Nhiều người hay kháo nhau rằng, các công ty Nhật Bản chính là môi trường đào luyện tốt nhất để giúp những cá nhân công sở trở nên ưu tú và xuất sắc hơn. Tuy nhiên, có lẽ giống như câu nói “công ty thì có công ty this, công ty that”, không phải lúc nào công ty Nhật Bản cũng là môi trường làm việc trong mơ của hội công sở Việt.
Nói có sách mách có chứng, mới đây đã có một nàng công sở Việt đăng đàn chia sẻ về công ty Nhật Bản mà cô vừa “bỏ của chạy lấy người” như sau:
“Nhân dịp thấy câu chuyện nói về công ty Nhật nên mình cũng góp vui về công ty Nhật mà mình đã bỏ của chạy lấy người:
1. Không có lương tháng 13, với tiêu chí công ty đưa ra là, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, làm 12 tháng thì nhận lương 12 tháng là đúng rồi. Mình làm HR, đã giải thích với mấy "bác" là hầu hết các công ty đều có lương tháng 13, nhân viên xem đó là chuyện đương nhiên ở Việt Nam rồi, nhưng ở đây thì không, ứng viên phỏng vấn mấy vòng xong đến lúc offer nghe ko có lương tháng 13 thì chạy hết.
2. Vì không có gì để giữ chân nhân viên nên ký hợp đồng bắt buộc nghỉ việc báo trước 60 ngày. Nghe là thấy vô lý rồi nhưng HR vẫn phải ghi vào hợp đồng.
3. Offer lương bèo hơn thị trường, yêu cầu cao hơn người thường, tự cho rằng mình đang tạo cơ hội cho người Việt Nam làm việc có tính thử thách”.
Câu chuyện trên sau khi đăng đàn ít lâu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Và với sự xuất hiện ngay giữa thời điểm sau Tết khá nhiều dân công sở muốn nhảy việc, bên dưới phần bình luận, hàng loạt ý kiến đã được viết ra với hy vọng có thể giúp cho những ai đang thòm thèm nhảy sang môi trường làm việc kiểu Nhật có thêm thông tin tham khảo.
“Mình đã trải qua công ty Nhật rồi nên đúng là khắc nghiệt nha. Khi đó công ty Nhật cho đi dép lông trong phòng làm việc, giày để bên ngoài, mình đi đôi màu hồng thì bị sếp nhắc nhở là không phù hợp. Rồi đi vệ sinh cũng được yêu cầu mang theo điện thoại vào để không miss cuộc gọi khách hàng. Toàn những điểm nhỏ nhặt thôi, nghe cũng không mấy vô lý nhưng hơi chặt.
Riêng đoạn cuối chủ thớt chia sẻ là trả thấp để tạo công ty mang tính thử thách cho người Việt thì ok đúng luôn, họ có tư duy trời ơi như vậy. Và sau 2 tháng làm thì mình xin bái bai luôn”.
“Mình có trải nghiệm một công ty Nhật và phải công nhận là họ có nhiều quy định kỳ quái:
1. Không được để bất kỳ đồ gì lên bàn ngoài màn hình và bàn phím, dùng xong phải cất vào ngăn kéo ngay.
2. Uống nước bằng chai cá nhân, cất ngăn kéo, đến giờ mới được ra ngoài lấy thêm nước.
3. Không ăn trong công ty.
4. Không đeo trang sức”.
“Cái này chắc tùy công ty. Chứ 2 công ty mình làm qua rồi thì lương thưởng rõ ràng đầy đủ nên vẫn muốn đầu quân cho Nhật. Việc làm rạch ròi, không có chuyện nhờ vả lẫn nhau, việc ai nấy làm, tinh thần trách nhiệm cao. Chưa kể sếp còn tâm lý kiểu rất dễ thương ý, nghe mình ốm là gọi điện ngay hỏi tình hình, hỏi mình có muốn ở nhà nghỉ ngơi không, sếp duyệt cho nghỉ,...”.
Quả thật, dù đều là những quốc gia phương Đông nhưng môi trường công sở Việt và Nhật vẫn có nhiều sự khác biệt rõ rệt trong văn hóa nội bộ, các quy tắc ngầm cũng như là chính sách đãi ngộ dành cho nhân viên. Cho nên, ôm giấc mơ màu hồng đến với công ty Nhật, không ít người Việt cảm thấy khá sốc tương tự như nàng công sở nhân vật chính và hai bình luận đầu tiên bên trên.
Nói thế không có nghĩa là đánh đồng tất cả các công ty Nhật đều giống nhau, bởi như đã trình bày ở đầu, công ty Nhật cũng có công ty “this” công ty “that”, cho nên bên cạnh những công ty gây khiếp sợ vẫn còn tồn tại không ít môi trường khiến dân công sở Việt nào cũng ao ước (như bình luận thứ 3). Đa số các công ty kiểu thế khi về Việt Nam đã chấp nhận Việt hóa đi ít nhiều sao cho phù hợp với văn hóa của người lao động bản xứ.