Sau 3 tháng nghỉ hè, năm học mới được trở lại với bao ánh mắt háo hức và tâm trạng hân hoan của hàng triệu học sinh trên cả nước. Các em được gặp lại trường lớp, thầy cô và bạn bè với bao nhiêu ước hẹn cho một năm học mới. Ngày 5/9 càng trở nên ý nghĩa hơn với những học sinh đầu cấp khi mọi thứ đều mới toanh.
Tuy nhiên, ngày 5/9 được gọi chính xác là ngày gì khi có tới 4 tên gọi khác nhau là khai trường, khai giảng, khai học, tựu trường? Nhân dịp năm học mới sắp bắt đầu, hãy cùng tìm hiểu về các từ này.
Theo từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, các từ khai trường, khai giảng, khai học, tựu trường được giải thích đơn giản như sau:
- Khai trường, khai học: Bắt đầu năm học ở nhà trường.
- Khai giảng: Bắt đầu năm học, khóa học.
- Tựu trường: Học sinh tập trung tại trường vào ngày khai giảng.
Hàng năm cứ đến ngày 5/9, học sinh cả nước hân hoan đón chờ ngày khai giảng.
Nhà ngôn ngữ học, PGS Phạm Văn Tình
Tất cả các từ khai trường, khai giảng, khai học, tựu trường đều là từ Hán - Việt, cùng nằm trong một trường nghĩa liên quan tới "nhà trường" nói chung. Mỗi một từ lại được hình thành từ các thành tố ghép lại và dĩ nhiên, ngữ nghĩa gốc của chúng là khác nhau.
Khai, có nghĩa là "mở, mở đầu". Nghĩa này ta thường gặp trong các từ, như: khai bút (viết hoặc vẽ lần đầu tiên vào dịp đầu năm - khai bút đầu xuân), khai hoả (hoả: lửa, khai hoả: bắt đầu nổ súng), khai mạc (mạc: màn, khai mạc: bắt đầu, mở đầu (hội nghị, cuộc thi, hội diễn…).
Khai trường (trường: nơi tụ họp) có 2 nghĩa:
1. Bắt đầu mở một công trường (nghĩa này quá cũ, ít dùng);
2. Bắt đầu năm học mới ở nhà trường (thường sau đợt nghỉ hè).
Mọi người chúng ta, nhất là các thế hệ học sinh, hẳn còn nhớ vào tháng 9/1945, Bác Hồ đã có bức thư gửi toàn thể các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Khai trường cũng gần nghĩa với tựu trường (tựu: tới, tựu trường: (học sinh) tập trung tại trường vào đầu năm học...).
Bình thường, ta hoàn toàn có thể nói: Chúng mình gặp nhau vào ngày khai trường; hay Đợi đến ngày tựu trường, chúng mình sẽ gặp nhau…
Tuy nhiên, hiện nay mọi người ít dùng các từ khai trường, tựu trường mà thay vào đó là từ khai giảng. Ví dụ: Lễ khai giảng năm học mới; Trường tổ chức khai giảng muộn hơn 1 tuần; Buổi khai giảng rất long trọng... Giảng, với nghĩa là "giảng dạy" và nghĩa gốc của khai giảng là "bắt đầu công việc giảng dạy".
Hiện nay từ khai giảng được dùng phổ biến, "gánh" luôn cả từ khai học.
Tất nhiên, tại các môi trường học đường, giảng dạy mới chỉ là một mặt, một phần việc (là dạy) do các giáo viên đảm nhiệm. Phần việc khác (học tập) là thuộc về phía học sinh, cũng rất quan trọng. Vậy có khai giảng, hiển nhiên phải có từ khai học (bắt đầu học tập). Hai cặp từ này có 1 thành tố chung (khai), 1 thành tố trái nghĩa (giảng/học) và nếu thế thì sẽ thành một "cặp đôi hoàn hảo".
Tuy nhiên, khai học là một từ cũ, ít dùng và gần như không còn được sử dụng trong giao tiếp hiện nay. Chính vì vậy mà khai giảng trở thành từ đại diện, "gánh" luôn nhiệm vụ thể hiện một nghĩa chung là "bắt đầu, mở đầu một năm học, một khoá học".
Nói đến khai giảng là mọi người, từ giáo viên, học sinh đến các bậc phụ huynh đều biết phải chuẩn bị những gì cho ngày mở đầu năm học. Cũng bởi, ngày xưa, tựu trường chỉ có nghĩa là "ngày học sinh đến trường (sau kì nghỉ - như nghỉ hè, nhưng có thể là nghỉ đông hay nghỉ Tết)", còn khai trường là "ngày bắt đầu mở cửa trường (sau đợt nghỉ hè, kết thúc năm học cũ)".
Học sinh tựu trường, dự khai trường sau đó giải tán, phải một vài ngày (hoặc một thời gian sau) mới tập trung trở lại và vào học chính khoá. Bây giờ, thường sau lễ khai giảng là hầu hết các trường tổ chức vào lớp luôn. Ngày khai giảng sẽ là ngày tập trung toàn thể, thực hiện một vài nghi lễ cần thiết, sau đó cả giáo viên và học sinh bắt tay ngay vào công việc giảng dạy và học tập.