Ít giáo viên tiếng Anh tiểu học mặn mà vì… đồng lương

Công Chương,
Chia sẻ

TPHCM hiện có hơn 97% học sinh tiểu học được học môn tiếng Anh ở cả 5 khối lớp. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy tiếng Anh trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn rõ nhất là thiếu giáo viên... Tình trạng trên diễn ra tương tự tại Bình Dương và nhiều địa phương khác.

Khó khăn nguồn tuyển

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, trên 97% học sinh tiểu học của TPHCM được học môn tiếng Anh và thực hiện ở cả 5 khối lớp. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy tiếng Anh của TP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các con số về nhu cầu giáo viên tiếng Anh chưa được tính đúng với nhu cầu thực tế, vì TPHCM có số học sinh tăng cơ học hằng năm rất lớn, không thể dự báo một cách chính xác. Bên cạnh đó, khi thiếu giáo viên, các quận, huyện cũng như nhà trường không thể hợp đồng vì không có kinh phí.

Một điểm đáng chú ý, theo Sở GD&ĐT TPHCM, lương của giáo viên tiếng Anh tiểu học quá thấp. Giáo viên mới ra trường hưởng lương khoảng 3 triệu đồng/tháng trong khi số tiết dạy nghĩa vụ lại quá cao (23 tiết/tuần). Do đó, các quận huyện rất khó tuyển giáo viên hoặc giữ chân giáo viên giỏi, có kinh nghiệm.

Thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết: “Năm học 2022-2023, môn Tiếng Anh dạy bắt buộc từ lớp 3. Tuy nhiên, nhà trường đang thiếu giáo viên, thậm chí nhiều trường cũng chưa có giáo viên Tiếng Anh ở bậc tiểu học. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.

Việc tuyển dụng được giáo viên vừa có trình độ tiếng Anh vừa có chuyên môn sư phạm tiểu học, theo thầy Phạm Trung Hữu khá khó khăn. Vì dạy học tiểu học vất vả, khó có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, thu nhập không cao, trong khi với trình độ ngoại ngữ như vậy, họ có nhiều cơ hội việc làm khác hấp dẫn hơn.

“Việc dạy và học ngoại ngữ còn gặp một số khó khăn và bất cập, do không có chuyên viên môn tiếng Anh nên nhiều nơi còn thụ động với công tác chuyên môn. Trong quá trình dạy học trên lớp, giáo viên bị nhiều áp lực hơn so với đi dạy tại các trung tâm, vì phải thực hiện đầy đủ các loại hồ sơ sổ sách, thời gian gò bó, áp lực cả về chất lượng giáo dục…” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) chia sẻ.

Tương tự, theo số liệu của Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có 742 trường học (393 trường công lập, 349 trường ngoài công lập) với tổng số 527.102 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT, tăng thêm gần 30.000 em so với năm học 2021-2022. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua (từ tháng 1/2021 đến 4/2022), toàn tỉnh ghi nhận 527 giáo viên nghỉ việc do lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Số học sinh tăng lên, giáo viên nghỉ việc cũng tăng khiến ngành GD-ĐT tỉnh này đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng người dạy. Trong năm học mới, toàn tỉnh thiếu 3.102 giáo viên, trong đó cấp tiểu học cần 1.207 giáo viên.

Nói về một trong những nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc, TS Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho rằng: “Do lương của giáo viên chưa đủ trang trải được cuộc sống. Tình trạng thiếu giáo viên là một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục”.

Ít giáo viên tiếng Anh tiểu học mặn mà vì… đồng lương - Ảnh 1.

Ảnh minh họa Internet.

Điệp khúc điều phối, hỗ trợ

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, ở một số đơn vị, địa bàn, việc thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học trở thành thực trạng chung là chưa đảm bảo đủ số lượng giảng dạy theo đúng hướng dẫn. Sở đã có chỉ đạo, trước tiên, các trường ưu tiên cho khối triển khai theo Chương trình GDPT 2018. Khối còn lại thì linh động sắp xếp, có thể thuê mướn/hợp đồng bên ngoài, hoặc là thỉnh giảng từ các nơi khác. Đối với các phòng GD&ĐT cũng sẽ xem xét điều phối giáo viên ở nơi có dôi dư sang hỗ trợ những đơn vị bị thiếu giáo viên...

“Ngành GD-ĐT TPHCM đang tích cực liên hệ với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GV để có chiến lược dài hơi hơn. Ví dụ tăng cường số lượng giáo viên cho môn học, ngành học là đào tạo ngoại ngữ. Đồng thời, xem xét nguồn giáo viên đến từ các trường phổ thông có điều kiện thì hỗ trợ thêm cho các giáo viên dạy môn ngoại ngữ tiểu học...”, ông Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ.

Sở GD&ĐT TPHCM đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT có hướng giảm số tiết nghĩa vụ của GV dạy tiếng Anh từ 23 tiết/tuần xuống còn khoảng 18 tiết/tuần. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, quy định giáo viên dạy 23 tiết/tuần là chung cho tất cả, chứ không phải riêng đối với giáo viên bộ môn ngọai ngữ. Tuy nhiên, đối với bộ môn ngọai ngữ ở bậc tiểu học, số lượng giáo viên không nhiều. Đồng thời, nếu số tiết dạy được giảm xuống thì giáo viên sẽ dạy tập trung hơn và việc điều phối giáo viên sang hỗ trợ các nơi thiếu nhẹ nhàng hơn, tránh được tình trạng dôi dư tiết nhiều quá.

Về chất lượng chuyên môn, nếu dạy 18 tiết/tuần, giáo viên có nhiều thời gian để chuẩn bị bài dạy. Tuy nhiên việc này cần phải xem xét trên bình diện chung theo quy định của chính phủ về số tiết dạy của giáo viên.

Liên quan đến vấn đề thu nhập của giáo viên tiếng Anh, ông Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ: “Thu nhập 3 triệu/tháng của giáo viên là thu nhập chung. Đối với sinh viên ngoại ngữ và tin học, khi ra trường có nhiều lựa chọn liên quan đến thu nhập và đam mê nghề nghiệp. Hai lựa chọn này chịu sự tác động của vấn đề tiền lương rất nhiều...”.

Trong khi đó, từ thực tiễn quản lý, thầy Phạm Trung Hữu đề xuất giải pháp: “Cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, cải thiện mức thu nhập và tạo cơ hội cho người dạy có một số quyền lợi nhất định. Bên cạnh đó, khuyến khích và có chế độ thu hút ưu đãi giúp giáo viên có động lực khi tham gia giảng dạy các cơ sở Nhà nước và tăng cường quy chế, quy định giúp giáo viên bớt áp lực trong quá trình giảng dạy”.

“Với mức lương 3 triệu đồng/tháng, trong khi vừa lo tiền ăn, xăng xe đi dạy hằng ngày, sinh hoạt phí… thì khó mà sống ổn ở TPHCM. Lương như vậy, thật khó để giáo viên giỏi, yên tâm với nghiệp trồng người” - chị Bích Ngọc (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Âu Dương Lân, Quận 8, TPHCM) nói.

Chia sẻ