Cách đây ít ngày, ông Đặng Hoàng Giang (Hà Nội) đã cùng vợ là Vũ Chi Mai (44 tuổi) và 2 con gái Mai Chi (17 tuổi) và Mai An (11 tuổi) cùng đến Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức để đăng ký hiến tạng.

Như bao ngày khác, sau bữa ăn sáng, thưởng trà, chẳng ai nhắc ai, chị em Mai Anh và Mai An tự sửa soạn quần áo, vui vẻ cùng bố mẹ đến Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, hoặc chết não.

Khâm phục bé gái 11 tuổi cùng cả gia đình đăng ký hiến tạng - Ảnh 1.

Bé Mai An (11 tuổi) đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não. (Ảnh: HG)

Khi cầm trên tay tờ phiếu đăng ký hiến mô tạng, cô bé 11 tuổi Mai An có thể tích vào tất cả các ô đồng ý hiến như da, gân, tụy, gan, thận, nhưng đến ô tim, Mai An có chút lưỡng lự. “Giây phút ngồi trước tờ đăng ký này là lúc người ta phải đối mặt với cái chết của mình một cách trực diện và trần trụi nhất. Mà trái tim lại vốn là một thứ gì đó thiêng liêng. Lúc đó, Mai An nói con sợ”, ông Giang kể.

Ông giải thích cho con rằng: “Nếu đăng ký hiến tim, một ngày nào đó, khi con không còn nữa, trái tim của con sẽ cứu sống một bạn khác đang cần tới nó”. Nghe xong, chút băn khoăn cuối cùng của cô bé dường như tan biến, Mai An đặt bút đánh dấu vào ô hiến tim một cách dứt khoát, không chút do dự.

Sau khi hoàn thành việc đăng ký hiến tạng, niềm vui vẫn còn nguyên vẹn với cô bé Mai An. Em tin rằng, việc làm này của mình sẽ có thể cứu sống được ai đó và sự sống của bản thân vẫn sẽ tái sinh một cách đầy ý nghĩa.

“Quan sát những người đăng ký hiến tạng và cả gia đình mình đăng ký, ai cũng cười cả, tạm gọi đó là cái cười vô cớ, không phải do được tiền, hay được ai tung hô, mà vì đó là hành vi có ý nghĩa. Đâu đó trong vô thức, mình cảm thấy sự kết thúc của bản thân có ý nghĩa. Mình không tan biến vào hư vô, mà cái gì đó của mình được người khác đón nhận, được tồn tại tiếp”, ông Giang mỉm cười chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, bé Mai An không phải là người dưới 18 tuổi đầu tiên ở trung tâm đăng ký hiến tạng, song lại là cô bé nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam đăng ký hiến tạng cùng gia đình. Gia đình ông Giang cũng là trường hợp gia đình trọn vẹn đầu tiên cùng đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não. “Đây là việc làm rất ý nghĩa và nhân văn cần được nhân rộng”, ông Phúc bày tỏ.

Khi câu chuyện của bé Mai An và gia đình ông Giang được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người không khỏi khâm phục hành động đầy dũng cảm của cô bé 11 tuổi này.

Một thành viên facebook chia sẻ: “Cảm giác Hà Nội không còn lạnh với nhịp đập của trái tim ấm nóng của các con. Trân quý tình cảm và nghĩa cử cao đẹp của anh và gia đình”.

Một thành viên khác cho biết: “Từ hôm nghe được câu chuyện của anh Giang. Tôi thực sự thấy khâm phục tinh thần của anh và gia đình, đặc biệt là bé Mai An”.

Từ hành trình cận tử đến quyết định trao tặng cả trái tim

Theo thống kê, hiện nay cả nước có hàng chục ngàn người đang cần được ghép mô tạng để duy trì sự sống, tuy nhiên số lượng người đăng ký hiến tạng vẫn còn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, một trong số đó là các rào cản về tâm lý, quan niệm chết toàn thây…

Ở tuổi 11, cô bé Mai An có thể nhận thức về cái chết và hiểu được những gì mà mình đang làm. Để có thể làm được việc tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải ai có đủ dũng cảm để thực hiện, Mai An đã phải vượt qua những nỗi sợ hãi mơ hồ về cái chết.

Khâm phục bé gái 11 tuổi cùng cả gia đình đăng ký hiến tạng - Ảnh 2.

Cả gia đình ông Giang chụp ảnh cùng ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. (bìa trái) (Ảnh: HG)

Ông Giang chia sẻ khi nói về cái chết và việc hiến tạng, 2 con gái của ông không hề sợ hãi. “Vài tháng trước khi đăng ký hiến tạng, tôi vẫn thường trò chuyện với các con, để cháu biết rằng chết là một phần của cuộc sống mà mình không thể chạy trốn khỏi nó. Khi cái chết đến, mình sẽ phải chấp nhận, không thể xa lánh hay căm ghét nó. Qua quá trình nhiều tháng như vậy, cả gia đình và bản thân tôi đều thấy cái chết là một điều gì đó gần gũi và hiển nhiên trong cuộc đời, thay vì mang tính không thuộc về cuộc sống hay phải trốn tránh nó bằng được”, ông Giang nói.


Người đàn ông này cho rằng khi con người ta càng nghĩ nhiều đến cái chết, sẽ càng ý thức hơn về cuộc sống, hiểu được ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc sống.

Ông Giang cũng bật mí, người đã tiếp lửa và thôi thúc ông cùng các thành viên trong gia đình đăng ký hiến tạng trong khi trước đó, việc hiến tạng với gia đình ông vẫn là một điều gì đó xa xôi chính là những người cận tử.

Năm 2017, ông Đặng Hoàng Giang tham vào hành trình cận tử, trong dự án này, ông đi theo những người đang cận kề với cái chết hoặc đã có người thân qua đời, để thông qua trải nghiệm của họ rút ra những bài học cho cuộc sống.

“Tôi hiểu rằng cái chết là một phần cuộc sống. Một lúc nào đó, nó sẽ xảy ra, dù ta muốn hay không. Thay vì sợ hãi, chạy trốn, tôi muốn tiếp xúc trực diện để hiểu về nó và chấp nhận nó”, ông Giang nói.

Chính hành trình ấy cũng đã đem đến cho ông rất nhiều bài  học quý giá. “Họ nhắc nhở tôi rằng điều gì là quan trọng và biết trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống. Có thể, thường ngày, ta vẫn bị lao vào những chuyện thi thố, phấn đấu, nghĩ đến tiền nong quá nhiều, tham lam về tài chính, chức quyền… Nhưng nhìn vào hành trình của những người cận tử, chỉ có 3 điều quan trọng nhất trong cuộc sống đó là được lao động, có những mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh và được thưởng thức những điều tốt đẹp, bình dị trong cuộc sống”.

Ông Giang tiếp: “Khi đi vào lĩnh vực này, tôi cũng nhận thấy ở Việt Nam hầu như không có tạng để ghép cho người cần. Mỗi năm có hàng chục ngàn người chết vì tai nạn. Đó là những trường hợp lý tưởng để ghép mô tạng cho người bệnh. Nhưng vì xã hội còn chưa nghĩ đến chuyện hiến tạng, nên cuối cùng nguồn tạng để ghép có, nhưng người bệnh vẫn chết vì không được nhận tạng”.

Đặc biệt, trong chuyến đi của mình, ông đã gặp được cô gái 28 tuổi tên Vân từng học hết lớp 8, sống trong một ngôi làng nghèo vùng biên giới của tỉnh Thanh Hóa. Vân không may mắc căn bệnh ung thư. Nhưng những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, Vân không còn nghĩ nhiều đến nỗi đau của bản thân, tâm nguyện lớn nhất của cô là được hiến tạng cho những người đang cần nó để duy trì sự sống.

Cuối cùng Vân cũng được ra đi thanh thản khi gia đình cô đồng ý thực hiện tâm nguyện này sau những ngày dài phản đối quyết liệt. Cô gái bé nhỏ ấy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho ông Giang, thôi thúc ông quyết định đăng ký hiến tạng vì những người xấu số.

Ông cho biết thêm, trong quá trình ấy, ông thường xuyên chia sẻ những câu chuyện của những người cận tử với vợ con. Dần dần, mọi người trong gia đình đều quen dần với cái  chết, không còn cảm thấy quá sợ hãi và hiểu về tầm quan trọng của việc hiến tạng. “Bởi vậy mà khi tôi nói cả nhà mình cùng đăng ký hiến tạng đi. Tất cả đều vui vẻ đồng ý ngay tức khắc”, ông Giang kể.

Cũng theo ông Giang, pháp luật quy định người thân trong gia đình đều có quyền được hiến tặng mô tạng của người đã chết. Tuy vậy, vợ chồng ông vẫn vận động 2 con gái đi đăng ký hiến tạng như một cách giáo dục về lòng nhân nhân ái./.