Hồi bé, nếu từng ước mơ được bay lơ lửng trên bầu trời, từng ngưỡng mộ những anh chàng diễn viên đóng vai phi công tay xách va li ra phi trường trong các bộ phim truyền hình, thì xin chúc mừng bạn, đã có nơi giúp bạn thực hiện ước mơ này. Đó là trường Bay Việt, nơi được xem là địa chỉ đào tạo phi công dân dụng đầu tiên tại Việt Nam.

Nói thì đơn giản thế thôi, vì không phải như các ngành học bình thường khác thi đủ điểm, trúng tuyển và vào học, nếu muốn trở thành phi công thực sự đòi hỏi ở bạn nhiều hơn thế. Vậy ở ngôi trường đào tạo ngành nghề đặc biệt này thì có gì hay ho?

Một ngày trải nghiệm tại trường đào tạo phi công dân dụng đầu tiên tại Việt Nam

Muốn học phi công phải "trầy trật" mới bước chân vô trường được, mỗi năm chỉ tuyển 100 học viên

Trường Phi công Bay Việt hiện có trụ sở tọa lạc tại quận Tân Bình, TP.HCM, sát gần với sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Được thành lập từ năm 2008, đến nay trường là địa chỉ cung cấp nhân lực phi công cho ngành hàng không dân dụng nhiều nhất cả nước. Được biết, mỗi năm trường tổ chức 4 đợt tuyển sinh và tiếp nhận khoảng 100 học viên thông qua kỳ tuyển sinh riêng.

Điều kiện cần và đủ để học viên có thể đăng ký dự tuyển kỳ thi này bao gồm: đã tốt nghiệp THPT, tiếng Anh đạt điểm TOEIC từ 550 hoặc tương đương, độ tuổi tính theo năm sinh là từ 18 đến 32 tuổi. Ngoài ra, yêu cầu về ngoại hình đối với nam là phải cao từ 1m65, nặng từ 54kg, nữ cao từ 1m60, nặng từ 48kg, cân đối, không dị tật, ưa nhìn.

Điều đặc biệt, người dự tuyển phải có khả năng giao tiếp tốt, mạnh dạn, tự tin, nói và viết tiếng Việt lưu loát, không nói ngọng nói lắp. Quan trọng không kém là thể lực phải đảm bảo theo tiêu chuẩn phi công dân dụng của CAAV.

 - Ảnh 2.

Sau khi đủ điều kiện xét tuyển, mỗi thí sinh phải trải qua 3 vòng thi khắt khe trước khi chính thức trở thành học viên của Bay Việt. Các vòng thi bao gồm:

Vòng thi tiếng Anh (CBT): Thí sinh được kiểm tra kỹ năng nghe và đọc.

Vòng ADAPT: Thí sinh tham gia làm bài trắc nghiệm trên máy tính với mục đích đánh giá sự thích ứng, tố chất, năng khiếu bay và tiềm năng phát triển trong nghề phi công. Bài thi kéo dài 4 tiếng. Sau đó, bài thi sẽ được chuyển sang Anh để đánh giá. Có 5 loại đánh giá bao gồm xuất sắc, giỏi, khá, đạt yêu cầu, chưa đạt yêu cầu, không phù hợp với nghề.

Vòng phỏng vấn: Phỏng vấn trực tiếp với Hội đồng giám khảo bằng tiếng Anh để đánh giá một cách tổng quan nhất về thí sinh từ ngoại ngữ, tác phong, giao tiếp,...

Quá trình huấn luyện khắt khe, 6 tháng phải học tới 14 môn, không có chỗ cho người lười biếng

Sau khi chính thức trúng tuyển, các học viên phải trải qua quá trình học tập và huấn luyện kéo dài hơn 1,5 năm. Giai đoạn đầu, các phi công tương lai phải "ngốn" hết 14 môn học lý thuyết trong 6 tháng để nhận được các chứng chỉ liên quan trước khi chuyển sang giai đoạn huấn luyện bay với máy bay thực tế.

Chuyển sang giai đoạn huấn luyện bay, mỗi học viên trung bình sẽ có 20 giờ trong phòng bay mô phỏng và 200 giờ bay trên tàu bay. Giai đoạn này, các học viên sẽ được đưa sang nước ngoài để đào tạo trong khoảng 1 năm để lấy các bằng cấp như giấy phép lái tàu bay tư nhân, thương mại, chứng chỉ Anh văn Hàng không level 4,...

Sau khi trở về Việt Nam, các bạn sẽ hoàn thành việc huấn luyện cơ bản bằng các giờ phối hợp tổ lái nhiều thành viên và tham gia huấn luyện làm quen với dòng máy bay phản lực (JET FAM). Đối với các phi công có nguyện vọng làm việc cho hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, các bạn buộc phải trải qua quá trình huấn luyện quân sự trước khi bước vào giai đoạn huấn luyện nâng cao.

Sau khi chính thức trở thành phi công và đi làm, các bạn sẽ phải trở lại các cơ sở đào tạo để thực hiện các bài kiểm tra thông qua hệ thống bay mô phỏng và sẽ được gia hạn bằng lái. Nếu không vượt qua bài kiểm tra, những người này sẽ phải học lại. Trong khi đó, các bài kiểm tra thể lực được thực hiện tối thiểu 12 tháng một lần.

 - Ảnh 6.

 - Ảnh 7.

Không có sự ưu ái nào dành cho nữ, nhiều người tìm thấy đam mê khi đã U30

Phi công không phải là công việc dành riêng cho bất kỳ một giới tính nào mà chào đón cả học viên nam lẫn học viên nữ. Nhưng dù sao, đây cũng là một nghề vô cùng vất vả, lượng kiến thức chuyên môn vô số kể, đòi hỏi về tinh thần và sức khỏe cực kỳ cao, do vậy, đa số các học viên đăng ký vào trường vẫn là các bạn nam. Tuy thế, mỗi khóa vẫn thường xuất hiện 1, 2 bóng hồng xinh xắn trong lớp và điểm chung là các bạn đều chịu khó nỗ lực học tập.

Trịnh Thị Hằng, học viên lớp ATP34 tâm sự mình từng là một tiếp viên hàng không trước khi chuyển hướng sang ngành phi công. Sau 5 năm gắn bó với nghề, cô nàng tự đặt câu hỏi rằng tại sao mình không thách thức bản thân học một thứ gì đó khó hơn. Đó cũng là lý do trước nhất để Hằng tìm hiểu và thi tuyển vào ngành Phi công.

Hằng cho biết, so với các bạn nam, đương nhiên mình có nhiều khó khăn hơn. Cô bạn kể: "Đầu tiên là bởi lượng kiến thức rất đồ sộ về máy móc, động cơ. Là con gái nên chúng mình hơi yếu về phần này. Thứ hai là về thể lực, mình thấy các bạn nam chuẩn bị khá tốt điều này, do vậy mình cần phải cố gắng hơn rất nhiều nếu muốn có được kết quả tốt như các bạn nam!"

May mắn là tại Bay Việt, các bạn nữ luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía các bạn khác phái. Tuy nhiên xét về mặt bằng chung, tại Bay Việt, mọi tiêu chí đầu vào hoặc các nội dung học tập đều không có bất cứ quy định nào dành sự "ưu ái" hơn cho các bạn nữ. Do vậy, nếu muốn trụ lại và trở thành một phi công thực sự, rõ ràng các nữ học viên phải thực sự nỗ lực.

Một điểm đặc biệt nữa, tại trường phi công Bay Việt, có thể thấy được đủ mọi lứa tuổi trong cùng một lớp học, từ một 10X vừa tốt nghiệp cấp 3 đến một viên chức đã đi làm được vài năm. Phạm Quang Vũ là một trường hợp như thế. Anh cho biết mình từng là sinh viên Kinh tế nhưng cảm thấy công việc không như mong muốn nên đã tìm cách rẽ hướng.

Anh chàng tâm sự: "Đúng là việc mình học ngành Kinh tế vài năm khiến mình mất nhiều thời gian để tìm ra con đường mình thích nhưng tới thời điểm hiện tại mình rất hài lòng!"

Học phí giá trên trời nhưng lương bổng có thể bằng 14 lần một nhân viên văn phòng

Không ngoa khi nói Phi công là ngành học đắt đỏ bậc nhất trong vô số các ngành học hiện có ở Việt Nam. Riêng giai đoạn đầu học lý thuyết, học phí đã lên tới 134.000.000 đồng, tức là đôi khi còn nhiều gấp đôi học phí của một sinh viên phải bỏ ra trong 4 năm để theo học các ngành truyền thống khác. Giai đoạn "nặng túi" nhất là giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài. Ngoài học phí 100.000.000 đồng cho trường tại Việt Nam, học viên phải lo cả học phí tại ngôi trường ở nước ngoài mà mình sẽ huấn luyện. Khoản tiền này dao động từ 63.000 đến 72.000 USD tùy mỗi nơi.

Kết thúc 2 giai đoạn đầu, ở giai đoạn huấn luyện MCC, JET FAM, học phí học viên phải đóng là 148.000.000 đồng. Tức là ít nhất, chỉ tính riêng học phí, các bạn đã ngốn hết 1,8 tỷ đồng, chưa kể các chi phí ăn uống, sinh hoạt tự túc ở nước ngoài.

 - Ảnh 10.

 - Ảnh 11.

Trước đây, cô nàng Mạch Khanh, một vlogger thường xuyên chia sẻ những trải nghiệm học phi công của mình từng tiết lộ, cô nàng đã nghe theo tiếng gọi đam mê để đi học Phi công với học phí lên đến 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng).

Phải thừa nhận rằng, mức học phí trên là "siêu khủng", ăn đứt các trường quốc tế được mệnh danh chỉ dành cho con nhà giàu mà điển hình là RMIT. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đây là ngành học siêu đặc thù, tốn chi phí máy móc, hạ tầng, cơ sở vật chất cực lớn, do vậy đây là con số khá phù hợp để nói lên tính chất của ngành Phi công.

 - Ảnh 12.

Dù phải bỏ ra một số tiền khủng nhưng đây được xem là sự đầu tư xứng đáng nếu một học viên theo được ngành học tới cùng. Vì sau đó, khi cơ hội nghề nghiệp rộng mở, các bạn sẽ nhận được mức lương vô cùng hậu hĩnh, thậm chí nằm ở ngưỡng cao hơn các ngành nghề khác tai Việt Nam.

Theo thống kê năm 2018, một phi công của hãng Vietnam Airlines có mức lương trung bình là 132,5 triệu đồng/tháng, tức là chỉ cần làm việc hơn 1 năm, các phi công có thể "hồi vốn" mà mình đã bỏ ra ban đầu cho chuyện học. Mức lương này được cho là bằng tổng mức lương của 8 nhân viên ngân hàng hoặc của 14 nhân viên văn phòng bình thường.

Đúng là không có ngành học nào là dễ dàng cả, nhất là những ngành phải làm việc trong môi trường đặc biệt như hàng không nói chung và phi công nói riêng. Bởi thế, những ai dám bước theo con đường này thực sự đáng nể vì họ có lựa chọn khác biệt, tuy khó đi hơn nhưng cũng nhiều thú vị hơn.

Vũ Trịnh - Ảnh: Lương Khải - Clip: Kingpro