Sáng 14/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, nhận định về chùm ca bệnh ở Hải Dương, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng rất đáng ngại. Theo đó, các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành phân tích sâu, giải mã gene virus SARS-CoV-2 chùm ca bệnh ở Hải Dương để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng. Kết quả sẽ có sau một vài ngày.

Ban Chỉ đạo Quốc gia cho rằng việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là một biểu hiện cộng đồng còn rất chủ quan. Sau khi xảy ra dịch bệnh ở Đà Nẵng, nhiều cảnh báo đã được đưa ra trên cả nước nhưng một tiệm ăn rất đông người nhưng người phục vụ, khách hàng đều không đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.

Để chủ động kiểm soát tình hình, tỉnh Hải Dương ngay lập tức triển khai nhiều biện pháp mạnh, tổ chức cách ly thành phố Hải Dương, tạm dừng nhiều hoạt động,... Đây là những biện pháp rất cần thiết và kịp thời.

Quyền Bộ trởng Bộ Y tế cho biết đã phối hợp sát sao với tỉnh để triển khai các biện pháp ứng phó.

Khẩn trương giải mã gene chủng SARS-CoV-2 ở chùm ca bệnh COVID-19 tại Hải Dương - Ảnh 3.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP

Hôm nay, 14/8 Bộ Y tế đã có công điện giao Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Hải Dương thực hiện xét nghiệm COVID-19.

Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương cử sinh viên hỗ trợ và phối hợp với ngành Y tế tỉnh Hải Dương thực hiện điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương để thực hiện xét nghiệm.

Về tình hình ngăn chặn dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam, đại diện Bộ Y tế phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng. Dự kiến đến hết tháng 8/2020 có thể kiểm soát được tình hình.

Khẩn trương giải mã gene chủng SARS-CoV-2 ở chùm ca bệnh COVID-19 tại Hải Dương - Ảnh 4.

Từ 0h ngày 14/8, TP Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày sau khi nơi đây ghi nhận 4 ca mắc COVID-19. Ảnh: Zing

Đối với công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại miền Trung (đang điều trị tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam), Bộ Y tế đã cử tất cả các đội tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn vào chi viện, phối hợp, hỗ trợ địa phương. Tất cả các trang thiết bị, máy móc, thuốc cần thiết đều được đưa vào để phục vụ điều trị.

Mới nhất, chiều 13/8, Bộ Y tế cử 3 chuyên gia đầu ngành (Hồi sức cấp cứu; Truyền nhiễm; Tim mạch) lên đường vào miền Trung cùng với “Bộ chỉ huy tiền phương” của Bộ Y tế tại Đà Nẵng và các chuyên gia, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Hiện, đã có khoảng 400 bác sĩ, chuyên gia giỏi, cán bộ y tế có năng lực cao từ Trung ương và các tỉnh thành tới hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam chống dịch.

Tuy nhiên, do đợt này, dịch COVID-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng (mắc nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, tim mạch...), tự thân tính mạng đã rất mong manh, sự sống của nhiều người phụ thuộc vào máy móc. Mắc thêm COVID-19 chỉ như giọt nước tràn ly, vì thế, mặc dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi.

"Mỗi một bệnh nhân tử vong, anh em đều nhắn tin về "xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin tại cuộc họp sáng nay.

6h ngày 14/8, Ban Chỉ đạo quốc gia công bố 6 ca mắc mới, từ 906 đến 911. Trong số này có 3 ca bệnh đều có tiền sử dịch tễ liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi ở số 36 Ngô Quyền, TP Hải Dương , tỉnh Hải Dương.

Hôm 12/8, Bộ Y tế công bố trường hợp ông V.D.B (63 tuổi, trú xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) là bệnh nhân số 867 mắc COVID-19. Ông B có lịch trình di chuyển phức tạp tại Hà Nội và Hải Dương.

Khẩn trương giải mã gene chủng SARS-CoV-2 ở chùm ca bệnh COVID-19 tại Hải Dương - Ảnh 6.