Sau thông báo về quyết định phê duyệt kế hoạch xả nước thải của nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản ra biển, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA - ông Rafael Grossi đã có cuộc gặp tại Fukushima với các quan chức chính phủ, các thị trưởng địa phương và lãnh đạo các hiệp hội nghề cá và nông nghiệp.
Kế hoạch xả nước phóng xạ qua xử lý ra đại dương của Nhật đang nhận được phản ứng trái chiều. Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là liệu nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima xả ra biển có an toàn.
Kế hoạch của Nhật Bản xả nước đã xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về độ an toàn và sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể. Đây là khẳng định của nhà lãnh đạo IAEA.
Ông Rafael Grossi - Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết: "Vai trò quan trọng của IAEA là việc chúng tôi mang đến đây kinh nghiệm và thực tiễn được áp dụng trên toàn thế giới, để tại địa phương mình, các bạn có thể yên tâm rằng trong vấn đề này, những gì đang diễn ra không phải là ngoại lệ, không phải một kế hoạch nào đó được nghĩ ra chỉ để áp dụng riêng ở đây và để thuyết phục các bạn. Kế hoạch này được chứng nhận bởi IAEA, là thông lệ chung được nhất trí và tuân thủ ở nhiều nơi trên khắp thế giới".
Các nghiệp đoàn nghề cá địa phương vẫn lo ngại rằng danh tiếng của họ sẽ bị tổn hại ngay cả khi sản phẩm đánh bắt được không bị nhiễm xạ. Thị trưởng Iwaki - ông Uchida Hiroyuki yêu cầu Chính phủ Nhật Bản ưu tiên giải thích vấn đề cho thấu đáo hơn là chỉ tập trung xác định thời điểm xả thải.
Các quốc gia láng giềng Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã lên tiếng bày tỏ quan điểm sau khi IAEA công bố báo cáo đánh giá về kế hoạch xả nước thải từ Fukushima.
Ông Park Ku-yeon - Phó Chánh văn phòng điều phối Nhà nước Hàn Quốc: "Về cơ bản, quan điểm của Chính phủ Hàn Quốc là tôn trọng các quyết định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), vì đây là một tổ chức được quốc tế công nhận. Trước khi thải ra biển, nước nhiễm xạ phải trải qua quá trình đo lường, nếu nước không đáp ứng tiêu chuẩn thì sẽ bị đưa trở lại hệ thống xử lý nâng cao và được lọc lại. Quá trình lọc sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi nước đạt tiêu chuẩn xả thải. Chính phủ Hàn Quốc hiểu rằng, không có khả năng nước được thải ra ngoài mà không đạt tiêu chuẩn an toàn".
Trung Quốc vẫn duy trì lập trường cứng rắn, kêu gọi Nhật Bản hoãn kế hoạch này. Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Việc xả nước nhiễm xạ từ Fukushima của Nhật Bản đang được dư luận quốc tế hết sức quan tâm và không có chỗ cho sự mơ hồ hay sai lầm".
Lượng nước nhiễm phóng xạ lên tới hơn 1,3 triệu tấn - đủ để lấp đầy hơn 500 bể bơi Olympic, vẫn đang được tích trữ trong hơn 1.000 bể chứa khổng lồ. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc Công ty Điện lực Tokyo TEPCO sẽ sử dụng hết các bể chứa cũng như diện tích đất có thể dùng để xây các bể mới. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy kế hoạch xả nước thải Fukushima và đang xem xét bắt đầu tiến hành kế hoạch sớm nhất vào tháng 8.
IAEA: Kế hoạch xả thải của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế
Chính phủ Nhật Bản và Công ty điện lực TEPCO, công ty chủ quản của nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong tháng 6 vừa qua đã có buổi làm việc với Hiệp hội nghề cá Nhật Bản và tổ chức các chương trình tham quan trực tiếp hệ thống xử lý nước thải để kiểm chứng mức độ an toàn. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mời các chính khách của các nước, như Tổng thống Palau hay đoàn Ủy ban An toàn Hạt nhân và các chuyên gia môi trường biển của Hàn Quốc thăm và kiểm chứng hệ thống xử lý nước thải này.
Hiện báo cáo của IAEA đã xác nhận kế hoạch xả thải của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, đây là cơ sở quan trọng để nước này tiếp tục tổ chức các chương trình làm việc và tham quan tương tự để tìm kiếm sự đồng thuận của ngư dân và cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, sẽ kiên trì giải thích và sẽ đặt mục tiêu đạt được sự chấp thuận của cả trong nước và quốc tế về kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Công ty điện lực Tokyo, nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy cũng đã được lọc qua học qua hệ thống lọc, hệ thống này có thể loại bỏ hầu hết 62 nguyên tố phóng xạ trong nước, mặc dù vậy vẫn tồn tại nguyên tố tritium, đây là nguyên tố ít gây rủi ro vì phát ra tia bức xạ yếu, khó xâm nhập và tích tụ trong cơ thể người hay động vật. Công ty điện lực TEPCO có kế hoạch pha loãng nước xả thải để giảm nồng độ tritium có trong nước, giữ mức này thấp hơn 1/40 tiêu chuẩn an toàn quốc gia của Nhật Bản và 1/7 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cơ bản theo công ty TEPCO, nước thải đã đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cần thiết trước khi xả ra môi trường. Công ty này cũng đã hoàn thành xây dựng đường hầm dẫn nước xả từ khu chứa nước thải ra biển, có chiều dài khoảng 1km và cách mặt nước 12m, đường hầm này đã được cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản thẩm định để sẵn sàng hoạt động.
Hơn 12 năm đã trôi qua kể từ thảm họa động đất sóng thần dẫn đến sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Hậu quả vẫn còn dai dẳng. Mốc thời gian cụ thể mà Nhật Bản chính thức thực hiện kế hoạch xả nước thải vẫn chưa được xác định, do còn chờ cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản phê duyệt chính thức. Nhưng trước đó, nước này vẫn còn nhiều việc phải làm để trấn an được nỗi lo lắng của cư dân địa phương và các nước láng giềng.