Như tin đã đưa, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa làm rõ Lý Thị N. (SN 1986) trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, có hành vi lừa đảo trục lợi bảo hiểm bằng hình thức táo bạo: N. thuê người khác với giá 50 triệu chặt chân, tay mình để hưởng chế độ khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Chớp nhoáng mua 3 gói bảo hiểm
Tại cơ quan điều tra, chị N. bước đầu tỏ ra rất kín đáo, luôn cho rằng việc mình bị tai nạn là có thật. Tuy nhiên, sau đó chị N. nhiều lần tường trình lại các bản lời khai với nhiều tình huống khác nhau và mâu thuẫn. Cùng với đó là cơ quan điều tra cũng đã thu thập đầy đủ chứng cứ, cuối cùng thì chị N. đã thừa nhận rằng, trước khi thực hiện việc thuê người tự chặt chân tay mình, chị N. đã tìm hiểu rất kỹ các điều khoản hợp đồng của nhiều hãng bảo hiểm, mục đích để trục lợi.
Ngoài ra, chị N. cho biết còn nghiên cứu rất kỹ các điều kiện, nắm rõ thông tin thương tật ở vị trí nào trên tay, chân thì mới được nhận quyền lợi bảo hiểm và chỉ rõ cho anh Doãn Văn D. chặt vào đó.
Từ tháng 1/2016, chị N. đã mua 2 hợp đồng bảo hiểm của Công ty bảo hiểm P., 1 hợp đồng trị giá 10 triệu đồng/năm, 1 hợp đồng trị giá 20 triệu đồng/năm.
Người chứng kiến lúc chị N. kêu cứu kể lại sự việc.
Khoảng 1 tháng sau đó, N. tiếp tục mua 1 hợp đồng bảo hiểm khác của Công ty B. Theo nội dung bản hợp đồng với công ty B., nếu N. bị thương tật vĩnh viễn khi bị mất 1 tay hoặc 1 chân, sẽ được đền bù khoảng 1 tỷ đồng.
Tổng trị giá cả 3 hợp đồng bảo hiểm, nếu bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông gây ra, chị N. có thể nhận tổng số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng. Với cả 3 hợp đồng bảo hiểm nói trên, chị N. đã đóng 1 tháng với tổng số tiền khoảng 13 triệu đồng.
Ngày 4/5, chị N. bàn bạc với anh Doãn Văn D. (SN 1995) - là một người quen của N. Đến tối cùng ngày cả hai người ra khu vực đường tàu nơi thưa thớt người trên địa bàn phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội để thực hiện hành vi chặt chân tay chị N.
Chọn thời điểm lúc nửa đêm, chờ lúc tàu đi về Phú Diễn (nhằm tránh bị phát hiện giả tạo) anh D. bắt đầu thực hiện phi vụ chặt tay và chân chị N. rồi đến trụ sở CAQ Bắc Từ Liêm để tiện việc trình báo và... cấp cứu.
Trước khi hành động, chị N. dặn anh D. là “chặt nhanh, dứt khoát cho đỡ đau”, sau đó đặt phần chân, tay rời ra lên đường sắt để khi tàu hỏa đi qua sẽ nghiến vào phần chân, tay này tạo nên hiện trường “chuẩn” một vụ tai nạn đường sắt.
“Sau khi D. chặt đứt rời tay, chân, N. lăn vào bụi cỏ ven đường bất tỉnh, còn D. làm theo lời dặn của N., núp vào một bụi cây gần đó. Khi đoàn tàu chạy qua, D. chạy vào CAQ Bắc Từ Liêm trình báo”, một cán bộ điều tra cho hay về lời khai của chị N.
Túng quẫn làm liều
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định mục đích chính khiến chị N. chặt chân tay là trục lợi bảo hiểm để có tiền. Theo lời khai của chị N, do mắc nợ một vài người họ hàng với tổng số tiền khoảng 240 triệu đồng và không có khả năng chi trả.
Chị N. trình bày tại cơ quan công an (Ảnh: Y.H)
Chị N. tìm hiểu và được biết trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có điều khoản nếu người mua bảo hiểm bị tai nạn thương tật dẫn tới việc bị mất 1 bàn chân hoặc 1 bàn tay, sẽ được một số tiền rất lớn. Chính vì vậy chị N. ấp ủ tư tưởng về một khoản tiền dễ kiếm. Sau đó chị N. ký hợp đồng và nghĩ ra cách nhờ và được anh Doãn Văn D. đồng ý thực hiện phi vụ gây chấn động.
Trước đó, chiều 24/8, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã chính thức không khởi tố vụ án với lý do hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị N. chưa hoàn thành, phía bảo hiểm chưa bồi thường nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cấu thành vật chất, nghĩa là người có hành vi phạm tội dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của ai đó và phải chiếm được tài sản.
Trong vụ việc này phía bảo hiểm chưa chi tiền theo yêu cầu bồi thường của chị N. và CQĐT đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tài sản chưa chiếm đoạt được nên chưa cấu thành tội phạm.
Cần khởi tố tội gây thương tích
Đó là quan điểm của luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng VP luật sư Interla – Đoàn Luật sư hà Nội). Theo luật sư Hòe, đây là sự việc vô cùng nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận. Trong trường hợp của chị N. người chị đã thuê có thể bị khởi tố hình sự về hành vi tương ứng của mình.
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VP luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Ông Hòe cho hay, đối với trường hợp của anh D. - người chị N. đã thuê để chặt tay, chặt chân mình có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 BLHS.
"Theo quy định tại Điều 104 BLHS thì: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phải cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”.
Trong trường hợp này có thể thấy dù được chính nạn nhân là chị N. thuê để chặt tay, chặt chân chị N. nhưng việc anh D. thực hiện là hoàn toàn cố ý, dẫn đến thương tích cho chị N. Nghiêm trọng hơn, theo kết luận giám định thương tích, cơ quan chuyên môn đánh giá chị N. bị tổn thương 79% cơ thể.
Như vậy, với hành vi của mình và thương tích của chị N., anh D. có thể bị khởi tố hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Khoản 3 Điều 104 BLHS “Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61 % trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 61%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”, luật sư Hòe phân tích.
Đồng quan điểm với Cơ quan CSĐT, luật sư Trương Quốc Hòe cũng cho rằng, hành vi của chị N. là tự tạo tai nạn nếu như hành vi này trót lọt và nhận được tiền bồi thường từ nhà bảo hiểm, nếu phát hiện ra sẽ bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999.
“Tuy nhiên, trong trường hợp này, hành vi trục lợi bảo hiểm chưa hoàn thành do đó sẽ không đủ yếu tố cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, N. sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Hòe nêu quan điểm.