Có rất nhiều những thứ “nhãn dán” chúng ta thường sử dụng để định nghĩa một người cha mẹ tốt, một gia đình lành mạnh. Sự hy sinh, sự mạnh mẽ, sự trọn vẹn. Đôi khi, những “nhãn dán” đấy khiến chúng ta phải gồng mình vì một niềm tin vô hình rằng: Phải như vậy, con cái mới có thể lớn lên hạnh phúc.

Julia Đoàn lại kể một câu chuyện khác về hành trình làm mẹ của mình. Thẳng thắn đối diện với đổ vỡ, cởi mở để đón nhận tình yêu, chấp nhận những bóng tối của bản thân và không ngừng để tìm cách vượt qua chúng - Julia không có những thứ "nhãn dán" trong tay để được coi là một bà mẹ thành công theo tiêu chuẩn chung của xã hội bấy lâu nay, nhưng lại có thừa tình yêu thương và sự can đảm để trở thành một người mẹ tốt nhất với những gì mình có.

Nhìn cách hai em bé JJ và Chiu Chiu được lớn lên trong tình yêu và sự nâng niu - chính là câu trả lời rõ nhất, rằng chỉ khi một người mẹ có thể tìm thấy hạnh phúc cho bản thân, cô ấy chắc chắn sẽ mang đến hạnh phúc cho chính những đứa trẻ của mình.

Ở bên tôi, bạn trai như phải nhận việc mua 1… tặng 2

Chia tay một mối quan hệ dài thường để lại rất nhiều những cảm xúc tiêu cực trong mỗi người. Julia thì sao?

Thật sự, nếu chia tay mà không có con - mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều. Ta nói xong là xong. Nhưng khi có con rồi lại là một câu chuyện khác. Con cái đâu có lỗi trong chuyện chia tay khi chúng vẫn yêu thương cả bố lẫn mẹ. Điều đó khiến Julia vẫn muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp cho chính con của mình. Điều đó không dễ dàng, nhất là khi bản thân mỗi người vẫn đang cố gắng để vượt qua những tàn dư đau đớn vẫn còn của mối quan hệ cũ, vậy nên đôi lúc gặp lại - những tiêu cực vẫn ở đó. Dù chia tay rồi, nhưng Julia vẫn luôn phải làm việc với những cảm xúc đó của mình.

Với chuyện chia tay, về cá nhân, Julia thấy như mình đã thất bại trong việc làm mẹ. Bố mẹ Julia cũng từng ly hôn khi Julia còn nhỏ, nên đó cũng là điều Julia sợ nhất và không bao giờ muốn nó xảy ra với gia đình của mình. Giai đoạn đầu, hai bạn nhỏ cũng nhớ anh Nam rất nhiều và Julia cảm thấy rất có lỗi. Dẫu lúc chia tay có quyết tâm đến đâu, nhưng khi thấy con mình và cả những người thân xung quanh bắt đầu phải làm quen với cuộc sống này và gặp khó khăn vì - Julia mới hoang mang rằng liệu mình có đang làm một điều đúng đắn không?

Julia nói với hai bé như thế nào về cuộc chia tay ấy?

Mọi thứ rất khó khăn. Cuộc chia tay của Julia đến mà không có kế hoạch trước. Bản thân Julia khi chia tay vẫn còn thương anh Nam rất nhiều chứ đâu phải có chuyện gì khiến mình ghét họ đâu. Julia chia tay vì nghĩ rằng cả hai đều có thể bước tiếp và sống một cuộc đời tốt hơn, là chính mình hơn. Ngày anh Nam chuyển ra khỏi nhà, JJ - bé lớn - đã rất buồn và khóc rất nhiều. JJ luôn hỏi bao giờ papa về, dù JJ vẫn qua thăm nhà mới của anh Nam thường xuyên. Julia và anh Nam cũng không nói rằng mình đã chia tay với hai bé, chỉ nói rằng: Papa đã có nhà mới và thích ở đó hơn, bất kỳ lúc nào con muốn thì có thể qua đó chơi. Lâu dần, các bạn cũng quen.

Julia Đoàn: Khi giới thiệu bạn trai với hai con cũng cần lên một chiến lược - Ảnh 1.

Sau chia tay, Julia làm thế nào để có thể đưa người bạn trai mới của mình bước chân vào gia đình một cách nhẹ nhàng, khiến các con cảm nhận được rằng ở bên mẹ đang là một người đàn ông khác, và mình có thể mở lòng yêu thương người đấy?

Đó cũng là một hành trình rất dài. Người yêu mới của Julia chưa có con, bạn ấy cũng còn rất trẻ. Trước khi quen Julia, bạn cũng chưa từng nghĩ đến việc sẽ có con, thậm chí còn không muốn có con vì bạn vẫn có những tổn thương từ tuổi thơ. Nhưng đến khi gặp Julia rồi, bạn cũng tự ý thức được việc nếu muốn ở bên Julia thì cũng phải chấp nhận… mua 1 tặng 2.

Julia Đoàn: Khi giới thiệu bạn trai với hai con cũng cần lên một chiến lược - Ảnh 2.

Julia cũng tiếp cận vấn đề này một cách rất từ từ. Julia hiểu rằng trẻ con khi đã gắn bó với một người nào đó, thì tình yêu chúng dành cho họ rất vô điều kiện. Đau đớn nhất cho trẻ con là khi gắn kết với ai mà họ lại rời đi - con người không sinh ra để chịu đựng cảm xúc như vậy. Nỗi đau của việc mất đi ai đó cạnh bên, của việc có một người bước ra - bước vào cuộc sống đã là điều mà không đứa trẻ nào nên phải trải qua.

Vậy nên Julia và người yêu mới phải thật sự cố gắng, sao cho mọi thứ diễn ra logic và có cả một chiến lược để giới thiệu bạn trai với hai bạn nhỏ, sắp xếp thời gian thế nào để mọi người có thể thoải mái khi quen nhau. Rồi Julia và hai bé lại là 3 phụ nữ, mỗi người một tính cách khác nhau nên đối với bạn người yêu cũng giống như việc phải làm quen thêm hai người cùng một lúc.

Tìm hiểu Julia nhưng cũng phải hiểu được JJ và Chiu, rồi cả mối tương quan giữa ba mẹ con nữa. Nhiều khi Julia bị quá tải, bạn ấy thấy cả ba mẹ con cùng khóc nên phải ngồi dỗ từng người một, từ đứa nhỏ nhất đến đứa lớn nhất - là Julia.

Julia Đoàn: Khi giới thiệu bạn trai với hai con cũng cần lên một chiến lược - Ảnh 3.

Mọi thứ không phải đều êm đềm, tất cả đều trải qua những giai đoạn đầy thử thách và bạn ấy phải bước từng bước một. Ngay cả với chính bản thân mình, bạn cũng có những thử thách riêng về việc người khác sẽ nghĩ gì khi mình bước chân vào mối quan hệ này? Mình nhỏ tuổi hơn thì liệu họ có nghĩ khác đi về mục đích của mình không? Khi mình tiếp xúc với hai bé thì Julia sẽ nghĩ gì? Có đúng ý của Julia không? Ngay từ đầu, bạn ấy đã nghĩ về tất cả các tình huống có thể xảy ra khi bước vào mối quan hệ này, nghĩ rất kĩ trong khi Julia lại rất vô tư.

Cảm giác như bạn ấy có vẻ là một người trưởng thành hơn trong mối quan hệ nhỉ?

Lúc trước, bạn ấy hay nói với Julia rằng Julia không biết yêu. Nghe vậy thì Julia thấy rất tự ái, nhưng sau này Julia mới nhận ra rằng đó giờ mình yêu bằng bản năng hơi nhiều. Không suy nghĩ, không sâu sắc, thậm chí hơi ích kỷ và thiên về cảm xúc của riêng mình hơn. Julia đã luôn là người đặt cảm xúc của mình lên trước mọi thứ, điều anh nghĩ không quan trọng bằng điều tôi đang cảm nhận. Và với mối quan hệ này, Julia nhận ra rằng cách yêu của mình không phải lý do để ta có thể khiến người khác tổn thương.

Việc nhận ra rằng đâu đó mình đã sai hẳn mất rất nhiều thời gian?

Cũng khá dài. Bởi ta đã luôn quen bản thân mình như vậy từ khi lớn lên đến nay. Cách sống, cách yêu, cách nói chuyện, cách suy nghĩ và cảm nhận trong suốt 30 năm liền. Việc gặp bạn này và được bạn dạy cho mình một cách yêu mới từ đầu là một việc rất khó. Khó hơn nữa là Julia vốn rất cá tính. Những mặc định về tình yêu ban đầu của bạn kia - Julia đâu có thừa nhận. Mọi thứ đều mất thời gian để khiến Julia nhận ra rằng điều này cũng hợp lý đấy chứ.

Có một khoảnh khắc nào xuất hiện để Julia nhận ra rằng đây chính là người mình muốn nghiêm túc gắn bó?

Julia vốn là người rất vô tư, khi mới yêu ai thì mọi thứ với Julia đều là màu hồng. Bản thân nhu cầu được thương của Julia rất lớn nên Julia sẽ làm mọi thứ để đối phương yêu thương, từ cách nói chuyện đến cách cư xử làm sao để họ thích mình.

Nhưng rồi đến một giai đoạn, Julia không đóng vai trò đấy được. Julia không muốn cố nữa. Trong một mối quan hệ, nếu ai đó yêu ta chỉ vì cái vai trò mà ta cố gắng làm tròn thì rất có lẽ là không nên. Bởi ngay cả chính mình cũng không sống thật với bản thân thì làm sao mà thoải mái để yêu thương người khác? Ban đầu, Julia thấy mình vừa bước ra một mối quan hệ và vẫn còn đau đớn nên không có ý định sẽ quen bạn này. Nhưng rồi thấy hợp nên cả hai vẫn cứ thế đi tiếp.

Julia có nói rằng mình vẫn còn rất nhiều đau đớn khi bước ra khỏi mối quan hệ cũ. Vậy khi đó, Julia có thấy mình như khép lại, không muốn yêu, sợ yêu hoặc chán yêu?

Cũng có một chút thất vọng về tình yêu đấy. Trước đây, Julia luôn nghĩ rằng nếu đã bố của con mình thì mình sẽ yêu người ấy mãi, tất cả sẽ ở bên nhau mãi mãi. Nhưng sau khi mọi chuyện thay đổi, bản thân mình cũng có tình yêu mới - Julia cũng đã không còn vô tư và cũng không còn tin vào “mãi mãi”.

Bản thân khi quen bạn này, Julia cũng có những suy nghĩ ngổn ngang: Lỡ họ không phải đúng người? Lỡ bây giờ quen người này, với tính cách này, thì đến lúc con của mình lớn hơn, liệu tính cách của bạn có hợp không? Có quá nhiều thứ để cân nhắc và mỗi lần Julia phải suy nghĩ thì bạn cũng ý thức được, và cùng tìm cách vượt qua để giúp Julia. Trong mối quan hệ này, cả hai bọn mình đều luôn cùng điều chỉnh và dựa trên những nỗ lực ấy, Julia mới có thể đánh giá: Okay, mối quan hệ này có thể lâu dài đây!

Vậy làm thế nào để Julia biết được rằng mình đã đủ lành lặn để đón một tình yêu mới?

Lúc bắt đầu, Julia chưa lành lắm đâu nhé. Nhưng trong quá trình quen bạn này, bạn cũng rất quan tâm về vấn đề ấy. Trong mối quan hệ cũ, Julia vốn nghĩ rằng tình yêu sẽ giải quyết và chữa lành tất cả. Dần dà mình mới nhận ra rằng, khi bản thân chưa chữa lành và những vết thương cũ vẫn ở đó, chúng sẽ ảnh hưởng đến cả những mối quan hệ sau này. Việc tự chữa lành với Julia là một hành trình tốn rất nhiều công sức. Và ở đó, người mới có thể chia sẻ nhưng không thể cùng gánh vác.

Julia nghĩ rằng chúng ta nên tự chữa lành bản thân cho ổn để yêu một người, hay sẵn sàng mở lòng cho một người đến cạnh mình và giúp mình sửa chữa những tổn thương ấy?

Cái mà Julia nhận ra, đó là một số chấn thương tâm lý sẽ không xuất hiện khi mình đang không yêu ai. Sẽ chỉ có một vài nét tính cách, một vài sự tổn thương chỉ xuất hiện khi mình đang thực sự yêu một người. Nếu đang chẳng trong mối quan hệ nào, ta sẽ luôn thấy mình rất vui vẻ với bạn bè, chẳng bao giờ biết khó chịu là gì. Vậy tại sao khi có người yêu, họ chỉ cần nói không đúng ý là cũng có thể khiến ta phát điên?

Julia Đoàn: Khi giới thiệu bạn trai với hai con cũng cần lên một chiến lược - Ảnh 4.

Tôi đọc trên Instagram của Julia thì thấy bạn chia sẻ rất nhiều về sức khỏe tâm lý của mình. Tôi tò mò không biết Julia đã nhận ra mình có chúng từ khi nào?

Ngay từ khi còn rất trẻ, Julia đã suy nghĩ rất nhiều về những vấn đề này. Một phần do việc sống bên Đức với môi trường đi học và sinh sống hàng ngày, Julia được phép suy nghĩ về những cảm xúc của mình một cách rất sâu mà không bị cản lại. Ở Việt Nam, đôi khi việc trẻ con chia sẻ với ba mẹ rằng chúng đang bị tổn thương thì sẽ bị cản lại, điều đó vô thức khiến đứa trẻ nghĩ rằng mình sai thật. Julia thì không có rào cản đấy mà có rất nhiều thời gian ở nhà đọc sách, suy nghĩ và viết blog. Việc viết blog và đọc blog của người khác khiến Julia được kết nối và tâm sự với những người xung quanh về cảm xúc của mình. Và cũng từ đó, Julia nhận ra có nhiều người giống mình và bắt đầu nghiêm túc hơn trong việc chia sẻ.

Nếu không thật sự trải qua, sẽ rất khó thông cảm với người khác

Có một điều khiến tôi rất thích ở Julia, đó là bạn không ngại nói về những khoảnh khắc yếu đuối của mình. Diệp nghĩ rằng bản thân việc có thể nói lên rằng tôi đang không ổn - cũng đã là một cử chỉ mạnh mẽ.

Nhiều người lại có cảm giác không thoải mái với những cảm xúc bị đánh giá là tiêu cực. Nhưng trong sự phát triển của con người, mọi cảm xúc đều đóng một vai trò quan trọng. Càng ngày, xã hội càng phát triển thì sẽ có những cảm xúc được đánh giá là tốt hoặc không tốt. Một số người lại lớn lên trong những lời dạy rằng không được sợ, không được cáu, không được buồn… vậy nên họ sẽ dần cảm thấy không thoải mái khi có người thể hiện những cảm xúc ấy.

Julia Đoàn: Khi giới thiệu bạn trai với hai con cũng cần lên một chiến lược - Ảnh 5.

Julia cũng nhận không ít phản hồi về việc tại sao Julia cứ phải tiêu cực như vậy? Điều đó hoàn toàn ổn với Julia, bởi Julia hiểu rằng những người nói với mình điều đó có lẽ cũng không thể hiện được cảm xúc cá nhân. Là con người, nếu không thật sự trải qua thì sẽ rất khó để thông cảm với người khác. Họ nghĩ là mình hiểu nhưng thực ra lại không. Vậy nên Julia rất muốn khuyên họ rằng: Nếu có chuyện gì khiến bạn đau lòng nhất, buồn bã nhất, uất ức nhất - hãy thử chia sẻ chúng. Và nếu có người đồng cảm được với mình thì cảm giác đó sẽ rất nhẹ nhõm.

Cũng sẽ có người nói là: Ủa, bạn này có sự nghiệp thành công, có hai em bé xinh xắn, có có người yêu rất cưng chiều - Vậy còn gì để mà buồn nữa đây?

Nếu nói Julia không bận tâm về những phản hồi đó thì là không đúng. Nhưng Julia đã xác định là mình sẽ chỉ sống vì chính mình thôi và không phải vì người khác, vậy nên những góp ý của các bạn - đó đều là quyền của các bạn mà. Là người chủ động chia sẻ, Julia chấp nhận việc có những ý kiến trái chiều. Đôi khi, sẽ có một vài bình luận khiến Julia tự hoài nghi về chính mình: Hay họ… nói đúng ta? Nhưng rồi, việc đấy chỉ càng khiến Julia tin rằng mình không có vấn đề gì cả. Hãy tự tin chia sẻ những câu chuyện của mình và hiểu rằng chúng không phải là thứ khiến mình phải xấu hổ để thay đổi.

Tôi rất hiểu việc có một nỗi buồn và sống cùng với nó trong nhiều năm trời. Đôi lúc ta sẽ không ngừng tự hỏi: Cuộc sống mình đang rất tốt mà! Cứ buồn hoài liệu có phải lãng phí quá không? Và rồi lại buồn thêm cả vì điều đó nữa.

Julia hiểu. Thật sự thì tâm trí của chúng ta cũng là một bộ phận trên cơ thể. Chỉ khác ở chỗ, sự tổn thương không nằm ở thể vật lý. Nếu chúng ta không nhận ra tổn thương đến từ đâu để chữa lành thì những nỗi đau vẫn cứ thế tích tụ lại. Đến một ngày, chúng sẽ khiến ta đau không kém gì những bộ phận khác đâu.

Đến bây giờ, Julia nghĩ mình đã chữa lành được cho bản thân bao nhiêu phần trăm rôi?

May mắn là Julia nhận ra những vấn đề của mình từ sớm, vậy nên hành trình hiện tại có thể nói là đã được 70%. Julia từng đọc rất nhiều sách và xem phỏng vấn của các bác sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực này - chính họ còn thừa nhận rằng mình chưa thật sự lành lặn. Điều đó khiến Julia nhận ra rằng, có lẽ ta nên chấp nhận việc chữa lành là cả một quá trình không ngừng nghỉ và sự bình yên sẽ không đến sau chỉ một vài lần đi tập yoga.

Trong hành trình chữa lành, người ta hay nhắc đến cụm “yêu bản thân”. Thật ra Diệp thấy việc đó là rất khó. Nhất là khi ta đang không ổn nhất, nhìn cái gì của chính mình cũng thấy khó chịu.

Đúng. Yêu bản thân cũng giống như học yêu một người khác, nhiều thứ lắm chứ bộ. Ví dụ như khi ta ở trong một mối quan hệ với một người khác đi, họ có rất nhiều thứ khiến ta khó chịu, nhưng cũng có không ít điều khiến ta say mê. Bản thân mình cũng thế, có biết bao điều khiến mình khó chịu về bản thân và khiến ta không duy trì được tình yêu với bản thân mình.

Hình như với người ngoài, mình lại có sự bao dung hơn bản thân mình thì phải! Điều đó khiến tôi nhận ra: Để yêu bản thân cần siêu nhiều sự can đảm.

Rất can đảm. Trong quá trình lớn lên, rất nhiều đứa trẻ bị bố mẹ nói rằng: Bố/mẹ không yêu con nữa nếu con không nghe lời đi đánh răng chẳng hạn. Ta có thể dọa một đứa trẻ và rút mục tiêu sống của chúng vì những thứ rất đơn giản như vậy. Phải làm điều bố mẹ muốn, nếu không con sẽ không được bố mẹ yêu. Và dẫu khi lớn lên ta không ý thức được, nhưng ở bên trong đã tạo thành một nếp suy nghĩ: Nếu mình không thế này, nếu mình không thế kia thì mình không đáng được yêu thương.

Khi Julia kể về những nỗi buồn của mình, bạn khiến tôi nghĩ đến câu chuyện về các “cha mẹ độc hại”. Họ có trong mình những chấn thương tâm lý, những cảm xúc tiêu cực và để chúng chi phối rất nhiều vào cách nuôi dạy con cái. Là một người vẫn đang sống cạnh nỗi buồn, Julia làm thế nào để cân bằng những cảm xúc ấy trong mình, để khi ở bên con, bạn vẫn luôn là một phiên bản khỏe mạnh và hạnh phúc?

Điều này thật sự không dễ dàng. Julia rất cố gắng nhưng đôi khi cũng sẽ có những lúc chẳng thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Nhất là những khi con mình cũng có hành động hay cử chỉ mà nếu là mình ngày xưa - chắc chắn sẽ bị đánh. Sẽ có cả những lúc mà bên trong mình bị kích động, khiến mình rất bực bội dẫu nguồn cơn là những chuyện cực kỳ bình thường. Khi ấy, Julia phải cực kỳ kiềm chế để không mắng con, không đánh con, để giải thích cặn kẽ vấn đề cho con hiểu.

Julia có nghĩ rằng việc có con đã mang đến cho bạn rất nhiều tia sáng trong cuộc sống không? Bạn trở thành một phiên bản tốt hơn, hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn?

Chắc chắn rồi. Nhờ vào việc có con, Julia có cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về cách con người phát triển và từ đó hiểu về bản thân rõ hơn. Trước đây, Julia chỉ ý thức được rằng mình đang buồn chứ không hiểu vì sao. Sau khi có con, Julia thấy yêu thương bản thân mình hơn, chấp nhận rằng con người khác biệt và mình không cần phải giống một ai.

Julia Đoàn: Khi giới thiệu bạn trai với hai con cũng cần lên một chiến lược - Ảnh 6.

Trước khi có con, Julia cũng kinh doanh và tự lập từ sớm, người yêu cũng hiền và mọi thứ đều theo ý mình. Julia kiểm soát cuộc sống của mình rất chặt chẽ và tìm thấy sự an toàn từ việc đó. Có con rồi, Julia phải chấp nhận với việc… không kiểm soát được một vài thứ, và bài học ở đây là làm thế nào để giữ bình tĩnh khi chuyện đó xảy ra. Đơn cử như việc Julia rất ghét đi trễ, nhưng con mình lại không hoạt động theo giờ giấc tính bằng phút, nên có những khi đến giờ học rồi mà con lại đòi cởi hết giày dép, nhảy nhót trên sofa và từ chối chuyện đi học - đó là điều khiến Julia phải học cách làm hòa với bản thân mình mỗi ngày.

Câu hỏi cuối cùng đây: Là một người làm rất nhiều vai trò, vừa là một người mẹ, vừa là một người bạn gái, vừa là một chủ doanh nghiệp - việc phải thay đổi liên tục giữa các vai trò ấy trong cuộc sống có khó khăn không?

Thực sự thì không khó, bởi dù sao Julia cũng đã quen với cái guồng đấy rồi. Nhưng mình phải chấp nhận rằng mình không bao giờ có thể đóng một vai trò hoàn hảo, bởi khi làm chủ doanh nghiệp thì vai trò làm mẹ đâu có bớt đi? Mọi chuyện không chỉ là vào thời điểm này mình làm cái này thì mình được phép bỏ công việc kia. Luôn luôn, mọi vai trò sẽ cùng song hành. Và nếu ta đã sẵn sàng và mong muốn một cuộc sống như vậy, thì hãy chấp nhận áp lực sẽ là món quà đính kèm khi ta tìm cách đáp ứng hết những vai trò ấy.