Mục tiêu của trường là giáo dục, đào tạo nên những học sinh minh triết, một thế hệ công dân toàn cầu, giàu lòng nhân ái, bao dung và có khả năng tự chủ, tự lập. Ở đây các em sẽ được học cách sống tự lập, khiêm nhường, biết yêu thương, chia sẻ.
Vệ sinh lớp trước giờ ăn
Hàng ngày cứ 11h30 các em sẽ kết thúc thời gian học buổi sáng để ăn trưa. Trước khi ăn trưa, tất cả học sinh trong trường từ tiểu học trở lên đều làm nhiệm vụ quen thuộc: vệ sinh lớp. Các em phải sắp xếp lại đồ dùng, sách vở ngăn nắp, đẩy ghế vào đúng nơi quy định, giặt khăn lau bàn, quét lớp… Các công việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ngôi trường nào cũng duy trì để tạo thành thói quen, nề nếp cho học sinh như tại JIS. Việc để cho học sinh tự dọn dẹp trường lớp được xem là một phương pháp giáo dục thực tiễn, để các em rèn luyện và tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội
Học sinh tự phục vụ trong bữa ăn
Sau khi làm nhiệm vụ vệ sinh lớp xong, học sinh các lớp sẽ xếp thành hàng dài và tới căng tin để ăn trưa. Xuất phát từ quan điểm “không có ai là khác biệt” và mục tiêu “Hướng tới sự minh triết”, tại JIS, nhà trường luôn để học trò nào cũng thấy được tình yêu thương, đồng thời không quên phát huy “cái tôi” sáng tạo của chính mình. Chính vì thế, sự công bằng, tôn trọng từng cá thể riêng biệt được nhà trường đặt lên hàng đầu. Lớp học ở JIS không có lớp trưởng, vì với người Nhật học sinh nào cũng như nhau. Các em lần lượt thay nhau làm các công việc điều hành lớp. Và tất nhiên, khi đi ăn cũng như vậy!
Một buổi ăn trưa của các bạn học sinh JIS sẽ diễn ra như thế nào?
Mỗi ngày các lớp sẽ có một nhóm học sinh được phân công làm nhiệm vụ phát đồ ăn. Những bạn này sẽ được đội 1 chiếc khăn vải xinh xắn và mặc tạp dề để chia cơm. Sau khi chia cơm cho các bạn khác xong, các em được phân nhiệm vụ sẽ tự lấy cơm cho mình. Các em thực hiện theo sự phân công và luôn có ý thức “làm việc vì mọi người”, tự chia đồ ăn, tự ý thức giữ gìn vệ sinh chung, tự xếp bát đĩa vào vị trí…
Nghi thức trước khi ăn và sau khi ăn theo phong tục người Nhật
Theo nghi thức của người Nhật, trước khi ăn các em sẽ nói câu: “itadakimasu”
Câu này có nghĩa là: “Tôi xin được nhận”. Xuất phát từ đạo lý nhà Phật, vì mỗi sự vật đều mang trong mình một sinh mạng và đều được coi trọng. Mỗi thứ chúng ta ăn, từ cơm, rau, thịt, cá.... đều nuôi dưỡng chúng ta. Vì chúng ta đều nhận được sự nuôi dưỡng từ vạn vật, nên chúng ta phải biết ơn những sinh mệnh đó.
Học sinh luôn được hướng dẫn ăn hết khẩu phần ăn của mình. Các em được dạy lấy đồ ăn vừa đủ, không lấy thừa, tránh lãng phí. Điều này giúp các em học được tính cách: “Như thế nào là đủ?”. Bạn nào ăn nhiều thì có thể quay lại lấy thêm đồ ăn. Trong lúc ăn, các cô giáo cũng ngồi ăn các em và dặn dò ăn thế nào cho đủ chất, nên ăn hết suất... Đây cũng là khoảng thời gian các thầy cô và học sinh gần gũi, thân thiết và gắn bó với nhau hơn.
Kết thúc bữa ăn, học sinh sẽ nói: “gochisousamadeshita”, nghĩa là “Xin cảm ơn về bữa ăn”.
Sau đó, không ai bảo ai, các em đều tự giác phân loại rác và bỏ đồ thừa vào nơi quy định, xếp gọn khay đĩa của mình. Và tất nhiên, không bạn nào quên đẩy ghế vào gầm bàn để bạn đi sau không bị vấp vào ghế của mình. Bạn nào bạn nấy vác cái bụng no căng trở về lớp của mình, nghỉ ngơi và lại chuẩn bị cho các tiết học buổi chiều.
Mục tiêu của trường là “Hướng tới sự minh triết”, đào tạo nên những học sinh minh triết – những người có nhân cách, trí tuệ sáng suốt, biết nhận thức đúng sai, kiểm soát được cảm xúc và hành vi, thái độ của mình. Khi có nhân cách tốt, sự hiểu biết sâu rộng, trái tim nhân hậu, trong mọi hoàn cảnh các em sẽ luôn biết cách hành động để đạt kết quả cao nhất vì dân tộc Việt Nam hùng cường và một thế giới tươi đẹp hơn.
Hướng tới sự minh triết, nhà trường luôn để các con lúc nào cũng thấy được tình yêu thương, đồng thời không quên phát huy sự tự chủ, tự lập của chính mình.
Một số hình ảnh của học sinh tại trường Quốc Tế Nhật Bản: