Bệnh trẻ hoá
Theo chị Lê Thị Yến 32 tuổi, Trần Thái Tông, Hà Nội cho biết chị đã có tiền sử mỡ máu. Chị Yến kể năm ngoái thấy người mệt mỏi, chị đi kiểm tra sức khoẻ toàn diện khi xét nghiệm máu bác sĩ chẩn đoán chị bị rối loạn lipid máu. Lúc đầu, chị không tin vào kết quả này vì chị gầy và còn trẻ không thể bị rối loạn mỡ máu được.
Tuy nhiên, khi đi kiểm tra lại kết quả vẫn là rối loạn mỡ máu.
Hay như trường hợp của anh Cao Văn Bằng trú tại Thường Tín, Hà Nội nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sụt cân, chán ăn và có dấu hiệu vàng da. Khi bác sĩ xét nghiệm máu đã giật mình vì máu của anh “vàng” do bị rối loạn lipid nặng quá mà bệnh nhân không biết.
Anh Bằng cho biết từ trước đến nay anh khoẻ mạnh, ăn uống tốt nên chẳng bao giờ đi tới bệnh viện khám bệnh. Khi vào viện rồi, bác sĩ cho biết bị rối loạn mỡ máu anh mới giật mình. Bản thân anh Bằng cũng nghi hoặc vì ít ăn thịt hay các chất béo nhưng không hiểu sao vẫn bị rối loạn mỡ máu.
Trường hợp của bệnh nhân Vũ Thị Nguyện A. 35 tuổi trú Long Biên, Hà Nội bị đột quỵ do rối loạn mỡ máu lâu năm nhưng bệnh nhân không điều trị mà chuyển sang uống thuốc nam đến khi bệnh không đỡ gây tắc mạch máu, đột quỵ bệnh nhân mới vào bệnh viện. Sau 1 tuần nằm viện điều trị không có kết quả bệnh nhân đã tử vong.
Theo Giáo sư Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, bệnh mỡ máu đang ngày càng báo động và gia tăng ở người trẻ tuổi.
Nếu trước kia bệnh chỉ gặp ở người cao tuổi thì nay bệnh đã trẻ hoá, người dưới 40 tuổi bị rất nhiều.
Lối sống hiện đại
Theo Giáo sư Khải nguyên nhân là do lối sống của người trẻ hiện nay ăn uống, sinh hoạt mất cân đối. Thói quen thức khuya, lười vận động, ăn uống giàu chất béo là nguyên nhân gây ra bệnh mỡ máu.
GS Khải cho biết bệnh mỡ máu có thể xảy ra với bất cứ ai và là bệnh mãn tính không thể điều trị dứt điểm mà chỉ điều trị duy trì để tránh các biến chứng do bệnh mỡ máu gây ra như nguy cơ chính dẫn đến cao huyết áp, nhồi máu cơ tim. Vì vậy, những người có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu nên làm xét nghiệm tầm soát bệnh 6 tháng một lần và người bình thường định kỳ một lần mỗi năm.
PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, rất khó để nhận biết những dấu hiệu đầu tiên khi rối loạn mỡ máu hay dư thừa cholesterol, nhiều người dù thể trạng rất gầy nhưng vẫn bị rối loạn mỡ máu.
Theo PGS Mai, nguyên nhân gây ra các bệnh mỡ máu, tích mỡ máu chủ yếu là do lối sống, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, người dân coi thường bệnh rối loạn mỡ máu. Đây là bệnh âm thầm 'đánh lén' chúng ta từ từ nếu không thường xuyên kiểm tra cholesterol máu thì có thể bị cái chết đột ngột mà không biết.
Hầu hết các bệnh nhân đến viện khám khi có triệu chứng mệt, đau ngực thì ta mới biết đã bị nhồi máu cơ tim. Có những người bệnh khoẻ mạnh bình thường chỉ cơn đau ngực đã ra đi mãi mãi mà họ không biết rằng căn nguyên sâu xa đó là rối loạn mỡ máu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỡ máu cao có liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não, 56% ca thiếu máu cơ tim trên toàn thế giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 28 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến rối loạn mỡ máu (chiếm hơn 50% ca tử vong).
Theo GS Khải để phòng bệnh mỡ máu cần phải có chế độ ăn hợp lý, có chế độ tập tành để giảm tích tụ mỡ, có lối sống tương đối lành mạnh cân bằng cơ thể với tâm trí, sự hài hoà của tâm trí với cơ thể và môi trường của chúng ta.