Từ lâu, năng suất làm việc cũng như là kỷ luật trong công việc của người Nhật đã được nhiều quốc gia khác đánh giá cao, thậm chí còn được cho là quy chuẩn để hình thành môi trường công sở vững mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển công ty. Tuy nhiên ít ai biết rằng, đằng sau nét văn hóa cống hiến hết mình cho công việc ấy là một vấn nạn đã và đang khiến chính phủ Nhật Bản đau đầu. Vấn nạn này gói gọn trong hai từ "nghiệt ngã".

Ngang (2)

Bằng chứng là mới đây, bộ ảnh những "con ong chăm chỉ" trong công việc tại Nhật Bản đang vật vờ ngủ ngoài đường phố Tokyo đã được nhiếp ảnh gia người Ba Lan, sinh sống ở Nhật nhiều năm có tên Pawel Jaszczuk chụp lại khiến không ít người phải giật mình. Bộ ảnh mô tả chân thực về nét văn hóa công sở được mọi người tôn sùng vào ban ngày, nhưng lại vô cùng cay đắng khi đêm đến. Họ - các nhân vật chính trong ảnh đa số đều ngủ gục ngoài đường do... kiệt sức.

Pawel Jaszczuk chia sẻ, để thực hiện bộ ảnh này anh gần như phải đạp xe ra đường mỗi đêm trong suốt 2 năm với mục đích tìm kiếm những chàng công sở Nhật Bản đang trong tình trạng gục ngã sau giờ tan làm. Anh nói thêm về lý do mình nảy ra ý tưởng chụp bộ ảnh như sau: "Tôi muốn mọi người nhìn nhận rõ hơn về những gì đang thực sự xảy ra trong xã hội Nhật Bản. Mỗi ngày họ đã trải qua những gì và các công ty, tập đoàn sử dụng họ ra sao".

Ngoài ra, với vấn đề mà phần lớn mọi người đều thắc mắc "chắc gì những nhân vật trong ảnh gục đi vì áp lực công việc", Pawel Jaszczuk giải thích: "Tôi không thể khẳng định 100%. Vài người trong số họ có thể đã uống một vài ly, nhưng hầu hết đều mệt mỏi đến mức ngủ thiếp đi".

Karoshi - "căn bệnh tất sát" của dân công sở Nhật Bản

Quả thật, hành động vật vờ ngủ ngay ngoài đường do làm việc quá sức đã không còn xa lạ gì ở Nhật Bản trong hàng chục năm nay, tuy nhiên với cái cách mà nó duy trì bất chấp sự can thiệp của chính phủ thông qua các chính sách và đạo luật đã làm dấy lên một làn sóng đáng báo động về "căn bệnh tất sát" được mang tên "Karoshi".

Karoshi có thể hiểu đơn giản là thuật ngữ dùng để chỉ những trường hợp bị chết do làm việc quá sức tại Nhật Bản. Theo đó, các trường hợp Karoshi được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1987 khi Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận nhiều ca tử vong đột ngột của các giám đốc công ty. Sau đó, "căn bệnh" Karoshi lan rộng ra và cứ thế tăng dần đều qua mỗi năm.

vuong copy 3 (1)

Đến năm 2015, theo Bộ Lao động Nhật Bản, các trường hợp Karoshi tăng lên mức kỷ lục với 2.310 nạn nhân. Dù vậy, đây có thể chỉ là bề nổi bởi theo Hội đồng bảo vệ nạn nhân Karoshi Quốc gia, con số thực tế là 10.000 người – bằng số người thiệt mạng mỗi năm vì tai nạn giao thông tại Nhật.

Nguồn cơn của "căn bệnh" Karoshi bắt đầu từ hơn 50 năm trước

Về lý do căn bệnh Karoshi hình thành và tồn tại suốt bao năm trong môi trường công sở Nhật Bản, đồng nghiệp dù chết nhiều nhưng vẫn không khiến người khác bận tâm có lẽ bắt nguồn từ những năm đầu của thập niên 1950.

Khi đó, do tình hình nền kinh tế bị phá hủy trầm trọng sau thế chiến thứ 2, thủ tướng Nhật Bản Shigeru Yoshida đã ban hành sắc lệnh yêu cầu người lao động phải cống hiến hết mình cho công ty và công ty sẽ phải chịu trách nhiệm chăm sóc nhân viên của mình suốt đời về cả vật chất lẫn tinh thần.

vuong copy 4 (1)

Thỏa thuận này nhanh chóng được người lao động cũng như là các chủ/ban lãnh đạo doanh nghiệp Nhật áp dụng. Giai đoạn ấy, đa số dân công sở đều chọn một công ty để làm việc và cống hiến mãi cho đến lúc nghỉ hưu ở tuổi 60. Đây có thể được xem là thời kỳ mà người lao động và doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện "cuộc hôn nhân trọn đời" với nhau. Nền kinh tế Nhật Bản theo đó mà khôi phục nhanh chóng một cách thần kỳ.

Nhận thấy hiệu quả, cam kết này được thắt chặt hơn từng ngày, thậm chí người Nhật khi ấy còn lấy công việc làm "niềm vui". Và cũng từ đây, mầm mống của căn bệnh Karoshi được hình thành, bắt nhốt và vắt kiệt sức của dân công sở Nhật hàng chục năm sau đó.

Giai đoạn đáng báo động, cụm từ "Karoshi" ám ảnh xã hội Nhật Bản

30 năm sau lời kêu gọi của thủ tướng Shigeru Yoshida, kinh tế Nhật Bản biến động khi giá cổ phiếu và bất động sản tăng cao, kéo dài mang tới sự bứt phá với cái tên đầy rủi ro "nền kinh tế bong bóng", dân công sở Nhật Bản bị buộc phải làm việc kiệt sức đến ngưỡng giới hạn. Theo số liệu thống kê, đỉnh điểm gần 7 triệu người (tức khoảng 5% dân số Nhật Bản khi đó) "quay cuồng" với 60 giờ làm việc mỗi tuần.

Đến năm 1987, các trường hợp Karoshi được ghi nhận lần đầu tiên. Lúc này đây, nhận thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng làm việc quá sức của dân công sở, chính phủ Nhật Bản buộc lưu tâm nhưng không thể, tất cả ngoài tầm kiểm soát, tất cả đã quá muộn. Trong các bảng số liệu thu thập, danh sách Karoshi hầu hết bao gồm những nạn nhân làm việc quá 100 giờ/tháng trước khi chết hoặc quá 80 giờ/tháng trong 2 tháng liên tiếp.

vuong copy 5 (1)

Mọi chuyện càng thêm tồi tệ khi nền kinh tế bong bóng tại Nhật Bản sụp đổ và rơi vào khủng hoảng trong thập niên 1990. Hàng loạt các công ty thời điểm đó bắt buộc phải tái cơ cấu dẫn đến tình trạng dân công sở phải làm việc hết công suất, làm thêm ngoài giờ đến mức kiệt quệ nếu không muốn bị sa thải. Giai đoạn này, các trường hợp Karoshi được ghi nhận tương đương với số người Nhật chết vì dịch bệnh…

Những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản trong việc ngăn chặn Karoshi

Trước tình trạng quá đông công dân Nhật Bản đột quỵ vì làm việc quá sức, chính phủ Nhật Bản những năm gần đây đã và đang cố gắng ráo riết tìm ra nguyên nhân để bắt tay vào công cuộc giải phóng người lao động (dù cho đó là thứ mà người Nhật lựa chọn chứ không hẳn bị ép buộc).

vuong copy 6 (1)

Theo đó, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều dự thảo với chỉ tiêu giảm tỷ lệ lao động làm việc hơn 60 giờ/tuần khoảng 5% vào năm 2020, từ 8-9% trong các năm tiếp theo và khuyến khích người lao động sử dụng ít nhất 70% số ngày phép họ được hưởng. Đồng thời yêu cầu các công ty Nhật Bản cho phép nhân viên làm việc tại nhà, được phép nghỉ sớm vào ngày thứ 6 cuối cùng của tháng, tắt đèn văn phòng sau 7h tối,...

Nếu những cải cách này thành công ít nhất sẽ mang lại hai tác động tích cực cho nền kinh tế Nhật Bản:

1. Giúp các công ty và người lao động thay đổi suy nghĩ "cứ làm việc nhiều thì hiệu quả sẽ cao", từ đó chủ động hơn để tìm kiếm một cách làm việc khoa học, hiệu quả mà không chiếm nhiều thời gian gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

2. Góp phần xây dựng gia đình bền vững khi cha mẹ dành nhiều thời gian cho con cái hơn. Đồng thời gián tiếp xóa bỏ bất bình đẳng giới trước tình hình nhiều phụ nữ Nhật bị buộc phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc gia đình.

vuong copy 7 (1)

"Tử vì Đạo" ăn sâu vào đời sống công sở Nhật Bản thời hiện đại

Dù đã có những sự thật được phơi bày rành rành ra đó, những cái chết đã được báo trước, thậm chí chính phủ cũng đã ra tay can thiệp tuy nhiên có vẻ như tình trạng dân công sở Nhật Bản tham công tiếc việc ngày nay vẫn còn tồn tại khá nhiều. Họ vẫn cứ tìm cách lách luật, vẫn cứ làm việc quá giờ, vẫn cứ từ chối các ngày nghỉ phép và tiếp tục vật vờ ở những ga tàu điện lúc nửa đêm.

Từ đây có thể thấy "tử vì Đạo" trong môi trường công sở vốn đã là một thứ rất khó để thay đổi và xóa bỏ hoàn toàn. Nó đã hình thành như một nét văn hóa công ty nơi mà mọi người gần như giam mình trong chiếc lồng không có lối thoát, họ phải nhìn nhau mà làm việc, nhìn sếp mới dám ra về và chịu áp lực của những tác động có thật khác.

vuong copy 8

Ví dụ như dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng, số lượng người lao động cũng theo đó mà giảm dần. Người lao động càng giảm, khối lượng công việc của những người đi làm còn lại sẽ tăng. Điều này buộc dân công sở phải bán linh hồn cho công việc.

Quả thật, từ những minh chứng có thật được tái hiện chân thực ở khắp các nẻo đường đô thị Nhật Bản qua hình ảnh dân công sở gục ngã giữa đêm, có thể thấy mầm mống "căn bệnh" Karoshi như một ngọn lửa chưa bao giờ thôi bập bùng, một ngọn lửa được nhìn thấy rõ nhất sau giờ tan làm. Những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản trong công cuộc dập tắt ngọn lửa này là không thể phủ nhận, ấy thế chừng nào vẫn còn người chết vì làm việc quá sức, dù 1, 100 hay 1000 thì Karoshi vẫn ám ảnh đất nước mặt trời mọc...