"Inside Out" - Phim hoạt hình hay nhất 2015
Sẽ là hơi quá nếu nói rằng "Inside Out" là bộ phim hay nhất của Pixar, nhưng đây chắc chắn là bộ phim hoạt hình "chất" nhất của năm 2015.
Nếu bạn đã từng xem đồ chơi biết nói chuyện, robot biết yêu, chuột biết nấu ăn, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu như những cảm xúc của chúng ta cũng là những nhân vật hiện hữu trong tâm tưởng. Chúng biết nói chuyện, biết tranh cãi, và hàng ngày chúng làm nhiệm vụ điều khiển để giữ sự cân bằng cảm xúc trong tâm trí con người.
Đó cũng chính là đề tài sáng tạo tuyệt vời của các nhà làm phim Pixar trong bộ phim thứ 15 của hãng - Inside Out, một bộ phim được đánh giá bằng đủ các mỹ từ như xuất sắc, phi thường, táo bạo, điên rồ, hay thậm chí được một số nhà phê bình nhận định là bộ phim hay nhất của Pixar từ trước đến nay.
"Inside Out" trailer
Bạn có bao giờ tự hỏi điều gì đang xảy ra trong tâm trí người khác, hay là tự hỏi những cảm xúc của mình đến từ đâu? Inside Out sẽ lý giải cho bạn điều đó, không phải bằng những bài giảng tâm lý học, thần kinh học khó hiểu mà bằng một cách vô cùng sống động, khi mỗi cảm xúc của bạn là một nhân vật dễ thương và ngộ nghĩnh. 5 cảm xúc ấy là cô nàng Joy - Vui vẻ lúc nào cũng sống động và tỏa ra ánh sáng rực rỡ như nàng tiên Tinker Bell; bé Buồn Sadness ủ rũ mà dễ thương với màu xanh trầm lắng; ông chú Giận dữ Anger lúc nào cũng mặt đỏ tía tai sẵn sàng "bốc hỏa"; cô nàng Chảnh chọe - Disgust với gương mặt xanh lét không ngừng phán xét mọi thứ và anh chàng Sợ sệt - Fear luôn rón rén, sẵn sàng chết ngất trước bất kỳ tình huống hù dọa nào.
5 cảm xúc này cùng nhau chung sống dưới một "mái nhà" - đó là tâm trí của Riley, cô bé 11 tuổi đang ở giai đoạn khó khăn của tuổi dậy thì. Chẳng những vậy, Riley còn đối mặt với biến cố bất ngờ khi cô bé phải theo cha mẹ chuyển nhà từ quê hương ở miền Trung Tây nước Mỹ đến San Francisco, California. Những xáo trộn trong cuộc sống khiến tâm trí Riley cũng trở nên "náo loạn". Đó là khi bộ sậu cảm xúc phải ra tay để giúp Riley cân bằng trở lại, lạc quan vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Xem Inside Out, khán giả dường như đang được cùng lúc thưởng thức 2 bộ phim qua 2 thế giới: thế giới thực nơi Riley đang sống, đang đối diện với các mối quan hệ gia đình, bè bạn và thế giới trong tâm tưởng của cô bé, nơi mà 5 cảm xúc đang chung sống và làm nhiệm vụ của mình. Nếu như thế giới thực được xây dựng khá đơn giản, chủ yếu với tông màu nhạt và màu trắng thì thế giới tâm tưởng lại vô cùng tuyệt vời với muôn màu sắc rực rỡ. Được biết, các nhà làm phim đã xây dựng nơi này với ý tưởng từ một vở nhạc kịch Broadway những năm 50.
Sự xáo trộn trong tâm trí của Riley đã khiến cho 2 cảm xúc là Vui vẻ và Buồn bã bị lạc khỏi trung tâm điều khiển. Lúc này, bộ phim tái hiện lại cuộc phiêu lưu của Buồn và Vui, băng qua thế giới tâm trí đầy sắc màu của Riley, tìm đường trở lại "đầu não". Và đó là một cuộc phiêu lưu thực sự tuyệt vời dành tặng khán giả, nơi người xem được đắm chìm vào không gian tưởng tượng của các nhà làm phim.
Ở đó có Thư viện lưu giữ ký ức với hàng triệu quả bóng lấp lánh sắc màu xanh, đỏ; Ở đó có Vùng đất tưởng tượng, giống như một thế giới cổ tích với tất cả những điều kỳ diệu nhất được vẽ ra bởi sự sáng tạo của con người; Ở đó còn có Xưởng phim giấc mơ, Đoàn tàu suy nghĩ, Kho hồi ức, Không gian dành cho suy nghĩ trừu tượng, hay bãi rác ký ức - nơi rộng mênh mông chất chứa những ký ức đã bị lãng quên...
Cuộc phiêu lưu của Vui và Buồn mang đến cho khán giả tiếng cười và cả những phen hồi hộp đến thót tim khi hành trình trong tâm trí hoàn toàn không dễ dàng mà cũng phải trải qua nhiều nguy hiểm. Thông qua cuộc hành trình thú vị ấy, người xem vỡ ra mối quan hệ của những cảm xúc buồn, vui trong tâm trí mình.
Có một điều đặc biệt là tất cả các cảm xúc trong tâm trí của Riley đều xác định được vai trò và vị trí, nhiệm vụ của mình. Chỉ có duy nhất cô bé Buồn - Sadness là không biết nó được sinh ra để làm gì. Các cảm xúc khác cũng không hiểu vai trò của Sadness, chúng chỉ biết rằng mỗi khi Sadness xuất hiện là Riley lại u sầu, khóc lóc, thế nên chúng hạn chế đến mức thấp nhất sự xuất hiện của Buồn.
Ngay trong cuộc hành trình của Buồn và Vui, Joy cũng từng có ý nghĩ để lại một mình Sadness lạc trong thế giới tâm tưởng rộng lớn để một mình trở về và đem lại sự lạc quan cho Riley...
Con người cũng vậy, chẳng ai muốn mình phải buồn, cũng chẳng ai muốn làm người khác buồn, nhưng tại sao buồn bã cứ xuất hiện?
Đó là bởi vì chúng ta không thể nào cười được khi chúng ta phải xa bạn bè mình, xa nơi thân thuộc mà tuổi thơ mình từng gắn bó; chúng ta chẳng thể vui nổi nếu bố mẹ chúng ta cãi nhau, và nếu như cha chúng ta bận rộn đến mức quên cả thói quen trao cho con gái một nụ hôn trước giờ đi ngủ.
Buồn không phải là một điều đáng sợ, thứ đáng sợ hơn là chúng ta không vui mà cũng chẳng biết buồn, chúng ta chỉ biết nóng giận, đổ lỗi lên mọi thứ xung quanh, chúng ta chảnh chọe, gạt đi mọi thứ mà người khác muốn giúp đỡ, chúng ta sợ hãi, không mở lòng với những mối quan hệ mới, con người mới...
Khi Vui không thể giúp ta, Chảnh chọe, Nóng nảy hay Sợ sệt làm ta xấu đi, thì Buồn có mặt, để tâm chúng ta lắng lại, để ta có thời gian suy nghĩ và hồi tưởng về những điều đã qua. Khi ta buồn, trái tim yếu đuối của ta mới hơn bao giờ hết cần sự sẻ chia, yêu thương và đồng cảm của những người thân thiết. Khi ta buồn, ta cần nhiều hơn những cái ôm, những lời động viên, những hành động ấm áp. Và ta biết rằng, phải trải qua nỗi buồn mới có thể đi đến niềm vui.
Đó chính là lý do tồn tại của nỗi buồn. Vui không thể sống thiếu Buồn được. Đôi khi những cảm xúc vui buồn lẫn lộn đã tạo nên những ký ức khó quên, những khoảnh khắc khiến cuộc đời mỗi người phải nhớ mãi. Inside Out nhắc nhở người xem một điều rằng, đừng chỉ ghi nhớ niềm vui, nỗi buồn cũng xứng đáng có vị trí của riêng nó trong kho ký ức của mỗi người.
Và điều cuối cùng, qua cuộc hành trình tìm về trung tâm điều khiển của 2 cảm xúc Buồn, Vui, qua cuộc sống xáo trộn của cô bé Riley trước một bước ngoặt mới trong đời, ý nghĩa của 2 từ "bên nhau" hiển hiện khi bộ phim khép lại. Đối với bộ sậu cảm xúc, ở bên nhau, đoàn kết lại mới khiến chúng giải quyết được vấn đề trong tâm tưởng. Đối với Riley và cha mẹ cô bé, chỉ có bên nhau mới giúp họ vượt qua cuộc sống biến động và khó khăn. "Nhà" trong Inside Out không có ý nghĩa là một nơi cố định, "Nhà" là một ý niệm trong tâm tưởng, nơi trái tim mỗi người gắn kết, thấu hiểu và chia sẻ.
Inside Out là bộ phim tuyệt vời không chỉ bởi nó cho thấy sự sáng tạo chính là điều vĩ đại nhất của con người, mà còn bởi vì tác phẩm này khiến cho mỗi khán giả khi rời khỏi rạp chiếu, có lẽ đều sẽ có một tưởng tượng thú vị về "thứ gì đó đang ở trong đầu mình". Sẽ là hơi quá nếu nói rằng Inside Out là bộ phim hay nhất của Pixar, nhưng đây chắc chắn là bộ phim hoạt hình "chất" nhất của năm 2015. Phim đã khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 21/8.