Câu nói ấy khiến các y bác sĩ bệnh viện (BV) quận 2 (TP.HCM) phải bật cười xen chút xót xa cho Vũ Hữu Phương (22 tuổi). Phương là một trong rất nhiều trường hợp bị khiếm thị và đa tật, được nuôi dạy nhiều năm nay tại trường phổ thông chuyên biệt (PTCB) Nguyễn Đình Chiểu (quận 5, TP.HCM).
Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng trường chia sẻ, trước năm 2007, trường không nhận học sinh đa tật. Tuy nhiên sau đó, một trung tâm bảo trợ trẻ em ở quận Gò Vấp có nhiều trẻ khiếm thị không được đi học đến liên hệ để mong giúp đỡ.
"Em Phương lúc đó đã 12 tuổi, đang học ở một trường hòa nhập, mắt còn sáng một chút nên tôi quyết định nhận về trường nuôi dạy. Phương có tính cách rất mạnh, lại có sở thích kỳ lạ là… lấy đồ, nhất là chìa khóa. Em có khả năng lục lọi mở khóa các cửa và hay lấy đồ của bạn này tặng cho bạn khác mới quen" – cô Vân kể.
Gần 10 năm được nuôi dạy tại đây, cô Vân cho biết, đã có thời điểm cậu bé Phương vì quá mất kiểm soát nên trường buộc phải trả về gia đình. Ba năm trở lại đây, Phương được đưa trở lại để học nghề. Dù vậy, tương lai của Phương là thứ gì đó rất xa xôi, bởi rất ít nơi có thể nhận người lao động đa tật vào làm việc.
Theo cô Vân, trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu hiện có khoảng 300 học sinh và giáo viên. Các em theo học tại đây ngoài việc phụ tiền ăn sẽ được miễn hoàn toàn học phí, một số em ở nội trú cũng không phải trả tiền. Chính vì thế, cơ sở vật chất của nhà trường ít được đầu tư bảo dưỡng, nhiều hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có cả vấn đề y tế.
"Hoạt động y tế của trường còn nhiều khó khăn khiến cho việc chăm lo sức khoẻ cho các cháu học sinh chưa được sát sao. Biết được điều này, lãnh đạo BV quận 2 đã tìm hiểu và đặt vấn đề đến khám bệnh miễn phí cũng như trang bị cơ sở vật chất cho phòng y tế của trường" – Cô Vân chia sẻ.
Tại buổi khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho trường PTCB Nguyễn Đình Chiều, các y, BS của BV quận 2 đã tận tai nghe được hoàn cảnh của bệnh nhân. Các em đều có điểm chung là khiếm thị ngay từ khi còn rất nhỏ.
Ôm đứa cháu nhỏ trên tay, chị Nguyễn Thị Xuân Dung (quận 11) cố gắng giữ bình tĩnh cho đứa trẻ. Nghe tiếng ống nghe chạm vào mình, bé gái liên tục giãy giụa, la hét.
"Bé tên Tâm, 4 tuổi. Hồi mẹ nó sanh ra bị thiếu tháng, chỉ 26 tuần nên nặng có 9 lạng (900 gram). Nó bị suy hô hấp, rồi bong tróc võng mạc ít ngày sau đó. Ba nó bỏ nó rồi, giờ mẹ nó làm công nhân nuôi nó, gửi nó cho tui giữ giùm" – chị Dung nói.
Cùng cảnh ngộ trên, chị Phạm Thị Ngọc Sáng, mẹ bé Minh Long (5 tuổi, quận Gò Vấp) ngẹn ngào kể: "Sanh thiếu tháng xong, con tôi nằm lồng ấp ở bệnh viện 23 ngày. Tôi cứ nghĩ bé sẽ không có chuyện gì. Nhưng lúc tái khám, BS mới nói với tôi, mắt bé bị tróc võng mạc rồi, suốt đời sẽ không thấy gì nữa. Tôi quá sốc, không tin là sự thật".
Gõ cửa khắp nơi, thậm chí cho bé đi nước ngoài chữa trị nhưng lực bất tòng tăm, nỗi đau theo thời gian cũng biến chị Sáng thành một người phụ nữ kiên cuờng chấp nhận số phận. Ngần ấy thời gian đã qua, chị bỏ công việc bán quần áo để dành thời gian chăm sóc con.
Khi bé được 3 tuổi, chị Sáng hay tin trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu có nhận nuôi dạy trẻ khiếm thị liền đăng ký cho bé học ngay. "Ở đây toàn bạn bè đồng cảnh ngộ nên mình không lo bé bị kỳ thị. Tuy vậy, khi nhìn anh trai của Long lành lặn, đi học bình thường như người ta, tôi thấy xót cho con út lắm" – người mẹ trẻ bộc bạch.
Với những trẻ lớn, đã biết suy nghĩ, mọi thứ còn khó khăn hơn. Ngồi chờ đến lượt thăm khám, bé Nguyễn Thị Xuân Nhi (14 tuổi, quận Bình Tân) cho biết, nhà có 3 chị em gái nhưng chỉ mình em khiếm thị. Hồi mới biết điều này em tủi thân lắm, nhưng giờ thì đã chấp nhận. Cô bé còn vui khi nghĩ rằng, có khi mình được chọn để hi sinh cho các em mình thấy ánh sáng.
Anh Trần Quang Châu, Trưởng phòng CTXH, BV quận 2 trải lòng: "Tôi biết trường này đã lâu, các cháu ở đây rất tội nghiệp. Buổi khám bệnh hôm nay thực sự là tấm lòng của BV quận 2. Chúng tôi đã khám và cấp thuốc miễn phí cho 300 học sinh, giáo viên. Sắp tới đây, BV sẽ hỗ trợ đầy đủ dụng cụ cho phòng y tế của trường để chăm lo sức khỏe cho các em".