Cuộc sống hôn nhân của Hạnh được nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Bởi Tiệp là người chồng, người cha trách nhiệm và giỏi kiếm tiền. Thế nhưng, phải ở trong chăn mới biết chăn có rận. Hạnh đang rất bực vì Tiệp quá trách nhiệm với đại gia đình đôi khi chẳng hề nghĩ ngợi.
Khi bố mẹ quyết định sửa nhà, anh chẳng nghĩ ngợi gì mà gửi cho ngay 100 triệu. Tới khi Hạnh biết anh cả và chị hai chỉ cho bố mẹ 20 triệu thì cô tức lắm. Mắng Tiệp thì anh lại chỉ cười:
- Cho bố mẹ ai nghĩ làm gì hả em? Tùy điều kiện mỗi người mà cho thôi.
- Anh nghĩ đơn giản thế à? Bố mẹ sửa nhà nhưng có ở được bao nhiêu nữa đâu. Nhà đó sau này lại là anh cả hưởng, thế sao anh ấy không cho nhiều thêm chút? Anh chỉ là con út cớ gì phải ôm đồm hết thế?
- Anh cả hay anh được thừa kế thì anh cũng không quan tâm đâu. Anh chỉ biết là hiện giờ bố mẹ sửa nhà còn túng thiếu, anh cho thôi.
- Lần sau công to việc lớn gì anh phải bàn với em. Đừng có mà tự ý quyết định, em không hài lòng đâu.
(Ảnh minh họa)
Sau vụ đó, Hạnh cũng phải giận Tiệp mất hơn tuần. Mọi chuyện vừa nguôi ngoai chưa lâu thì cháu con chị gái của Tiệp lại bị tai nạn. Thằng bé phải nhập viện và cũng khá tốn kém. Tiệp lại chẳng bàn bạc gì, tuyên bố ngay với chị:
- Chị cứ đưa cháu nó ra Hà Nội đi, em sẽ cho 10 triệu đỡ chị phần nào viện phí.
Hạnh chỉ biết kêu trời. Tiệp lúc nào cũng thế, làm được tiền nhưng cũng tiêu tiền vì mọi người chẳng nghĩ ngợi. Hạnh dẫu chẳng ghét bỏ gì họ hàng bên chồng nhưng không dưng cứ tốn kém bao nhiêu như thế, đương nhiên là xót. Nhưng âu cũng là tính cách, Hạnh nói mãi, Tiệp cũng chẳng sửa được.
Thời gian này, Tiệp và Hạnh lại đang cãi nhau vì chuyện tiền bạc. Anh cho anh cả vay 200 triệu để trả nợ nặng lãi cho cháu trong khi hai vợ chồng vẫn nợ ngân hàng tiền mua nhà. Hạnh nói thì Tiệp cũng nhẹ nhàng phân tích rằng:
- Mình chỉ tạm thời kéo dài thời hạn ra 1 chút thì tiền lãi cũng chả đáng bao, chỉ vài triệu. Nhưng anh cả không đóng 1 ngày thì tiền lãi đó đã bằng mình cả tháng rồi. Mình không cưu mang thì anh chị biết phải làm sao.
- Tôi chán rồi, anh cứ mang tiền của cái nhà này đi mà lo cho anh chị, bố mẹ anh. Vợ, con cũng chẳng là cái gì cả.
- Em... Không phải thế. Anh chị em ruột khó lòng mà bỏ nhau lúc khốn khó được. Nếu anh không giúp, anh chị sẽ bị đe dọa khó mà tiếp tục làm ăn được. Nhưng trả hết số nợ này họ buôn bán thì mấy mà trả được mình đâu. Còn gia đình mình, anh vẫn có trách nhiệm lo cho mẹ con em được tươm tất.
- Anh thôi đi. Anh có biết cả năm tôi chẳng dám mua 1 cái váy dù thích điên đảo, con anh đòi đi du lịch, tôi cũng an ủi chúng năm sau... Thế mà anh lại đem vung tiền không tiếc tay.
Sau hôm đó, Hạnh bơ Tiệp hoàn toàn, cô coi như anh vô hình trong nhà. Dù Tiệp có chủ động cơm nước, săn đón và ngọt ngào thì Hạnh vẫn mặc kệ. Được hơn 1 tuần, Tiệp chán nản, đi uống rượu cùng hội bạn. Tối đó, anh về muộn trong tình trạng say xỉn.
Đỡ được anh vào nhà, Hạnh bực mình. Nhưng cô vẫn kéo lại chăn cho anh, lấy cho chút nước chanh giải rượu. Bỗng, Tiệp kéo Hạnh lại, bật khóc rồi nói rất nhiều:
- Sao em lại bảo anh bỏ mặc gia đình chỉ lo cho bố mẹ và anh chị anh? Em có biết mẹ em vừa nằm viện cũng tiêu tốn hết vài trăm, anh phải cho mẹ 50 triệu không? Anh bí mật vì sợ em sẽ lo lắng, mẹ cũng bắt anh giấu. Anh biết em tiếc tiền, thế nên anh giúp đỡ chị gái em đều đều mà không dám nói. Anh đương nhiên phải vun vén cho gia đình mình, nhưng anh chị em mình, bố mẹ mình khó khăn, sao mình giương mắt đứng nhìn được? Là thằng đàn ông, anh càng không cho phép mình làm điều đó.
Nghe tới đây, Hạnh bật khóc. Cô không ngờ rằng Tiệp lại lo nghĩ cho cô nhiều như thế.