"Ra đây bác xem cò".
"Ôi cái giống vàng giống ngọc của bà".
...
Ở Việt Nam, việc cô, dì, chú, bác, ông, bà... điềm nhiên đụng chạm vào vùng nhạy cảm của các bé trai trong gia đình đã tồn tại từ rất lâu, lâu đến nỗi nhiều người còn tin đây là hành động thể hiện sự quan tâm thân mật.
Và rõ ràng, khi trẻ em chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như nhận thức, chúng khó lòng phân biệt rạch ròi được đâu là cưng nựng có giới hạn, đâu là quấy rối tình dục.
Theo Rape, Abuse & Incest National Network (Mạng lưới quốc gia chống hiếp dâm, lạm dụng & loạn luân lớn nhất nước Mỹ - RAINN) thì quấy rối tình dục có thể xảy đến với bất cứ ai, bất kể tuổi tác hay giới tính.
Và có một sự thật ít khi được báo chí nhấn mạnh: Nam giới cũng bị xâm hại tình dục, tỉ lệ đó rơi vào khoảng 20%.
Thực tế, tỉ lệ này có lẽ chưa chuẩn xác, chúng ta chưa tính đến việc cách dạy dỗ về các tiêu chuẩn giới tính, rằng con trai thì đừng có lèo nhèo mách lẻo, sẽ ảnh hưởng đến số liệu này như thế nào.
Nam giới và các bé trai bị tấn công hoặc lạm dụng tình dục cũng có cảm xúc và phản ứng tương tự như nạn nhân nữ giới. Tuy nhiên, bên cạnh những cú sốc, tổn thương về thể xác lẫn tinh thần - đàn ông còn phải gánh chịu sức ép đến từ thái độ và định kiến xã hội về sự nam tính.
Dưới đây là câu chuyện của 3 người đàn ông từng bị quấy rối, lạm dụng theo nhiều cách khác nhau. Nhưng cùng chung một mẫu số, đó là bỏ qua và cố gắng quên đi.
#BểBơi
Với vẻ dặm trường của trai ngoài 30, Cường nhấp ngụm cà phê rồi nói về mong ước của người làm báo chí xã hội: Có cuộc sống bình thường bên vợ và con trai bé nhỏ, không phải nghĩ nhiều về tiền, có thời gian làm nghệ thuật.
Trước khi chọn tập trung tâm trí cho những điều quan trọng ấy, gã đã trải qua nhiều điều, mà như anh nói là "quái gở trong đời".
"Lúc 4 - 5 tuổi, anh cũng bị họ hàng đụng chạm chỗ nhạy cảm, bé tí nhưng vẫn nhớ đến bây giờ. Hồi đấy anh thấy bình thường, vì đó cũng là chuyện bình thường với người lớn trong nhà. Đấy, bị sờ thì nhột".
"Lên lớp 3, anh chứng kiến thằng bạn học bị 1 ông chú cũng già rồi, kéo cổ ra hôn. Là hôn thật chứ không phải thơm má gì đâu. Sốc lắm em ạ".
Nhưng đó không phải lần quái gở nhất, cho tới tận khi gã đã ngoài hai mươi, trong một buồng thay đồ tại bể bơi khu Hai Bà Trưng.
"Anh đi bơi như mọi lần, phòng thay đồ cho nam thì toàn tồng ngồng cả nhưng thường không ai dòm ngó ai. Trước đấy anh đi bộ dọc thành bể bơi, có 1 ông trung niên trông lịch sự nhưng nhìn anh với ánh mắt rất lạ", Cường nói.
Và trong khi Cường lúi húi trong nhà tắm, gã đàn ông lạ mặt bất ngờ tiếp cận từ phía sau, đưa tay chạm vào chỗ nhạy cảm khiến Cường giật bắn mình.
"Hồi đó anh chấp nhận đa dạng giới tính, nhưng không chấp nhận chuyện bất lịch sự như thế". Nhận ra sự phản kháng, gã đàn ông chợt nhận ra Cường chẳng thuộc thế giới của gã.
Cường có nổi điên lên, rồi nổ ra cuộc chiến giữa trong phòng thay đồ? Câu trả lời là không. Anh bỏ về và thề cho tới khi chết, đừng hòng anh đặt chân tới cái bể ấy nữa.
"Anh thấy ghê tởm, bực mình và khó chịu, tóm lại là không biết phải gọi tên thứ cảm xúc đấy là gì. Vài năm sau, đọc nhiều hơn, hiểu sâu hơn về xâm hại tình dục anh mới nhận ra những gì mình trải qua chính là việc đó".
Thực tế, chuyện xảy ra ở bể bơi không để lại hậu quả quá lớn với Cường, điều nguy hiểm nhất lại chính là nhiều người có xu hướng bình thường hóa xâm hại từ hành vi nhỏ nhất. Một lần bỏ qua, sẽ có lần thứ 2 bỏ qua, và rồi, sự bỏ qua ấy cứ mãi lũy tiến, cuối cùng trở thành sự bình thường kỳ lạ.
Giờ làm bố trẻ con rồi, anh tính dạy dỗ thế nào về chuyện này khi cháu lớn lên?
Cơ thể mình không ai có quyền xâm phạm, cơ thể của người khác cũng thế - đây là điều đầu tiên anh dạy con. Còn người lớn dù thế nào cũng phải biết giữ khoảng cách trước mặt con trẻ, anh với vợ cũng vậy.
Cường của tuổi 32 sẽ đối mặt thế nào nếu rơi vào tình huống trên một lần nữa? Bây giờ anh cảnh giác và chú ý hơn đến ánh mắt của mọi người. Còn tái diễn hả, chắc chắn sẽ phản ứng mạnh bạo, dứt khoát hơn.
#XeĐỏ
Anh Vũ, sắp 30 tuổi, nhân viên ngân hàng gốc Hải Phòng, là người đàn ông thứ 2 thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi về vấn đề xâm hại ở nam giới.
Chỉnh tề trong bộ đồng phục ngân hàng, Vũ từ từ kể lại câu chuyện của mình hồi học lớp 7.
"Anh không nhớ ngày nữa, nhưng là một chiều tháng 7. Chán quá, bỏ học ra công viên ngồi chơi hóng hớt thì ở đâu ra 1 ông ngồi wave đỏ, lại gần vẫy vẫy. Ban đầu anh tưởng người ta hỏi đường nên lững thững ra xem có việc gì, chưa mở mồm thì ông kia nói trước: Cho anh ngậm cái đó của em nhé, anh cho tiền".
Trong khoảnh khắc đó, cậu trai 12 - 13 tuổi vẫn còn lơ mơ sự đời sợ nổi da gà, nói "KHÔNG" và quay lưng bỏ đi.
Với bộ dạng bình thường, thậm chí là lịch sự, người đàn ông với đề nghị dị hợm trên chiếc xe máy đỏ rồ ga bám theo Vũ tiếp tục nài nỉ. Không chỉ thế, ông ta còn thò tay xuống túm lấy đũng quần anh.
Vũ ù té chạy, chạy một mạch không đứt hơi nào về tận cổng trường, cho đến khi chiếc xe wave đỏ khuất bóng.
"Lúc đấy anh tạm thời bị hoảng loạn, rất bức bối khó chịu nhưng ngoài việc bỏ chạy thì không biết làm gì hay kể với ai. Anh từng nghĩ mấy chuyện này chỉ xảy ra với chị em phụ nữ, không ngờ lại đến với mình".
Lời đề nghị đó làm Vũ ám ảnh nhiều năm liền, thậm chí từng khiến anh có suy nghĩ sai lệch và âm thầm kỳ thị người đồng tính.
"Anh giữ định kiến và né xa người đồng tính vì sợ chuyện đó lại xảy ra với mình. Mãi đến khi có bạn bè, đồng nghiệp cũng là người đồng tính, cùng thẳng thắn chia sẻ thì anh mới biết mình sai lầm."
"Anh may mắn vì mọi thứ không đi quá xa và kịp thời hiểu ra mọi thứ, nhưng không phải ai cùng cảnh ngộ cũng có cơ hội hiểu đúng."
#NgheLời
Tú, designer, hơn 27 tuổi, là cậu trai thứ 3 và trẻ nhất cởi mở về việc bị lạm dụng dẫn tới suy nghĩ lệch lạc khi còn nhỏ.
Sinh ra ở khu vực miền núi Bắc Kạn, vào khoảng năm 1998 - 1999, Tú thường được gửi sang nhà bác hàng xóm mỗi khi mẹ xuống thành phố dạy học, coi thi.
Bên đó có 2 chị gái đang tuổi ăn tuổi lớn, học lớp 9 và lớp 12. Cuối những năm 90, trên vùng đó nhà cửa thưa thớt, mọi thứ đều thiếu thốn nên Tú 5 tuổi có 2 chị chơi cùng cảm thấy vui lắm.
Người lớn thì bận rộn, việc Tú được ăn chung, chơi chung và đôi lúc ngủ chung với các chị lớn "được coi là chuyện bình thường". Thậm chí, mẹ Tú còn cảm thấy yên tâm vì thi thoảng vắng nhà có người trông con giúp.
"Có một buổi trưa, đang nằm ngủ bên nhà bác hàng xóm thì chị lớn (lớp 12) bỗng cầm tay em dí vào ngực. Em giật mình rút tay lại nhưng chị nắm rất chắc, nhất quyết không buông ra nếu không xoa ngực".
"Khi đó em thực sự không suy nghĩ gì cả, cũng tò mò nhưng chị bảo sao thì làm vậy. Trước mỗi lần đi vắng, mẹ đều dặn phải ngoan, vâng lời các chị nếu không sẽ bị phạt. Vì thế mà em càng không phản kháng, chỉ ngoan ngoãn nghe theo".
Tú bảo việc đó diễn ra liên tục trong vài tháng liền: Mỗi khi không có người lớn ở nhà là chị hai lại ép cậu làm như vậy trong căn nhà có cánh cửa sơn xanh.
Còn quá nhỏ, Tú không nhận thức được mình đã bị lạm dụng, thậm chí còn tỏ ra thích thú và bình thường hóa chuyện đó vì làm vui lòng chị gái thân thiết với mình.
Và vì hành động nói trên được bình thường hóa ở nơi mình sống, Tú thừa nhận đã từng sờ soạng các bạn nữ ở lớp mẫu giáo.
Đỉnh điểm là lần Tú bị chị dúi tay vào trong quần, cậu nổi gai ốc chạy ngay về nhà vì cảm thấy rất sai trái.
"Hôm đó em đã có phản ứng sinh lý, tay chân run bắn nhưng không thấy thích nữa vì chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình".
Cũng như hai nhân vật nói trên, Tú cũng giữ kín mọi chuyện, không dám kể cho mẹ hay bất cứ ai vì sợ xấu hổ, sợ bị chửi mắng. Mãi đến khi lớn lên và có đầy đủ nhận thức, cậu mới tự hiểu được mình bị làm dụng và chớm trở thành kẻ đi lạm dụng.
Tạm kết
Theo Science Direct, ngay cả ở những quốc gia phát triển nhất, cụm từ Male sexual assault (MSA) vẫn bị hiểu sai thành đàn ông tấn công tình dục phụ nữ. Trong khi đó, MSA để chỉ việc ngược lại: đàn ông bị người khác tấn công tình dục.
Hiện tượng này được coi là không tồn tại vì định kiến xã hội cho rằng, đàn ông mạnh mẽ và kiểm soát rất tốt cơ thể của họ. Tuy nhiên, sự thật là mọi người đàn ông đều có thể trở thành nạn nhân của hành vi xâm hại, tấn công tình dục bất kể tuổi tác, màu da, ngoại hình hay xu hướng tính dục.
Ngày 27/5/2020, tờ An Ninh Nhân Dân dẫn báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày: Trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Trong đó, từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (1.672 trẻ nam, 7.037 trẻ nữ). Như vậy, cứ 5 trẻ bị xâm hại lại có 1 trẻ nam.
Vào trung tuần tháng 6/2020, dư luận cả nước vô cùng phẫn nộ trước người đàn ông lớn tuổi có hành vi dâm ô, dùng chân đá vào bộ phận nhạy cảm của bé trai trong thang máy chung cư FLC Garden City Đại Mỗ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Sự việc xảy ra khiến cháu bé hoảng loạn và sợ hãi, không dám kể với gia đình. Tới sáng hôm sau, trong lúc đưa con tới trường, cháu bé mới dám chia sẻ câu chuyện với mẹ. Sau khi trích xuất camera an ninh của thang máy thì phụ huynh mới phát hiện ra sự việc.
Vụ việc đó chưa đi qua, dư luận tiếp tục bàng hoàng trước thông tin Hiệu trưởng dâm ô hàng loạt nam sinh ở Phú Thọ.
Cụ thể, từ tháng 11/2016 đến tháng 12/2018, thủ phạm Đinh Bằng My từng là cựu Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn đã nhiều lần thực hiện hành vi dâm ô, quan hệ tình dục với 9 nam sinh của trường.
Hành vi phạm tội diễn ra nhiều lần, đối với nhiều người và đều là những người mà bị can có trách nhiệm chăm sóc giáo dục. Trong vài năm liền, các nạn nhân đã phải chịu nhiều tủi nhục, uất ức mà loay hoay không biết phải kêu cứu ra sao. Kết quả, bị cáo Đinh Bằng My phải lĩnh án 8 năm tù giam, bồi thường bằng tiền cho các nạn nhân.
Sau vụ việc, Hiệu phó trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn cho biết: "Nhà trường rất bất ngờ vì cựu Hiệu trưởng là người có chuyên môn, tác phong chuẩn chỉnh, chấp hành tốt phân công nhà trường..."
Còn rất nhiều vụ việc như vậy nhưng hầu như, khi được đem ra ánh sáng thường đã quá muộn. Rõ ràng, nạn nhân bị xâm hại, quấy rối tình dục không chỉ là bé gái hay chị em phụ nữ, mà từ cậu bé cho tới những anh thanh niên to khỏe.
Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng cần được bảo vệ, cần được lên tiếng trước những hành vi bệnh hoạn, đi ngược tiêu chuẩn đạo đức con người.
Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi*