Khám nghiệm tử thi ông trùm bảo kê chợ Long Biên Hưng kính để xác định nguyên nhân chết - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Kim Hưng khi còn sống trong phiên tòa sơ thẩm.

Ông trùm bảo kê chợ Long Biên được chẩn đoán bị xơ gan mất bù giai đoạn cuối

Trưa 14/8, ông trùm bảo kê chợ Long Biên Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính") - người vừa bị tuyên án sơ thẩm 48 tháng tù trong vụ Cưỡng đoạt tài sản, đã tử vong tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) do bệnh xơ gan.

Thi thể ông Hưng sau đó đã được đưa xuống nhà tang lễ của Bệnh viện đa khoa Hà Đông để tiến hành khám nghiệm tử thi.

Theo ghi nhận của PV, đến hơn 16h ngày 14/8, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành khám nghiệm tử thi đối với ông Hưng "kính" trong khu vực nhà đại thể của Bệnh viện đa khoa Hà Đông.

Đại diện Viện kiểm sát, cơ quan công an, người nhà của bị cáo Hưng đều có mặt chứng kiến việc khám nghiệm.

Theo một người nhà của ông Hưng, sau khi cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm xong và bàn giao xác, thi thể ông sẽ được gia đình chuyển về nhà tang lễ Phùng Hưng để làm các thủ tục tang lễ. Gia đình sẽ bàn bạc, định ngày giờ tổ chức tang lễ cụ thể.

Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hà Đông cũng cho hay, bệnh nhân Nguyễn Kim Hưng cấp cứu tại khoa nội B vào lúc 0h10 phút ngày 14/8 trong tình trạng lơ mơ, mệt mỏi, khó thở, không tỉnh táo. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xơ gan mất bù giai đoạn cuối.

Sau khi về khoa nội B, bệnh nhân được điều trị tích cực nhưng đến 9h sáng nay, bệnh trở nặng. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực khoảng 2 tiếng đồng hồ nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Lãnh đạo Bệnh viện cho rằng, dù bệnh nhân Hưng có tiền sử bệnh gan nặng trước khi nhập viện nhưng nguyên nhân tử vong sẽ do cơ quan pháp y và Hội đồng chuyên môn kết luận chính thức.

Trùm bảo kê Hưng "kính" tử vong, việc thi hành án sẽ được xem xét thế nào?

Việc bị cáo Nguyễn Kim Hưng tử vong sau hơn nửa tháng bị tòa sơ thẩm tuyên án cũng đặt ra câu hỏi, vậy việc xem xét xử lý tiếp theo sẽ tiến hành như thế nào?

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, theo quy định của pháp luật, nếu trong một vụ án hình sự mà có một bị cáo duy nhất mà bị cáo đó đã chết, không có đồng phạm khác thì vụ án sẽ bị đình chỉ giải quyết.

Đối với vụ án liên quan đến bị cáo Hưng "kính" có nhiều bị cáo, đồng phạm cùng tham gia.

Trong trường hợp này, bị cáo Hưng "kính" chết sau khi bị tòa án sơ thẩm tuyên án và theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, nếu có người nào trong số các bị cáo liên quan kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị thì bản án sơ thẩm này chưa có hiệu lực.

Do đó, vụ án vẫn được tiếp tục giải quyết phúc thẩm để xử lý đối với các đồng phạm khác theo quy định pháp luật.

Đối với trách nhiệm hình sự, khi giải quyết vụ án này, trong trường hợp có kháng cáo đối với toàn bộ vụ án, tòa án sẽ xem xét trách nhiệm hình sự của các đồng phạm còn lại, loại trừ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo đã chết.

Trong trường hợp, bị cáo Hưng "kính" sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, trong thời hạn quy định, nếu bị cáo có kháng cáo đối với phần trách nhiệm của mình thì tòa án sẽ đình chỉ giải quyết toàn bộ phần trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, theo bản án sơ thẩm, bị cáo Hưng ngoài phần trách nhiệm hình sự còn bị tuyên phải bồi thương 30 triệu đồng nên ở vẫn xem xét trách nhiệm dân sự đối với bị cáo đã chết nếu người này có để lại tài sản và có trách nhiệm, nghĩa vụ do hành vi vi phạm pháp luật trước đó gây ra.

Bởi, luật sư Cường cho hay, theo nguyên tắc của Bộ luật Dân sự về chia thừa kế thì nếu người chết có để lại di sản thì sau khi thanh toán nghĩa vụ do người chết để lại mà tài sản vẫn còn thì mới chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Một cán bộ từng công tác trong ngành kiểm sát cũng cho hay, trong trường hợp này, như báo chí phản ánh, bị cáo Hưng chết trong bệnh viện do bị bệnh xơ gan nặng nhưng cơ quan chức năng vẫn sẽ phải mời cơ quan pháp y đến để tiến hành làm rõ nguyên nhân cái chết.

Đồng thời, sau đó, theo quy định, nếu một bản án tuyên đã có hiệu lực pháp luật mà người thi hành qua đời sẽ đình chỉ việc thi hành án đối với người đó. Nếu sau bản án sơ thẩm, người đó có kháng cáo về bản án cũng sẽ đình chỉ giải quyết về trách nhiệm hình sự.

Trước đó, ngày 26/7, TAND TP Hà Nội đã tuyên án vụ án cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Long Biên (Hà Nội).

Các bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng 'kính', tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên), Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến 'hói'), Lê Thanh Hải (tức Hải 'gió'), Nguyễn Mạnh Long (tức Long 'cao') và Dương Quốc Vương (tức Vương 'lợn') bị đưa ra xét xử về tội cưỡng đoạt tài sản.

Tòa án tuyên phạt bị cáo Hưng 4 năm tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng; bị cáo Tiến 36 tháng tù; các bị cáo Hải, Long và Vương cũng bị tuyên 42 tháng tù theo đúng tội danh bị truy tố.