Nhiều năm nay, Hà Giang được biết đến như một trong những địa chỉ "hot" hàng đầu về du lịch vùng cao phía Bắc. Không chỉ là cực Bắc cuối cùng trên bản đồ hình chữ S với cột mốc biên giới Lũng Cú, nơi đây còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng bức tranh phong cảnh tứ bình tuyệt đẹp.
Cùng với nhịp xoay vần của vũ trụ, trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cảnh sắc núi non vùng biên cương này như cũng dần thay đổi những lớp áo tứ thân với đủ sắc màu, mềm mại và tinh tế. Song, dù có biến đổi ra sao thì suốt chiều dọc thời gian, cuộc sống và phong cảnh nơi đây vẫn khiến bao người phải say đắm, đã đến là không muốn rời đi.
Những cung đường đổ dốc vòng vèo như dải lụa lượn sóng mềm mại ở Hà Giang.
Những người từng đến Hà Giang chắc sẽ không quên được cảm giác khi tay lái của chính mình chinh phục được những con đường đổ dốc dựng đứng, những vách đá tai mèo lởm chởm. Nào là con đèo huyền thoại Mã Pì Lèng dài khoảng 20km, đường Hạnh Phúc được xây đắp bởi công sức của hàng vạn thanh niên, đường qua rừng thông Yên Minh... Và khi đã vượt qua những nơi ấy, một vùng cao nguyên đá cao chót vót bắt đầu hiện ra, mờ ảo trong mây mù với những căn nhà nhỏ lô xô.
Mùa nào Hà Giang cũng đẹp, quanh năm nổi bật với cảnh sắc đặc trưng "cỏ cây chen lá, đá chen hoa". Nhưng nhịp sống nơi đây thì bao giờ cũng bình lặng, thâm trầm như những nếp gấp xưa cũ của thời gian. Sau những ồn ào của phiên chợ, chút tấp nập ngày lễ hội, cuộc sống người dân nơi đây trở nên giản dị hơn bên những nếp nhà nhỏ, nép mình trên các hốc đá cao trên triền núi. Thế nhưng chính sự bình dị ấy lại trở thành điểm cuốn hút đặc biệt và với nhiều người, việc khám phá sự thay đổi trong nhịp sống bốn mùa ở vùng sơn cước này chính là niềm cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn.
Những ngày xuân yên bình
"Ngày xuân mơ nở trắng rừng", thêm chút gam màu bạc lấp lánh của hoa ban, hoa mận, chút ấm ấp của hoa đào, hoa hồng, những con suối trong xanh chảy róc rách và cuộc sống cuồn cuồn tuôn trào trong những mầm non xanh lơ mơn mởn. Bức tranh mùa xuân ở Hà Giang toát lên sự trong sáng, tràn đầy nhựa sống.
Vượt qua cám dỗ về phong cảnh, những người có "tửu lượng" kém hẳn sẽ khó lòng tìm được đường về nhà nếu vô tình lạc vào những ngày chợ phiên vui nhộn. Ở Hà Giang thường có những phiên chợ lùi được tổ chức chủ yếu ở các xã. Nếu tuần này chợ họp vào chủ nhật thì tuần sau sẽ họp vào thứ 7, tuần tiếp theo sẽ họp vào thứ 6, tuần sau nữa sẽ họp vào thứ 5... Còn các phiên chợ huyện thường họp vào chủ nhật hàng tuần.
Mùa xuân Hà Giang là dòng suối nước trong xanh...
... Với những cánh rừng tràn ngập sắc hoa đào.
Nơi đây luôn xứng đáng với câu nói: "Bốn mùa hoa mọc chen đá". Mùa nào núi non, cảnh sắc cũng hùng vĩ, nên thơ.
Nếu đã một lần ghé thăm chợ phiên ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần… chắc hẳn bạn sẽ chưa quên những nét đặc sắc của các phiên chợ nơi đây. Hình ảnh các cô gái dân tộc rực sáng trong những bộ váy xòe nhiều màu sắc, những bà nội trợ với búi tóc cao trên đầu và trai tráng ăn mặc mỏng manh, phô bày sức vóc lực điền đầy quyến rũ. Giữa không gian tấp nập tiếng người nói, cười là những điệu nhạc vui của khèn, sáo vang lên. Phiên chợ không chỉ là nơi để bà con trao đổi hàng hóa, mua sắm vật dụng thiết yếu mà còn là chỗ để họ giao lưu, tâm tình, là nơi bén duyên của các đôi trai gái đang độ thanh xuân. Họ ngồi bên nhau, quây quần bên những chảo thắng cố bốc khói nghi ngút, những vò rượu ngô tuy ngọt lịm nhưng nồng độ cực mạnh.
Khi mặt trời đứng bóng thì cũng là lúc phiên chợ đã tàn, người dân lại quay về nhà, tiếp tục một cuộc sống bình dị bên nương lúa, rẫy ngô. Mùa xuân cũng là lúc các gia đình bắt đầu xuống đồng, làm đất, chuẩn bị cho một vụ cấy gặt quan trọng.
Sau những phiên chợ vui nhộn...
... Cuộc sống của người dân trở lại bên nương lúa, đồi ngô. Xuân sang cũng là lúc các hộ gia đình hối hả vỡ nương, chuẩn bị cho một mùa cấy trồng lớn trong năm.
Những nếp nhà xưa cũ, phai màu thời gian của người dân tộc trên mảnh đất sơn cước Hà Giang.
Mùa hạ tươi xanh
Xuôi về cao nguyên đá Đồng Văn, nơi đây cảnh sắc bốn mùa đều đẹp nhưng vào mùa hạ, khách đến chơi khó lòng bỏ qua "thung lũng ngủ quên" Phó Bảng với những cánh đồng hoa hồng trải dài tưởng như bất tận. Hoa ở đây, dù là hồng phớt, hồng phai, hồng đỏ, hồng vàng hay hồng mận... thì tất cả đều đẹp. Không khí mát mẻ quanh năm là điều kiện thuận lợi khiến chúng luôn thắm sắc hơn so với các nơi khác.
Mùa hè ở Hà Giang đẹp bởi một màu xanh mượt đến ngỡ ngàng của những nương ngô, đồi thông – thứ mà người ta ít khi thấy chúng đẹp vào các mùa khác trong năm. Từ trên cao, khi trời ngả bóng, ánh nắng vàng dọi như đốt cháy những rặng cây xanh ngắt, làm toát lên thứ ánh sáng kỳ diệu..
Hoa hồng Phó Bảng đẹp mê hồn vào mùa hè.
Những nương ngô, đồi thông xanh mướt mắt.
Bóc tách những bức tranh tứ bình, cuộc sống của người dân nơi đây dần lộ ra trong những dáng người cong lưng, hối hả thu hoạch vụ hè thu hoặc chăm sóc tỉ mẩn cho từng cây ngô. Với địa hình bốn bề là núi, đá vôi thì những loại cây trồng như ngô, lúa mạch hay đậu tương...và việc chăn thả gia súc là nguồn sống quan trọng của người dân Hà Giang.
Những chiều hè nghi ngút khói vì người dân đốt bỏ rơm rạ, xác ngô sau vụ thu hoạch, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất để chuẩn bị gieo trồng vụ mới.
Những ánh mắt trong veo, ngây thơ của trẻ em vùng cao.
Một chiều hạ vàng úa, khi lá gió đã ngừng ru, ai đã thử đến thăm sông Nho Quế để tận hưởng cảm giác không gian, thời gian như đều trôi chậm lại? Và khi đã chán cái hương vị ấy, nếu cao hứng, người ta có thể "xách" xe lên đỉnh đèo rồi đổ dốc mà không cần nổ máy xe, để thấy rõ từng đợt gió thanh sạch, không lẫn một hạt bụi lùa bên tai và lắng nghe trọn vẹn những tĩch mịch, âm u từ cánh rừng nguyên sinh, để cho từng hơi thở của chính mình chộn rộn giữa núi đá chênh vênh và đọng lại trong cái cảm giác mơ hồ khi chuẩn bị khép đôi mi sau một ngày hè khám phá vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Mùa thu đến với thú vui săn chuột
Khi đến mùa lúa chín, chuột ăn thóc trên nương nên rất béo. Sau mùa gặt, đàn ông thường đặt bẫy, đào hang bắt chuột. Chuột đồng là một trong những đặc sản của Hà Giang. Từ nguyên liệu này, người dân có thể chế biến thành rất nhiều món nhưng ngon nhất vẫn là thịt chuột quay sau khi đã đem thui, làm sạch, thêm mắm muối, thảo quả cùng các gia vị của núi rừng.
Đến Hà Giang mùa thu, người ta còn có thể thưởng thức vô số món ngon khác như rêu nướng, cháo ấu tẩu, xôi ngũ sắc, cơm lam Bắc Mê, bánh cuốn phố cổ Đồng Văn... Mùa thu cũng là dịp có nhiều lễ hội, đặc sắc nhất là lễ hội cơm mới, được tổ chức vào lúc màu vàng óng của lúa đã ngập tràn lên những thửa ruộng bậc thang. Lúc này, người Tày, Mông, SiLa và nhiều đồng bào dân tộc ít người khác bắt đầu rộn rã, nhộn nhịp chuẩn bị giã gạo, làm bánh, chuẩn bị cho lễ ăn cơm mới. Mâm cúng lễ cơm mới do những phụ nữ dân tộc đảm đang làm ra thường có bát cơm mới, các món ăn quen thuộc, dân dã như: thịt gà, lợn luộc, cá suối, hoặc cá ruộng nướng, một bát nước canh, muối trắng và một vài gia vị khác.
Lá vàng rụng khắp lối về.
Xen lẫn màu vàng úa là chút tươi xanh của hoa trà.
Những buồi chiều bận rộn mua sắm. Trong hình là cảnh người bán mời khách đi chợ nếm thử rượu ngô đặc trưng ở đây.
Những đêm mùa thu yên bình, người dân tụ họp bên nhau trong tiếng khèn vui nhộn và đốt lửa sáng rực.
Lễ cúng cơm mới được tổ chức với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động để cúng trời, cảm ơn vì đã cho một mùa bội thu và cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cầu mong sức khỏe cho mọi người đồng thời thể hiện sự tôn kính với ông bà tổ tiên đã khuất. Sau những màn lễ hội, những đêm mùa thu trăng tròn, vui đùa bên bạn bè, người thân, người dân Hà Giang lại hối hả thu hoạch lúa hè thu và chuẩn bị nương rẫy để trồng ngô, đậu tương vào mùa đông.
Mùa đông bừng sáng với hoa tam giác mạch
Khi những cơn gió mùa chợt thổi mạnh hơn, nắng vàng mùa thu dần ngả sang màu héo úa, khô hanh thì cũng là lúc những cánh đồng hoa tam giác mạch ở vùng đất biên viễn Hà Giang bung nở tuyệt đẹp. Đây cũng là khoảng thời gian mà nhiều người, nhất là những tín đồ phượt thủ tranh thủ băng đèo, vượt suối tìm về với vùng đất sơn cước này.
Đến Hà Giang mùa hoa tam giác mạch không thể quên điểm dừng là thung lũng Lũng Cẩm tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Tam giác mạch ở đây được trồng khắp nơi. Loài hoa này có khẳ năng chịu rét và thiếu nước giỏi nên dễ dàng mọc ở cao nguyên đá Đồng Văn. Hoa đẹp nhất khi độ sắp tàn, chuyển màu từ trắng sang phớt hồng rồi đỏ thẫm. Hạt của loại cây này có hình tam giác, được dùng làm bánh và rượu.
Hoa tam giác mạch bừng sáng ở mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc.
Cùng với tam giác mạch tím biếc, những đồi đất cao ở Hà Giang còn được phủ kín bởi mùa vàng sáng rực của hoa cải và đậu tương. Đến Hà Giang vào mùa đông, người ta sẽ có cơ hội cảm nhận cái lạnh thấu tận xương tủy. Những cơn gió bấc hung dữ, trận sương muối tê tái nơi đây tưởng như có thể làm thắt chặt, đông cứng cả trí nhớ của con người. Nhịp sống ở Hà Giang vốn đã chậm thì khi đông về, nó còn chậm chạp hơn nhiều khi mà đến 10h sáng rồi mà đường sá vẫn thưa vắng bóng người qua lại.
Mùa thu hoạch đậu tương.
Những người đàn ông quây quần bên nhau với ly rượu nóng xua cái giá rét đang tràn ngập khắp cơ thể.
Không gian xanh nhạt, lạnh lẽo khi Hà Giang vào mùa đông.
Tuy nhiên, chính sự lạnh lẽo ấy cũng đem lại những thú vui riêng. Cảm giác giữa cơn lạnh co thắt mà được ngồi bên bếp lửa sưởi ấm, húp trọn một bát cháo ẩu tẩu hầm giò heo vừa đắng, vừa ngọt hay mân mê ít thịt lợn cắp nách nướng nóng hổi... có lẽ không gì tuyệt bằng!
Kết thúc mùa hoa tam giác mạch, khi những đồi đậu tương đã thu hoạch tinh tươm, nhịp sống ở Hà Giang cũng như trầm lắng hơn và chìm lấp vào bốn bề cao nguyên đá toát lạnh, người dân lại tất bật với những lo toan thường ngày, mong sao đàn gia súc không con nào bị chết vì lạnh, lo tích trữ lương thực và lao động hăng say, chuẩn bị cho cái Tết âm lịch được sung túc. Và tất cả guồng quay ấy cứ âm thầm diễn ra như thế, mãi cho đến khi mùa xuân tìm về, Hà Giang mới bắt đầu thức dậy giữa những vui nhộn, tươi trong.