Khác với suy nghĩ cổ hủ hay sự cách biệt thế hệ khiến những mối quan hệ trong gia đình trở nên rạn nứt, nhiều gia đình hiện đại đã có những cách dung hòa khéo léo sự khác biệt giữa các thành viên. Việc thoải mái tâm sự, cởi mở trong việc tăng cường chia sẻ và sự quan tâm đã khiến cha mẹ, con cái, anh chị em trong những gia đình sau trở nên gần gũi nhau hơn.
Cùng nghe những chia sẻ của người trong cuộc về bí quyết tạo nên một mái ấm hạnh phúc!
"Mẹ đẻ là tấm gương để mình soi vào khi đi làm dâu"
Cho đến nay, Nguyễn Thanh Huyền (29 tuổi) đã lập gia đình được hơn 3 năm. Hai vợ chồng cùng làm công việc liên quan đến truyền hình và truyền thông nên rất bận rộn. Nhưng bù lại, cả hai đều nhận được sự thông cảm của cả hai bên gia đình nên cuộc sống khá thoải mái và dễ chịu.
Theo Thanh Huyền chia sẻ, sự dạy dỗ nghiêm khắc từ phía gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến sự trưởng thành của con cái sau này. Đây chính là điều mà Huyền đã rút ra được từ gia đình hai bên.
Huyền kể: “Gia đình mình dạy dỗ con cái khá nghiêm khắc chứ không chiều chuộng. Nhớ khi mình còn nhỏ, khoảng 6 tuổi mình đã phụ giúp mẹ việc nhà, thậm chí hồi đấy vẫn thấp, nhưng đã bắc ghế lên đứng để tập nấu cơm, bố mẹ đi làm thì tự giác lau nhà và xếp hàng xách nước ở khu tập thể. Chính vì thế, mình đã được rèn luyện tính tự lập từ nhỏ.
Cuộc sống ngày đó khó khăn chứ không được như bây giờ. Mình cũng không được cho tiền ăn quà vặt như các bạn cùng lớp. Nhiều khi tan học, nhìn các bạn đứng ở cổng trường tụm năm tụm ba mua quà vặt mà thèm thuồng ấy. Sau này khi lấy chồng, chồng mình cũng là tự lập từ bé, hai vợ chồng còn cùng làm trong lĩnh vực truyền hình và truyền thông nên rất hiểu và thông cảm cho nhau”.
Gia đình nhỏ của Thanh Huyền.
Đối với Thanh Huyền, mẹ đẻ là tấm gương lớn để Huyền soi vào khi đi làm dâu: “Mẹ mình là mẫu người chu toàn với gia đình nhà chồng, một tay mẹ lo liệu cả, công to việc lớn và cả mối quan hệ với các anh chị em bên chồng khiến mình rất khâm phục. Nhìn thấy họ hàng bên nhà bố mình rất quý mẹ, dường như không có khái niệm chị dâu, nên mình càng thấy hâm mộ mẹ hơn và coi mẹ là tấm gương cho mình học tập khi về làm dâu nhà chồng”.
Huyền còn nói thêm: mẹ đẻ có khi còn là người phàn nàn về cô nhiều hơn cả mẹ chồng: “Mẹ mình lúc nào cũng nhắc nhở phải chịu khó chăm lo cho chồng hơn, rồi mắng con gái vì tội hay lười không vào bếp, nói chung khá là lo lắng về khoản nữ công gia chánh. Thực ra thì mình biết làm, chỉ có điều do đi làm bận quá, ít có thời gian vào bếp. Thỉnh thoảng lắm mẹ mới nhìn thấy con gái bếp núc nên lo lắng băn khoăn chút thôi”.
Thanh Huyền và chồng rất thông cảm cho công việc của nhau.
Riềng về nhà chồng, Huyền kể gia đình nhà chồng có 3 anh em, đều đã lập gia đình riênvà không sống cùng nhau. Thành ra, những anh em bên chồng chỉ có thể tụ họp đông đủ vào mỗi dịp cuối tuần. Tuy vậy, mọi người sống với nhau rất chan hòa, gần như chưa khi nào to tiếng với nhau. Để có được điều đó, chính là nhờ sự tôn trọng lẫn nhau của các thành viên trong gia đình.
“Bố mẹ chồng mình khá dễ tính, không khi nào cáu mắng hay phàn nàn con cái về vấn đề gì cả. Mẹ chồng mình lại là mẫu người đơn giản, biết con cái bận bịu nên rất thông cảm với quỹ thời gian eo hẹp của hai vợ chồng” - Thanh Huyền chia sẻ.
"Bố mẹ mình dạy con không bằng roi vọt hay quát mắng"
Với Nguyễn Phương Minh (26 tuổi) cũng vậy. Hiện Phương Minh đang có một gia đình hạnh phúc với 4 thành viên: bố mẹ, chị gái, Minh là con thứ hai cũng là út trong nhà.
“Bố mẹ mình luôn hướng cho các con suy nghĩ tự lập, tự làm tự lo từ những ngày mình còn bé xíu. Hồi nhỏ nhà mình ở khu tập thể gần ga Hà Nội. Còn nhớ hồi ấy mỗi khi được nghỉ hè thì toàn bị bố mẹ nhốt trong nhà, vì sợ hai chị em còn nhỏ quá chạy đi lung tung, đợi bố mẹ về mới được mở cửa.
Ngoài giờ hành chính đi làm, để thêm thu nhập cho gia đình mẹ mình mở thêm hàng bán chè ở sân rộng trước ngõ, lúc đó bọn mình còn tranh nhau mang chiếc phích đá Liên Xô hay nghe tiếng kẻng rác là tranh nhau đi đổ, lúc ấy trẻ con chỉ muốn 'giành công' với bố mẹ, nghĩ lại vẫn thấy vui vui. Chị em mình được rèn luyện ngay từ nhỏ bằng những việc cỏn con như vậy đấy” - Minh kể.
Gia đình Phương Minh.
Để trưởng thành như ngày hôm nay, theo Phương Minh đó chính là nhờ phương pháp giáo dục con cái thông qua đối thoại của bố mẹ:
“Bố mẹ mình dạy con không bằng roi vọt hay quát mắng, từ bé đến giờ mình chưa từng bị bố mẹ đánh mà chỉ nói chuyện thôi. Nhưng khi nói thì rất nghiêm túc để các con nhìn vào đó và tự kiểm điểm bản thân. Thú thực là bản thân mình cũng không ít lần khiến bố mẹ thất vọng, từ việc bỏ công việc làm giảng viên hay vài quyết định khác trong cuộc sống, nhưng kể cả những lúc đó, bố mẹ mình cũng chỉ khuyên răn chứ không khi nào to tiếng. Thành ra, mỗi khi thấy bố ngồi trầm ngâm một mình, mình lại tự nhận thấy lỗi lầm của mình và cố gắng hơn” - Minh chia sẻ.
Trong nhà, người có ảnh hưởng nhiều nhất đến Phương Minh là bố và mẹ, nhưng người cô yêu quý nhất lại là cháu trai. Bé Gấu năm nay học lớp 1, nhỏ người nhưng rất lanh lẹ và thông minh, đặc biệt rất tình cảm với dì. Ngoài giờ đi làm, Phương Minh luôn cố gắng về nhà chơi và chăm cháu, khiến bạn bè cô đùa rằng Minh như là mẹ của Gấu.
Còn về bố, cô luôn nói về bố với sự tôn trọng và kính yêu hết mực. "Bố là người rất nghị lực và không muốn vợ con mình phải khổ. Từ nhỏ đến giờ, trong mắt mình bố luôn là người có thể giải quyết được mọi việc, kể cả những việc khó khăn nhất nhưng rất ít khi chịu lộ diện. Đấy là lý do mình lưu tên bố trong danh bạ điện thoại là Papa Mafia, nghe rất xã hội đen đúng không? Còn mẹ, thì mãi là người hy sinh cho chồng con và gia đình. Mẹ đã vất vả nhiều, cho chị mình, cho mình và bây giờ cả cho cháu nữa. Mẹ là hậu phương vững chắc của cả gia đình” - Minh chia sẻ.
Phương Minh bên bố, chị gái và cháu trai.
Sắp kết hôn, hơn ai hết Phương Minh càng thấu hiểu nhiều hơn tấm lòng và sự lo lắng của cha mẹ. Ngay từ khi đưa người yêu về ra mắt, bố mẹ đã gặp và nói chuyện, đưa ra nhận xét đối với người mà con cái đã lựa chọn.
“Bố mẹ nào cũng thương con, mình nghĩ vậy nên bao giờ con cái đưa người yêu về bố mẹ cũng chưa đồng ý ngay mà phải quan sát tìm hiểu. Qua thời gian, bằng tình cảm chân thành và nỗ lực cố gắng mình và chồng sắp cưới đã chứng minh được rằng sẽ hạnh phúc nên bố mẹ cũng tôn trọng quyết định của con.
Đến giờ thì bố mình còn liên tục giục đi mua đồ chuẩn bị cưới, mẹ thì đưa mình đi, cũng như dặn dò con từng chút một trong cách ứng xử khi làm dâu. Không phải những lời nói sáo rỗng đâu, mà thường là những hành động cụ thể, ví dụ như vào bếp thì hướng dẫn nên làm cái này, dọn dẹp cái kia… Bố mẹ luôn lo cho con nên mình chỉ biết cố gắng sống thật tốt và hạnh phúc để bố mẹ thêm yên tâm. Thật sự, đi khắp thế gian, không ai tốt như bố mẹ mình” - Phương Minh hạnh phúc nói.