Iran loại bỏ cảnh sát đạo đức để giảm bất ổn do biểu tình - Ảnh 1.

Chính quyền Iran bỏ cảnh sát đạo đức và sẽ xem xét lại luật yêu cầu phụ nữ đội khăn trùm đầu - Ảnh: AP

Hãng thông tấn ISNA trích lời Tổng chưởng lý Iran Mohammad Jafar Montazeri rằng "cảnh sát đạo đức không liên quan gì đến cơ quan tư pháp" và đã bị bãi bỏ.

Trước đó, trong ngày 3-12, Iran cho biết sẽ xem xét lại một đạo luật có từ hàng chục năm trước về việc bắt buộc phụ nữ phải đội khăn che đầu, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực dập tắt các cuộc biểu tình kéo dài gần ba tháng qua liên quan đến quy định về trang phục.

“Cả Quốc hội và cơ quan tư pháp đang làm việc (về vấn đề này)” để xem liệu luật có cần thay đổi gì hay không, Tổng chưởng lý Montazeri nói.  

Theo Hãng tin AFP, các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát đạo đức ở Iran bùng lên sau cái chết của cô Mahsa Amini, một phụ nữ người Kurd 22 tuổi, vào ngày 16-9. Ba ngày trước đó, cô bị cảnh sát đạo đức bắt vì vi phạm quy định về trùm đầu khi mặc trang phục của Iran.

Đến nay, phong trào biểu tình mà Iran gọi là "do nước ngoài như Mỹ, Saudi Arabia và Israel kích động" đã kéo dài gần ba tháng. Những người xuống đường đa số là thanh niên, một số cô gái thậm chí đã bỏ khăn trùm đầu để phản kháng nhưng cũng có cả nam giới.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, các cuộc biểu tình dẫn đến bạo lực và đối đầu giữa người dân và cảnh sát đã khiến hơn 300 người thiệt mạng ở Iran, mặc dù chính quyền nước này cho biết số người thiệt mạng là 200, gồm cả các thành viên của lực lượng an ninh.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, cảnh sát đạo đức ở Iran là một bộ phận của Lực lượng thực thi pháp luật Iran (LEF).

Đơn vị này có nhiệm vụ chính là bảo đảm "đạo đức Hồi giáo" được tôn trọng và trọng tâm là bảo đảm việc tuân thủ quy định đội khăn trùm đầu hijab. Họ có quyền bắt giữ những phụ nữ đeo khăn trùm đầu hijab "không phù hợp" và thực thi các hạn chế khác.