Việc học Tiếng Việt với người nước ngoài luôn là một thử thách không hề nhỏ vì ngôn ngữ này vô cùng đa dạng, có những từ "nhìn vậy mà không phải vậy". Đến cả những người Việt Nam cũng khó mà có thể nắm bắt được hết nếu không hiểu rõ. Vì thế nên "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" cũng phải thôi.
Việc học Tiếng Việt bắt đầu từ việc nhận biết mặt chữ, thanh dấu, sau đó là ghép vần, ghép từ và câu. Tưởng chừng chỉ cần học hết những thứ này là đã có thể chiến với đủ mọi tình huống, nhưng sự thật thì không đơn giản.
Trong một lần chia sẻ về những tình huống nhầm lẫn khi học Tiếng Việt, một du học sinh người nước ngoài đã kể về lần nhầm lẫn nhớ đời của mình. Ở lần đó, du học sinh này nhầm lẫn giữa từ ĐỒNG TÌNH và ĐỒNG TÍNH.
Nguồn: Hàng Xóm Tây
Chia sẻ về tình huống này, du học sinh người nước ngoài cho biết lần đó cô dùng 1 từ Tiếng Việt với bạn nam học cùng lớp. Trong một hôm cả 2 nói chuyện thì cô bạn đồng quan điểm với ý kiến của bạn nam kia, sau đó cô bạn này mới nói: "Chúng ta ĐỒNG TÍNH với nhau". Quá bất ngờ trước câu nói này, bạn nam kia đáp: "Thôi đừng nói vậy, mình có phải vậy đâu".
Thực chất, ý của nữ sinh muốn nói là "đồng TÌNH" với ý kiến của bạn nam. Nhưng lại đọc sai thành chúng ta "đồng TÍNH" với nhau.
Chỉ khác 1 dấu thôi nhưng 2 từ Tiếng Việt này cũng mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Trong đó:
Đồng tình: Cùng một ý, một lòng như nhau.
Đồng tính: Chỉ mối quan hệ tình cảm cùng giới.
Thế mới thấy là Tiếng Việt không chỉ áp dụng những gì được học, được thấy mà phải có thêm nhiều vốn hiểu biết nữa đấy!