Cây bút Matthew Pike người Canada mới đây đã có bài viết về cẩm nang du lịch tại Việt Nam treeng trang Culture Trip, trong đó liệt kê những điều du khách cần lưu ý khi tới nơi đây.
Dưới đây là bản dịch bài viết.
"Việt Nam là đất nước có truyền thống và lịch sử lâu đời. Người Việt Nam thấm nhuần tư tưởng tôn trọng môi trường sống, đất đai, biển cả và tôn trọng những người xung quanh. Nếu bạn muốn tìm hiểu nền văn hóa xinh đẹp này, đây là những điều bạn cần biết".
Tin tưởng là cả một quá trình
Điều này có thể khiến một số nhà kinh doanh cảm thấy bất ngờ khi họ tới Việt Nam nếu họ tới đây và mang nguyên cách vận hành họ đã quen thuộc rồi cứ thế áp dụng. Văn hóa kinh doanh ở đây không đơn giản như vậy. Muốn kinh doanh được, cần phải xây dựng được niềm tin. Và điều này cần nhiều thời gian.
Không ai muốn bị mất mặt
Con người ở đây quan tâm sâu sắc tới việc họ được gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đánh giá như thế nào. Vì vậy, họ tránh làm những điều gì xấu hổ hoặc để mất uy tín ở nơi công cộng, ví dụ như tranh cãi, chế giễu nhau hoặc thậm chí là xô xát. Mọi người không thích đối đầu bởi như vậy sẽ làm cả 2 bên mất mặt. Nhiều trường hợp, chỉ cần một cái liếc mắt là đôi bên cũng hiểu ý nhau.
Ảnh: Alamy Stock Photo
Việc học được đề cao
Do thị trường việc làm ở đây có tính cạnh tranh, những người trẻ tuổi đều muốn học hành thật tốt để tìm được công việc tốt. Ở nền kinh tế đang bùng nổ này, có những cơ hội rất tuyệt vời, và những người thực sự nỗ lực sẽ có lợi thế hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là từ khi còn nhỏ, nhiều học sinh đã cần chăm chỉ đi học ở trường và các lớp học thêm.
Ảnh: Alamy Stock Photo
Người lớn tuổi được tôn trọng
Sau tên và quốc tịch, một trong những câu hỏi đầu tiên bạn nhận được khi ở Việt Nam sẽ là về tuổi. Xã hội Việt Nam được xây dựng trên niềm tin Nho giáo, nơi mà kinh nghiệm và trí tuệ rất được coi trọng. Điều này có nghĩa là bạn càng lớn tuổi, bạn lại càng được tôn trọng.
Bạn không nên nói tục hoặc bàn luận về những chủ đề nhạy cảm khi nói chuyện với người lớn tuổi. Trong bữa tối, những người lớn tuổi được phục vụ trước và ở nhà hay ở nơi làm việc, ý kiến của họ có "trọng lượng" hơn.
Mặc cả
Mua sắm ở một số chợ truyền thông ở Việt Nam là cả một nghệ thuật bởi đôi khi bạn sẽ cần phải thương lượng, mặc cả với người bán để mua được món đồ với giá cả hợp lý.
Tin vào năng lượng siêu nhiên
Nhiều câu truyện truyền thống cũng như nhiều phong tục Việt Nam dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người Việt tin rằng kể cả khi những người thân trong gia đình đã mất, họ vẫn sẽ có những kết nối vô hình với những người còn sống.
Người Việt Nam vô cùng lạc quan
Có rất nhiều cơ hội việc làm ở Việt Nam những ngày nay. Để tận dụng điều này, mọi người đang làm việc chăm chỉ để cải thiện bản thân và cuộc sống của gia đình. Nhưng bạn sẽ không nghe thấy nhiều người phàn nàn về những khó khăn của họ, họ rất lạc quan. Vì vậy, hãy cố gắng đừng phàn nàn quá nhiều về những vấn đề riêng tư.
Không có văn hóa tip
Tiền tip (tiền boa) không phổ biến ở Việt Nam. Nếu bạn cảm thấy dịch vụ tốt, bạn vẫn có thể đưa thêm tiền tip cho nhân viên, nhưng sẽ tinh tế hơn nếu như bạn làm việc này một cách riêng tư. Bởi nếu bạn công khai gửi tiền tip cho nhân viên, có thể một số người đi cùng sẽ cảm thấy ngại. Hoặc một số nhân viên sẽ từ chối và trả lại tiền thừa vì nghĩ rằng bạn tính nhầm tổng hóa đơn.
Ẩm thực là một phần quan trọng trong văn hóa Việt Nam
Sông, ruộng, núi, biển,.. những cảnh quan đó đã ăn sâu vào văn hóa người dân nơi đây. Vì vậy, hành động ăn thừa sẽ không được khuyến khích. Cố gắng lấy vừa đủ số thức ăn mình sẽ ăn và ăn hết nó. Và người nấu sẽ thực sự rất vui nếu sau khi dùng bữa, bạn để lại vài lời khen ngợi.
Người Việt vô cùng yêu nước
Có thể, khi ngồi cùng nhau, người Việt sẽ nói chuyện về một số điều chưa hài lòng khi sống ở đây. Nhưng họ thường sẽ không vui khi người nước ngoài nói những điều chưa hay về đất nước của họ. Người Việt thực sự rất yêu đất nước của mình."