Theo PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện Trưởng viện Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện TƯQĐ 108, trước đây kéo dài chi thường tập trung ở những người bệnh viêm xương tủy xương và bệnh bại liệt. Tuy nhiên, ngày nay kéo dài chân được thực hiện nhiều bởi xu hướng thích tính thẩm mỹ, đặc biệt là những nam thanh, nữ tú.

Chị H sinh năm 1960, tại Hà Nội, bị di chứng của bệnh viêm xương tủy xương đường máu từ nhỏ, khiến chân trái ngắn hơn chân phải gần 20 cm.

Khi chị đến bệnh viện TƯQĐ 108 đã 30 tuổi, nhưng khuôn mặt xinh xắn của chị ai cũng phải trầm trồ. Song, tạo hóa đã không để chị được hoàn thiện. Chân thấp, chân cao, chị đi những bước chân nặng nhọc, chứng bệnh đã khiến chị trở thành một người trầm tính, tự ti và không lập gia đình, chỉ ở nhà nội trợ. Sau khi thăm khám, chị H đã được các bác sĩ kéo dài tới 15 cm, đôi chân gần bằng nhau khiến chị vỡ òa như hạnh phúc. Nhưng tuổi cũng đã xế chiều, chị không lập gia đình mà sống vui vẻ cùng những người thân.

Chị H cho biết, những năm kinh tế khó khăn đói nghèo, bệnh tật đã khiến chị mắc bệnh viêm xương tủy xương. Đây là bệnh viêm mủ ở tổ chức xương tủy. Đã có lúc chị H bị chảy mủ, hình thành lỗ rò từ xương ra ngoài da, có khi có cả mảnh xương chết. Chị H được cố định bằng nẹp bột để bất động chi, truyền dịch đạm, dùng các thuốc như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh và tăng cường nuôi dưỡng ăn uống đủ chất, mổ nhiều lần lấy xương chết. Và rồi căn bệnh viêm xương tủy xương của chị cũng dần khỏi, thế nhưng nó để lại một di chứng khiến chị tự ti hơn bao giờ hết, đó là chân ngắn, chân dài cách nhau gần 20cm.

Nói về những trường hợp kéo dài chi như thế này, PGS.TS Lê Văn Đoàn chia sẻ, ngày trước hậu quả sau chiến tranh, bộ đội thương binh nhiều, viêm xương dẫn đến chân ngắn, chân dài hay những trường hợp đói nghèo, suy dinh dưỡng, sức đề kháng giảm, cơ thể dễ nhiễm khuẩn nên dẫn đến viêm xương tủy xương đường máu… Sau thời gian điều trị bệnh khỏi, nhưng di chứng chân thấp, chân cao vẫn còn… Chính vì vậy, trong giai đoạn này chủ yếu người bệnh tìm đến kéo dài chân là những lý do bệnh tật, nhưng ngày nay yếu tố thẩm mỹ là chính.

Kéo dài chân không chỉ dành cho xu hướng thích thẩm mỹ - Ảnh 1.

Phẫu thuật kéo chân chịu rất nhiều đau đớn.

Theo BS Đoàn, độ tuổi thích hợp để kéo dài chân từ 20-30 tuổi, vì lúc đó phẫu thuật viên có thể xác định được chiều cao hoàn thiện. Đa số bệnh nhân kéo chân thường kể với bạn bè là lý do bị tai nạn nên phải phẫu thuật để tránh người khác tò mò, dị nghị.

BS Đoàn cho biết để thực hiện một ca phẫu thuật chi rất khó khăn và đòi hỏi bác sĩ đầy đủ kinh nghiệm, chuyên môn. Khi bệnh nhân được chiếu chụp, nếu chân ngắn do phần đùi nhiều thì phải kéo phần đùi. Tuy nhiên, khi kéo phần đùi rất phức tạp, nhiều biến chứng hơn. Do phần đùi cấu tạo cơ dày, bác sĩ sẽ phải xuyên đinh qua phần cơ, sẽ khó và dễ viêm nhiễm chân đinh, co ngắn cơ. Bệnh nhân sẽ khó vận động hơn, có thể biến chứng viêm chân đinh và để lại hạn chế vận động khớp gối. Do vậy, các bác sĩ thường kéo phần cẳng chân để bệnh nhân đỡ vướng, đinh chỉ cần xuyên qua da vào xương nên ít nhiễm trùng, dễ cố định hơn.

Nói về đối tượng nào có thể kéo dài chân, PGS Đoàn cho rằng bất cứ ai có nguyện vọng thì đều có thể thực hiện kéo dài chân được, tuy nhiên phần lớn thực tế hiện nay kéo dài chân chủ yếu là với những người có tầm vóc thấp hoặc người mắc các dị tật, thương tật chênh lệch 2 chân trên 3 cm.

Theo PGS.TS. Lê Văn Đoàn, với việc nắn chỉnh chân cho thẳng được chỉ định vào từng tuổi. Tốt nhất nên phẫu thuật khi đủ 18 tuổi; còn với trẻ nhỏ có thể điều trị bằng nắn chỉnh, bó bột, nẹp chỉnh hình, sẽ cải thiện. Để chỉ định một ca phẫu thuật nắn chỉnh chân, bác sĩ phải chỉ định hết sức chặt chẽ, cân nhắc lợi ích của phẫu thuật. Ví như bệnh nhân phải hiểu mình sẽ phải trải qua cuộc mổ, cắt xương, nắn chỉnh, bắt vít, nẹp để giữ xương thẳng... rất đau đớn. “Vì ca phẫu thuật mang tính thẩm mỹ nên mỗi lần mổ, các bác sĩ lại phải chịu những áp lực rất lớn. Bình thường, để thực hiện phẫu thuật này, bệnh nhân phải nghỉ 3 - 6 tháng, có người chăm sóc, phục vụ... chưa kể những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật”, Pgs Đoàn cho biết.

Với trường hợp kéo dài chân, BS. Đoàn cho hay: Về nguyên lý muốn kéo dài thì phải cắt xương, rồi dùng dụng cụ để kéo xương ra. Khi đã kéo dài, 2 phần xương dần xa nhau, lúc đầu tạo thành khoảng trống, màng xương là nơi sinh xương sẽ tái sinh dần thành xương mới. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa và lứa tuổi của từng người mà tốc độ tái sinh nhanh hay chậm. Tuổi càng trẻ khả năng tái sinh càng nhanh. Để xương phục hồi trở lại đủ cứng và to như xương lành thì 1 cm thường mất 35 - 40 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu kéo

Tai biến trong quá trình mổ cũng có thể xảy ra như cắt xương không khéo thì xương vỡ, hoặc gây tổn thương máu, thần kinh. Đặc biệt là biến chứng nhiễm trùng, viêm xương hoặc biến chứng muộn như khi đang kéo, chậm liền xương, xương không liền, khối can xương không đủ khỏe.

“Các trường hợp tìm đến phẫu thuật đều được tư vấn kỹ càng để bệnh nhân cân nhắc được và mất sau thực hiện nắn, chỉnh, kéo dài chân. Và không phải ai cũng đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật này”, PGS Đoàn lưu ý.