Hàng nghìn tỷ đồng đánh bạc trên ví điện tử
Thời gian qua đã có hàng loạt đường dây đánh bạc bằng ví điện tử bị phát hiện. Theo Bộ Công an, các đối tượng sử dụng hàng nghìn ví điện tử tích hợp trên mỗi trang web nhận tiền đánh bạc của người chơi, lôi kéo hàng chục nghìn người tham gia đánh bạc trên toàn quốc với số tiền hàng nghìn tỉ đồng.
Tháng 1/2023, đã có 2 chuyên án đấu tranh với 2 ổ nhóm đánh bạc trên mã chuyển tiền của ví Momo do Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an tỉnh Bến Tre thực hiện. 20 đối tượng đã bị bắt giữ, số tiền tham gia hơn 2.200 tỷ đồng, số lượng ví Momo đối tượng sử dụng là 5.000 ví.
Bên cạnh đó các đối tượng tội phạm cũng triệt để lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện các hành vi phạm tội khác như tín dụng đen, thanh toán chuyển tiền cho các sàn giao dịch ngoại hối trái phép.
Đánh bạc qua ví điện tử Momo
Ví điện tử, cổng thanh toán đã bị lợi dụng cho việc phổ biến hình thức cờ bạc chẵn lẻ, tài xỉu dựa trên mã giao dịch chuyển tiền. Nhiều người khi tham gia chơi chỉ nghĩ đơn giản chơi cho vui nhưng thực chất đã trở thành đối tượng đánh bạc qua mạng.
Trong đường dây đánh bạc qua ví điện tử Momo - ứng dụng với 30 triệu người dùng - Công an tỉnh Bắc Giang triệt phá mới đây, số tiền trong các giao dịch gần 3.000 tỷ đồng, với trên 71.000 tài khoản tham gia. Vậy cách thức nào để các đối tượng tội phạm lợi dụng dịch vụ này để phạm tội?
Từ một lần lướt Facebook, một người chơi thấy quảng cáo về trang tổ chức đánh bạc trên ví điện tử. Trang đánh bạc này có hàng triệu người tham gia và được quảng cáo nhà cái trả thưởng sòng phẳng, nhanh. Người chơi sử dụng chính tài khoản Momo của mình.
Cách chơi đơn giản, chuyển tiền đến các số điện thoại được đăng trên trang web. Sau khi hoàn thành lệnh chuyển tiền, ví Momo thông báo cho khách hàng một mã giao dịch. Có nhiều hình thức "chẵn - lẻ" (chọn số chẵn hoặc số lẻ), "tài - xỉu" (chọn số lớn hoặc bé), "đánh tổng 3 số"…
Hạn mức mỗi lần tham gia từ 20.000 đồng cho đến 3 triệu đồng/lệnh đã thu hút ngày càng nhiều người tham gia, đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề. Nhiều người chơi là học sinh, sinh viên.
Một trường hợp khác tham gia và chỉ vài ngày thua hơn 20 triệu đồng. ''Thua nhanh quá, chỉ vài phút là thua đến số tiền đó. Ai cũng muốn gỡ nhưng càng gỡ càng thua''', đối tượng đánh bạc nói.
Thông qua mạng xã hội, nhóm đối tượng kết nối với nhau lập ra tranh đánh bạc, đặt mua các sim rác trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội từ đó tạo các ví Momo. Do Momo hạn chế số tiền giao dịch mỗi ngày và số lệnh chuyển tiền, các đối tượng thu mua nhiều tài khoản để chuyển tiền.
Trong ví điện tử có phần xác thực thông tin cá nhân nhưng việc này là không bắt buộc. Chỉ cần 1 thông tin duy nhất là số điện thoại. Điều này đã khiến cho các đối tượng lợi dụng mở hàng loạt tài khoản để tham gia đánh bạc. Chỉ trong giai đoạn 1 của chuyên án, đã xác định có 71.000 người tham gia trên phạm vi toàn quốc. Hiện xác định trên 6.000 ví điện tử Momo do đối tượng tạo lập tổ chức đánh bạc và trên 71.000 ví điện tử Momo khác đánh bạc.
Trong đường dây này còn xác định nhiều đối tượng đóng vai trò giúp sức là chủ các kênh Youtube với nhiều người theo dõi đã đăng thông tin quảng cáo, gắn link, tên, hoặc logo các trang đánh bạc này. Chủ các kênh này nhận từ 20 - 70 triệu đồng mỗi tháng từ nhóm đối tượng tổ chức đánh bạc.
Kẽ hở quản lý cổng trung gia thanh toán
Tính đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp giấy phép hoạt động ứng dụng trung gian thanh toán cho hơn 50 doanh nghiệp.
Các loại dịch vụ trung gian thanh toán gồm dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử và dịch vụ ví điện tử. Có nhiều kẽ hở trong hoạt động này đã bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để thực hiện các hành vi trên không gian mạng.
Một đối tượng phạm tội cho biết, một ngày đường dây tội phạm do đối tượng cầm đầu có thể kiếm được hàng tỷ đồng. Đối tượng có nhiệm vụ lên mạng xã hội mua sim, tài khoản ngân hàng, mở các ví điện tử để luân chuyển dòng tiền phạm tội.
Một số điện thoại được mở 3 tài khoản ví, với số tiền giao dịch tối đa 100 triệu đồng mỗi ngày mỗi ví. Các đối tượng mở hàng nghìn ví điện tử như vậy để nhận tiền từ hoạt động tội phạm.
"Em thấy kiếm tiền dễ, chẳng cần làm gì mỗi ngày có mấy chục triệu, bí quyết thành công là nắm bắt tâm lý người khác", đối tượng phạm tội nói.
Trước khi những xác nhận chuyển tiền được thực hiện, thì một mã giao dịch đã xuất hiện ngay trên ứng dụng, khiến việc đánh bạc qua mã giao dịch không thực hiện được nữa. Thế nhưng vẫn còn tình trạng rất đáng lo ngại là việc mua bán các gói dữ liệu cá nhân, số điện thoại, số căn cước và số tài khoản ngân hàng.
Chỉ trong năm ngoái, ứng dụng ví điện tử Momo đã chặn, khoá giao dịch và báo cáo cơ quan chức năng hơn 10.000 tài khoản có dấu hiệu vi phạm.
Hoạt động mở ví điện tử theo quy định được thực hiện bằng số điện thoại và để kích hoạt phải thực hiện liên kết với tài khoản thanh toán. Tuy nhiên hiện nay tình trạng sim không chính chủ, tài khoản ngân hàng không chính chủ đã khiến hình thành các ví điện tử không chính chủ.
Các doanh nghiệp trong quá trình giám sát có thể phát hiện các tài khoản bất thường như tần suất giao dịch lớn trong khoảng thời gian ngắn, thiết bị, địa chỉ truy cập trong phạm vi đối tượng tội phạm thường xuyên hoạt động, để kịp thời thông báo về những tài khoản nghi vấn này.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập Momo cho biết: "Bản chất chúng tôi không có nghiệp vụ để tìm kiếm hay bắt tội phạm. Việc này cần sự phối hợp chung của toàn xã hội. Sự phối hợp của cơ quan công an, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Tội phạm xảy ra trên không gian số rất nhiều, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng trên dịch vụ, khó khăn cho doanh nghiệp".
Trong các đường dây tín dụng đen gần đây với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, các đối tượng đã thông qua các cổng thanh toán trung gian để trung chuyển hàng nghìn tỷ đồng. Đối tượng lập công ty ma để ký hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp đối tác của các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Các đối tượng sử dụng các dịch vụ thu hộ, chi hộ của cổng trung gian thanh toán phục vụ cho hoạt động tội phạm. Thậm chí còn có tình trạng nhận, chuyển tiền cho các sàn giao dịch ngoại hối trái phép, gây khó khăn cho điều tra truy vết.
Bộ Công an cho biết quá trình cung cấp dịch vụ, các ngân hàng tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán chưa thực sự coi trọng công tác hậu kiểm, giám sát tài khoản, phát hiện giao dịch đáng ngờ để kịp thời ngăn chặn.
Ngăn chặn lợi dụng dịch vụ thanh toán
Trước tình hình tội phạm trên không gian mạng đang diễn biến đặc biệt phức tạp, tình trạng lộ lọt, mua bán thông tin cá nhân diễn ra nghiêm trọng, làm như thế nào ngăn chặn dòng tiền của hoạt động tội phạm để có thể truy hồi tài sản cho người dân đang là vấn đề được đặt ra.
Hiện Bộ Công an đang tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh xử lý tình trạng sim không chính chủ, tài khoản ngân hàng không chính chủ, ví điện tử không chính chủ để định danh chính xác thông tin người sử dụng, tăng cường các biện pháp xác thực giao dịch như xác thực sinh trắc học; Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung kịp thời các văn bản quy định để quản lý dịch vụ trung gian thanh toán; Ban hành nghị định quy định để quản lý tiền ảo, tài sản ảo.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác thanh kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp chú trọng công tác hậu kiểm thực hiện công tác xác thực mở tài khoản, kịp thời rà soát, báo cáo giao dịch bất thường. Ngành ngân hàng, viễn thông kết nối khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm định danh thông tin cá nhân trong quá trình mở tài khoản, sử dụng các phương thức xác thực giao dịch chính xác, an toàn.
Qua những vụ việc xảy ra, ngoài các đơn vị quản lý nhà nước thì các đơn vị cung ứng các ứng dụng ví điện tử thanh toán trực tuyến cũng phải có trách nhiệm sàng lọc các tài khoản ảo chủ yếu phục vụ việc đánh bạc.