Ngày 2/10, tại xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn đã xảy ra vụ ngộ độc quả rừng làm 17 em học sinh phải nhập viện, trong đó có 1 em tử vong.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, mẫu quả hồng châu do Trung tâm Y tế huyện Văn Bàn gửi phát hiện dương tính với các Alkaloid (Stachydrine, Capparispine, Capparisine). Trong mẫu máu và nước tiểu của các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cơ quan kiểm nghiệm cũng phát hiện dương tính với Stachydrine.
Alkaloid thuộc các cây họ Bạch hoa (Capparaceae sp). Ở Việt Nam, họ này có đại diện điển hình là cây hồng châu, khua mật. Các Alkaloid khi hấp thu một lượng đủ lớn gây chậm nhịp tim, yếu cơ, buồn nôn, rối loạn chuyển hóa, diễn ra 1 - 3 giờ sau ăn. Nếu ăn phải loại quả này và không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân dễ bị hoại tử tế bào gan dẫn đến suy đa phủ tạng, suy thận rồi tử vong.
Lào Cai là một tỉnh miền núi, người dân có thói quen lên rừng hái rau, quả về ăn. Do đó, nguy cơ ngộ độc do độc tố tự nhiên là rất cao, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Để phòng tránh các vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên tương tự, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai khuyến cáo người dân tuyệt đối không được ăn các loại động, thực vật khi không hiểu rõ. Trường hợp sau khi ăn mà có biểu hiện khác thường cần sơ cứu gây nôn cho bệnh nhân và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.