Phát biểu tại hội thảo Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021 do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tổ chức, nhà sản xuất, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn điểm lại bức tranh điện ảnh Việt. Trong vòng 10 năm qua, mỗi năm doanh thu của phim điện ảnh tăng khoảng 24-25%.

Năm 2019 là năm rực rỡ nhất của điện ảnh Việt - phim chiếu rạp trong nước chạm đến doanh thu 4.100 tỷ đồng. Doanh thu đến từ 42 bộ phim Việt ra rạp trong năm 2019 chiếm 32% trên tổng doanh thu.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nêu mỗi bộ phim Việt Nam cần trung bình 15 tỷ đồng cho chi phí sản xuất, quảng bá... Như vậy tổng kinh phí sản xuất cho 42 bộ phim Việt năm 2019 rơi vào khoảng 630 tỷ đồng. Theo thông lệ trên thị trường, các nhà sản xuất phim nhận được khoảng 40-45% doanh thu từ bộ phim. Do đó, để đạt được điểm hòa vốn tính chung cho toàn bộ 42 phim, tổng doanh thu cộng lại phải đạt khoảng 1.400 tỷ đồng.

Khán giả Việt không chi tiền cho phim thảm họa - Ảnh 1.

Sáu bộ phim điện ảnh ăn khách góp vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu năm 2019. Ảnh: TL.

"Theo thống kê, tổng doanh thu của phim Việt chỉ đạt 1.300 tỷ đồng, tức là chúng ta vẫn chưa đạt ngưỡng hòa vốn", Nguyễn Hữu Tuấn nói.

Điểm lại trong số 42 bộ phim ra mắt năm 2019, có tới 27 phim đạt tổng doanh thu dưới 54 tỷ đồng (trong đó 18 phim doanh thu dưới 3,5 tỷ đồng), chắc chắn nhà làm phim thua lỗ.

Các bộ phim doanh thu dưới 3,5 tỷ đồng chịu lỗ khoảng 258 tỷ đồng, ê-kíp của 9 bộ phim doanh thu từ 4-24 tỷ đồng sẽ lỗ 94 tỷ đồng.

Như vậy, ta không thể thu hồi hơn 300 tỷ đồng tương đương 50% vốn đầu tư vào những bộ phim chiếu rạp tại Việt Nam năm 2019.

Ba bộ phim có doanh thu trên 150 tỷ đồng của năm 2019 (Hai Phượng, Cua Lại Vợ Bầu, Mắt Biếc) có tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư tương đương 150-180%. Bên cạnh ba phim doanh thu trên trăm tỷ đồng còn có ba phim đạt doanh thu 80-100 tỷ đồng: Lật Mặt: Nhà Có Khách, Trạng Quỳnh và Chị Chị Em Em.

Nhận định sáu bộ phim ăn khách góp vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu của năm 2019, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn nói rằng anh và những người làm nghề "biết ơn" sáu bộ phim này - tổng thu 550 tỷ đồng, chiếm 42% tổng doanh thu.

Khán giả Việt không chi tiền cho phim thảm họa - Ảnh 2.

"Quyết định sản xuất kinh doanh là việc riêng của mỗi doanh nghiệp, các doanh nghiệp nếu theo đuổi ngành này lâu dài phải cầu thị, rút kinh nghiệm" - đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn. Ảnh: FBNV.

Về các phim dở và thua lỗ, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn phân tích khán giả rõ ràng trong nhận thức bởi toàn bộ 27 bộ phim doanh thu thấp đều là những phim có chất lượng từ trung bình cho tới mức "thảm họa".

"Đương nhiên không có lý do gì để khán giả sẵn sàng chi tiền cho những bộ phim như thế này", Nguyễn Hữu Tuấn nói.

Thực tế vẫn có những phim không dở nhưng vẫn có doanh thu kém, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn lý giải với PV Tiền Phong: "Đúng vậy, thế nhưng phim dở thì chắc chắn không ăn khách được. Bây giờ khán giả rất thông minh". Anh cho rằng nhà sản xuất, nhà làm phim phải chịu trách nhiệm cho những bộ phim kém chất lượng.

Nguyễn Hữu Tuấn chỉ ra nhà sản xuất phim Việt vẫn còn một số điểm yếu cố hữu. Nhiều nhà sản xuất chuyên môn không cao, không đủ khả năng để thẩm định kịch bản. Họ thường coi trọng những yếu tố bề nổi như chạy theo xu hướng, chọn diễn viên nổi tiếng thay vì chăm chút, đầu tư cho nội dung phim.

Từ đầu năm 2022 đến hết nửa tháng 9, chỉ có Em và Trịnh đạt doanh thu mức trăm tỷ đồng trong khoảng 20 phim Việt ra rạp. Hầu hết các nhà làm phim thuộc độ tuổi 7X, chưa thể theo kịp nhu cầu và thị hiếu của lứa khán giả từ 16-30 tuổi. Một số nhà sản xuất có hướng đi mới, khai thác từ tác phẩm văn học kinh điển như Kiều, Kiều@, Cậu Vàng... lại thất bại.

Trước câu hỏi giải pháp để bớt đi những phim thua lỗ, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn nói với Tiền Phong: "Quyết định sản xuất kinh doanh là việc riêng của mỗi doanh nghiệp, các doanh nghiệp nếu theo đuổi ngành này lâu dài phải cầu thị, rút kinh nghiệm".