Đó là thông tin Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cung cấp cho báo chí khi nói về thị trường tín dụng hiện nay.

"Có nhân viên tín dụng nói với tôi: Những doanh nghiệp được giao quản lý thì cháu cũng đã đến từng nơi, có nhiều doanh nghiệp nói với cháu họ không những không vay mà còn đòi trả lại tiền, vì người ta chưa có phương án kinh doanh", Phó Thống đốc nói.

Khách thờ ơ không muốn vay, ngân hàng "đau đầu" vì thừa tiền - Ảnh 1.

Ngân hàng thừa tiền, muốn cho vay nhưng khách vẫn thờ ơ. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Ngân hàng ồ ạt kích cầu, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp

Nghịch lý ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất để kích cầu nhưng tăng trưởng tín dụng lại thấp nhất trong vòng hơn chục năm khiến không ít người bất ngờ.

Theo số liệu của NHNN, năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt 14,16%. Đây là tốc độ tăng trưởng khá so với những năm gần đây, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 chỉ là 12%, năm 2020 là 12,13%...Với bối cảnh này, NHNN đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14 - 15%.

Nhưng “gió đổi chiều” khi tăng trưởng tín dụng bất ngờ ì ạch. Tuy ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% nhưng khoảng cách về đích vẫn còn rất xa. Đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Trong bối cảnh dư địa thoải mái như vậy, các ngân hàng đua nhau kích cầu bằng cách hạ lãi suất, nhằm tăng cung ứng vốn cho nền doanh nghiệp, người dân.

Có thể kể đến BIDV công bố gói 300.000 tỉ đồng để cho vay với mức lãi thấp hơn từ 0,5 - 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Agribank triển khai gói tín dụng 100.000 tỉ đồng và 500 triệu USD cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm, riêng lãi suất vay USD từ 3%/năm.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng dành các gói ưu đãi hàng chục ngàn tỉ đồng, với lãi suất cho vay từ 7,5%/năm với doanh nghiệp và 8,5%/năm với khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng không đạt như kỳ vọng.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn tại Hà Nội thừa nhận các ngân hàng thương mại đang thừa vốn, buộc phải giảm lãi suất huy động để giảm áp lực "tồn kho". Theo vị này, ngân hàng cũng mong tình hình kinh tế tốt lên để người dân và doanh nghiệp bớt gửi tiền tiết kiệm mà rút vốn ra làm ăn.

"Chỉ khi sức mua tăng, hàng tồn kho giảm được, doanh nghiệp mới cần vốn để sản xuất. Chứ như hiện nay ngân hàng muốn cho vay nhưng doanh nghiệp, người dân không làm ăn được nên không vay", vị này nói.

Anh N.M.H - Trưởng phòng kinh doanh khối doanh nghiệp của một ngân hàng thương mại - cho biết, hiện nay mặt bằng lãi suất vay đối với doanh nghiệp đã khá thông thoáng nhưng "khẩu vị" của khách dường như đã thay đổi, ít "mặn mà" hơn với vốn tín dụng. Vì thế, nhiều thời điểm, ngân hàng phải trong tình trạng chờ khách.

Tại Hội nghị về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhận định, chưa bao giờ điều hành tín dụng khó như bây giờ, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang "tồn kho tiền". Dù NHNN cùng toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, để lắng nghe ý kiến, rà soát, điều chỉnh quy định pháp lý, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm lãi suất cho vay… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay. "Chữa căn bệnh thiếu tiền dễ hơn thừa tiền. Đây là vấn đề rất khó", ông Tú nói.

Khách thờ ơ không muốn vay, ngân hàng "đau đầu" vì thừa tiền - Ảnh 2.

Đầu ra khó khăn khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn ngân hàng. (Ảnh minh họa: Doanh nghiệp công luận)

Chưa bao giờ điều hành tín dụng khó như bây giờ, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền.

- Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú-

Vì sao ít khách vay ngân hàng?

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony (TP.HCM), cho hay, đơn hàng của doanh nghiệp hiện trong tình trạng… ít đều và doanh nghiệp đang dần thích ứng với tình trạng này.

"Giai đoạn quý IV/2022, tình trạng sụt giảm đơn hàng may mặc xảy ra khá bất ngờ nên doanh nghiệp bị sốc. Tuy nhiên, từ đó đến nay thì đơn hàng vẫn ít như vậy nên doanh nghiệp buộc phải thích nghi với khó khăn này. Hiện, nếu tính về đơn hàng xuất khẩu thì thời điểm này đang sụt giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước”, CEO Dony lý giải.

Về tình hình vay vốn, theo chia sẻ của ông Phạm Quang Anh, nếu thời gian trước dù Dony có muốn vay với lãi suất cao thì các ngân hàng cũng không thể cho vay vì cạn room. Hiện nay tình hình khác hẳn, thủ tục vay và việc giải ngân rất nhanh, dễ dàng. Lãi suất cũng giảm hơn so với thời gian trước, chỉ còn khoảng 10,5%. Tuy nhiên, hiện công ty không dám vay.

Chúng tôi không dám vay, thậm chí còn đang tìm cách bán bớt tài sản để trả bớt nợ cho ngân hàng. Bởi, trong tình trạng khó khăn như hiện nay, DN phải tìm cách tiết giảm nhiều chi phí, trong đó chi phí lãi vay ngân hàng là gánh nặng rất lớn”, ông Quang Anh nói thêm.

Tương tự, bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại MEBIPHA (TP.HCM), cho hay, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, do sức mua trên thị trường yếu nên các doanh nghiệp phải tính toán có nên vay ngân hàng hay không bởi áp lực trả nợ rất lớn.

Cũng giống doanh nghiệp, nhiều người dân hiện không mặn mà vay vốn ngân hàng.

Chị Mai Lan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), kinh doanh một cửa hàng thực phẩm trên phố Minh Khai cho biết dù là mặt hàng thiết yếu nhưng doanh thu cũng sụt giảm đến 35 - 50% do khách hàng thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu. Vì kinh doanh bết bát nên chị buộc phải chuyển hướng, từ chỗ thuê mặt bằng lớn để bán phải chuyển vào mặt bằng nhỏ hơn, đẩy mạnh bán online để cố cầm cự. "Tình hình này thì làm gì có nhu cầu vay vốn để phát triển, mở rộng cửa hàng. Trụ lại được đã là tốt lắm rồi", chị Lan nói.

Còn theo anh Minh Đức, chủ một hộ gia đình chuyên kinh doanh gỗ tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, chưa bao giờ thiếu đơn hàng như bây giờ. Chưa hết lao đao vì đại dịch, đến giờ lại phải đối diện cảnh sức mua sụt giảm trầm trọng. "Tôi đã phải giải tán tạm thời công nhân, chỉ giữ lại một vài người để túc tắc làm những đơn nhỏ lẻ. Đúng là trước kia tôi thường vay ngân hàng để đảm bảo sản xuất kinh doanh. Nhưng nay, khi chưa trả được hết nợ, lại thêm không có khả năng mở rộng quy mô thì tôi không có nhu cầu vay nữa", anh Đức nói.

Ở góc độ khác, anh Phạm Sơn (Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh đang có nhu cầu vay ngân hàng để mua nhà. Tuy nhiên lãi suất vay mua nhà hiện vẫn rất cao, thậm chí có ngân hàng vẫn giữ mức gần 12%. Phần lớn các ngân hàng còn lại có mức lãi suất khoảng 10%. Nếu vay ngân hàng 1 tỷ đồng, số tiền lãi mà vợ chồng anh Sơn phải gánh mỗi tháng xấp xỉ 10 triệu đồng. “Cộng thêm số tiền gốc phải trả, mỗi tháng chúng tôi phải trích ra số tiền gần 20 triệu đồng để chi trả ngân hàng. Đây là con số quá lớn so với thu nhập bấp bênh hiện nay”, anh Sơn nói.

Theo phân tích của NHNN về tình hình tiếp cận vốn của doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp có thể phân loại ra thành các nhóm khác nhau. Trong đó, một số doanh nghiệp khó khăn, nhưng khó khăn nằm ở chỗ họ không có đầu ra, không có đơn hàng và giải pháp đối với nhóm doanh nghiệp này là phải tháo gỡ khó khăn đầu ra.

Còn lại với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là nhóm thực tế đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, không đủ điều kiện vay vốn, không tiếp cận được vốn ngân hàng. Do đó, giải pháp của NHNN với nhóm này có thể là cần hướng tới việc cải thiện điều kiện vay vốn, chẳng hạn thông qua các chính sách như bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Nhận định với VTC News, TS Nguyễn Minh Phong nêu 3 nguyên nhân chính khiến ngân hàng muốn cho vay nhưng vẫn ít khách.

Thứ nhất, thời gian gần đây ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng thực tế mới chỉ giảm hai lãi suất điều kiện, tức là lãi suất điều hành và lãi suất huy động, còn lãi suất cho vay giảm chưa đáng kể. Lãi suất cho vay thực tế vẫn còn cao cho nên động lực vay của các doanh nghiệp chưa có, nhu cầu vay rất hạn chế, trừ trường hợp đặc biệt.

Thứ hai, điều kiện vay cũng chưa điều chỉnh nhiều dù ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, bổ sung các khoản vay tín chấp, nhưng về cơ bản các điều kiện vay vẫn như thế vì bản thân các ngân hàng cũng phải lo xa khi dự báo nợ xấu đang có nguy cơ tăng lên, ngân hàng không muốn giải ngân ồ ạt.

Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp có nhu cầu vay cũng chưa thực sự cao và cần thiết vì các hợp đồng không có nhiều, nhất là các doanh nghiệp gia công, trong khi đó thị trường bất động sản, chứng khoán chưa nóng.

"NHNN nhận định rất đúng về khả năng hấp thụ vốn rất thấp, nhu cầu dùng vốn chưa lớn vì các doanh nghiệp xuất khẩu đơn hàng giảm rất mạnh, từ 50 - 70%, nhất là các ngành về gia dày, dệt may, đồ gỗ", TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

Đồng tình ý kiến trên, PGS.TS. Ngô Trí Long cho biết: "Cầu chung vẫn đang trong xu hướng giảm, mà cầu giảm thì doanh nghiệp không có khả năng mở rộng sản xuất. Thứ hai, khả năng hấp thụ vốn khó khăn. Thứ ba, các doanh nghiệp khó đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng đưa ra. Ngân hàng đang dư thừa vốn, “đầu vào” thì có nhưng “đầu ra” thì khó, chính vì vậy tăng trưởng tín dụng thấp".

Cuộc đua ưu đãi lãi suất để hút khách của nhau

Lãi suất thấp nhưng đầu ra “nhỏ giọt”, các ngân hàng bắt đầu áp dụng chính sách cho vay trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác để lôi kéo khách hàng, tăng dư nợ tín dụng, sau khi thông tư 06/NHNN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/9.

Cụ thể, Vietcombank thông báo triển khai chính sách cho vay để trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân. Để lôi kéo khách hàng, hiện ngân hàng này áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, 8,0%/năm trong 24 tháng đầu, sau đó sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.

Khách thờ ơ không muốn vay, ngân hàng "đau đầu" vì thừa tiền - Ảnh 4.

Các ngân hàng đua nhau ưu đãi lãi suất để hút khách. (Ảnh minh họa)

Không chịu thua kém, ngay sau đó, BIDV cũng triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất thậm chí còn ưu đãi hơn khi áp mức chỉ từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.

Đại diện BIDV cho biết, ngoài các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, BIDV cũng áp dụng cho khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh có nhu cầu trả nợ trước hạn tại các ngân hàng. Theo đó, khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến các chi nhánh BIDV trên toàn quốc để vay vốn.

Ngoài ra, cả Vietcombank và BIDV đều xác định mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng đang vay, thực hiện thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay. Thời hạn cho vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác. Khách hàng có thể dùng chính tài sản đảm bảo đang thế chấp tại ngân hàng khác hoặc tiền gửi, bất động sản của khách hàng hoặc người thân, đồng thời sử dụng nguồn trả nợ linh hoạt qua tài sản khách hàng sở hữu.

Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 9. Theo đó, NHNN đã bổ sung thêm quy định các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh.

Như vậy, các khách hàng cá nhân đã vay vốn trung và dài hạn để mua nhà, mua ô tô; doanh nghiệp vay vốn dài hạn để xây dựng dự án sẽ được vay tiền ngân hàng để trả nợ trước hạn cho ngân hàng khác.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, quy định mới này sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh gữa các ngân hàng với nhau, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. “Khi các ngân hàng cạnh tranh nhau để thu hút khách hàng thì lãi suất sẽ giảm, các thủ tục sẽ bớt phiền hà, điều này sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu vay vốn của nhiều khách hàng hơn và làm cho tăng trưởng tín dụng cũng tốt lên", ông Thịnh nói.