Húng chanh có một số tên gọi khác là rau thơm lông, rau tần lá dày, dương tử tô.
Về thành phần hóa học: Lá chứa ít tinh dầu (0,05-0,12%), trong tinh dầu có đến 65,2% các hợp chất phenolic trong đó có salicylat, thymol, carvacrol, eugenol và chavicol. Đặc biệt, trong lá có chất màu đỏ là colein có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng họng, mũi, miệng và cả ở đường ruột.
Húng chanh có vị the cay, hơi chua, mùi thơm, tính ấm, không độc, công dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, làm ra mồ hôi, thông hơi, giải độc.
Ở Malaixia, người ta dùng lá nấu cho phụ nữ sau khi sinh đẻ nóng, lá tươi giã ra lấy nước cốt cho trẻ em bị sổ mũi uống. Dùng ngoài: lấy lá giã ra đắp trị nẻ môi, đau bụng, đau đầu và dùng xoa lên người khi bị sốt.
Ở Ấn Độ, lá húng chanh dùng chữa bệnh về đường tiết niệu và rỉ nước âm đạo. Nước ép lá trộn với đường là một loại thuốc gây trung tiện mạnh, cũng dùng trị ho và chứng khó tiêu.
Dưới đây là một số bài thuốc nam thường dùng trong dân gian từ cây húng chanh:
1. Chữa cảm cúm, ho, viêm họng, khản tiếng: Lá húng chanh non 5-10g giã nát vắt lấy nước cốt nóng. Hoặc đem giã nhỏ một nắm lá (15-20g), thêm nước, vắt lấy nước uống làm 2 lần trong ngày. Đối với trẻ em, thêm ít đường, đem hấp cơm cho uống làm 2-3 lần.
2. Chữa đau bụng: Lá húng chanh non rửa sạch, 1-2 lá nhai với một ít muối, ngậm nuốt dần dần.
3. Chữa sốt cao, không ra mồ hôi: húng chanh 20g, lá tía tô 15g, gừng tươi 5g cắt lát mỏng, cam thảo đất 15g. Sắc uống nóng cho ra mồ hôi.
4. Chữa chảy máu cam: húng chanh 20g, lá trắc bá sao đen 15g, hoa hòe sao đen 10g, cam thảo đất 15g. Sắc uống ngày một thang. Lá húng chanh đem vò nát, nhét vào bên mũi chảy máu.
5. Chữa ong đốt sinh đau nhức: húng chanh 20g, muối ăn vài hạt, tất cả đem giã nhỏ hoặc nhai kỹ, nuốt nước, bã đắp vào chỗ ong đốt.
6. Chữa dị ứng nổi mề đay: lá húng chanh nhai nuốt nước, bã thì đắp hay xoa xát.
Nguồn: - Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam
- Thông tin Y học Việt Nam