

Thực tế này đang gây ra nhiều lo ngại với tương lai của trẻ em gái ở Indonesia, khi những trường hợp tảo hôn trước đó cho thấy nhiều ví dụ đáng buồn. Kết hôn ở tuổi vị thành niên, chưa nhận được sự giáo dục đầy đủ, thiếu kinh nghiệm sống khiến cuộc sống của nhiều phụ nữ tảo hôn triền miên trong cảnh nghèo đói.

Trước tình trạng này, trong tháng 8 vừa qua, các chuyên gia giáo dục và nhà kinh tế học đã hối thúc các Chính phủ và tổ chức tăng cường giúp đỡ những trẻ em nghèo trong đại dịch, mang lại cho các em nhiều cơ hội giáo dục hơn, chống lại nạn tảo hôn.