Đối với chị em công sở mà nói, không phải công việc mà chính là đồng nghiệp trong công ty mới là yếu tố mang lại những cung bậc cảm xúc đa dạng bậc nhất. Đồng nghiệp tốt mang lại sự thoải mái và những tràng cười sảng khoái, góp phần giảm thiểu những căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình làm việc.
Đồng nghiệp xấu nhiều lúc khiến chị em phát điên nhưng cũng đôi khi tạo cho chúng ta sự hả hê khi những hành động “lỗi đạo” của họ bị “nghiệp quật” không trượt phát nào.
Vừa mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội quy tụ đông đảo dân văn phòng, một nàng công sở đã có dịp chia sẻ câu chuyện bản thân phải chung đụng với một đồng nghiệp xấu tính suốt 10 năm trời. Cụ thể, cô bộc bạch:
“Mình đi làm đã hơn 10 năm, và trong 10 năm mình phải chịu đựng 1 chị đồng nghiệp rất dở hơi. Chị ta cũng chỉ là nhân viên như mình thôi nhưng biết nịnh nọt, thảo mai nên thân với trưởng phòng cũ, toàn nói xấu, dìm hàng mình đủ kiểu với trưởng phòng cũ.
Nhưng vừa rồi trưởng phòng cũ dính phốt tham ô, người mới là từ trên Tổng xuống, tính khá rắn nên chị đồng nghiệp không giở trò được. Thậm chí, ông trưởng phòng mới này còn có vẻ không ưa chị ấy cơ; có thể cũng nghe mọi người đồn đại về tính thảo mai của chị ta.
Hôm qua họp phòng mà mình có việc xin về sớm, hôm nay chị ấy truyền đạt lại cuộc họp hôm qua với mình, lại bảo trưởng phòng mới chê mình làm việc không hiệu quả, không khéo muốn cho mình nghỉ việc để tuyển người mới. Mình nghe cũng thấy có điều vô lý vì mình tự thấy không làm gì sai.
Mình mà sai chắc cũng phải bị khiển trách, nhưng có ai nói gì đâu. Thậm chí sáng sớm mình cũng vừa vào làm việc cả trưởng, phó phòng, hoàn toàn không ai đả động 1 chút gì tới mình, chỉ nói hôm qua họp nhanh cũng chỉ 30 phút thôi.
Đến lúc gần về mình gặp trưởng phòng mới hỏi lại vấn đề. Xin lỗi chứ, nghe mình nói ông ý suýt nữa văng tục. Ông ấy bảo sao chị kia đựng đứng chuyện được thế, mà nói trắng ra vấn đề hoàn toàn ngược lại.
Chính ra vì chị đồng nghiệp ấy sắp về hưu rồi, nên mới cần tuyển dụng người mới, tuyển để thay cho chị ta về, nhưng chị ta còn muốn bám lấy cơ quan, định xin làm tiếp mà chắc không ổn, giận cá chém thớt, lại đi nói lộn với mình. Ông trưởng phòng điên máu thế thì chị ấy có khi còn nghỉ hưu nhanh hơn, hay chị ấy nghĩ đằng nào cũng nghỉ, định chơi lớn luôn cho thiên hạ trầm trồ đây.
Ông trưởng phòng bảo mình để yên chị ấy để ông xử lý, nên mình cũng không nói năng gì với chị ấy cả. Chị ấy tưởng mình không dám đi hỏi sếp, nên lại tiếp tục diễn với mình. Chị ấy bảo 'hôm qua tao còn phải nói đỡ cho mày, tao bảo ngón tay còn có ngón dài, ngón ngắn; thôi thì để tôi nhắc nhở cô ấy. Hóa ra mình còn phải chịu ơn chị ấy cơ, nghe mà buồn nôn. Mình cười trừ thôi, ông trưởng phòng đã bảo để ông ấy xử lý mà'”.
Vốn là một bài chia sẻ và chẳng mong cầu lời khuyên nào nhưng bài đăng vẫn thu hút được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm. Rất nhiều bình luận đã được để lại, đại ý cảm thấy hả hê cho hậu quả mà chị đồng nghiệp “trời hành” của chủ nhân bài đăng phải gánh chịu:
“Đọc thấy hả dạ ghê! Chỉ mong 1 ngày có thể lột bộ mặt “cáo già giả nai” của 1 số đứa xuống cho thiên hạ nhìn thấu”.
“Thể loại ma cũ, cậy làm lâu (mặc dù cùng làm nhân viên như nhau), ăn lương thì cao, làm thì ít, hay soi mói chỉ trích nhân viên mới là thứ đáng ghét nhất chốn công sở”.
“Không phải chuyện của mình mà đọc xong mát cả ruột. Hóng cái con người ấy bay màu”.
Drama trong môi trường công sở là chuyện lúc nào cũng có và vẫn luôn là một đặc sản. Tuy nhiên, cách chúng ta ứng biến và xử lý với những drama có liên quan đến mình như thế nào mới là thứ quan trọng. Nàng công sở trong câu chuyện đã phần nào thành công trong việc sống sót nơi công sở thị phi thông qua việc biết ẩn mình và nhẫn nhịn đúng lúc.
Bên cạnh đó, khi mặt bằng chung có chuyển biến, nàng cũng không quên chuyển mình bằng cách dũng cảm gặp sếp mới để nói chuyện “ra ngô ra khoai”. Thông qua câu chuyện này, chị em đã có kha khá mẹo nhỏ để “lận lưng” và áp dụng cho mình nếu gặp tình huống tương tự.