Trên tuyến Quốc lộ 279D đoạn qua huyện Mường La, tỉnh Sơn La, theo thống kê có 6 vị trí sạt lở ta luy dương, sa bồi, sụt trượt ta luy âm khiến giao thông ách tắc. Trong đó, vị trí tại từ Km32+300 đến Km32+600 sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, khi ta luy dương sạt trượt với khối lượng lớn làm vùi lấp, hư hỏng nền, mặt đường, công trình đường bộ dẫn đến không thể lưu thông từ Trung tâm huyện Mường La, tỉnh Sơn La đi huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và ngược lại.
Ngoài vị trí này, trên tuyến còn có 1 vị trí xói lở mố cầu Nậm Păm tại Km65+890 và khoảng 168 vị trí sụt nhỏ, sa bồi mặt đường, với khối lượng khoảng 11.600m3.
Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, ngành giao thông vận tải tỉnh Sơn La huy động nhân lực, máy móc triển khai ngay công tác khắc phục.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Quản lý, sửa chữa đường bộ I Sơn La đang trực tiếp chỉ huy lực lượng khắc phục trên tuyến cho biết hiện tại trên tuyến, đơn vị đang huy động 8 máy xúc, 3 ô tô, 10 cán bộ kỹ thuật cùng 50 công nhân bất chấp điều kiện thời tiết để khắc phục.
"Tuy nhiên, có những khó khăn nhất định, thứ nhất là hiện tại trời vẫn đang mưa nên có ảnh hưởng đến tiến độ chung, vì có những vị trí đã khắc phục được rồi nhưng lại tiếp tục sạt lở, nên lại phải khắc phục lần nữa. Thứ 2 là các vị trí sạt lở nối tiếp nhau, nên việc tiếp cận để khắc phục các vị trí sạt lở bên trong rất khó khăn, vì không thể huy động được thiết bị vào để khắc phục” - ông Hùng nói.
Tại tỉnh Lai Châu, ước tính thiệt hại về giao thông do đợt mưa lũ những ngày qua gây ra lên tới gần 11 tỷ đồng. Đến cuối giờ chiều nay (7/8), tất cả các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã cơ bản được đảm bảo giao thông bước 1. Trong đó, gần 20 điểm sạt lở trên quốc lộ 279D tại vùng lũ Than Uyên đã được khắc phục tạm, đảm bảo cho việc đi lại hỗ trợ người dân vùng lũ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện trời vẫn mưa, gây nguy cơ tiếp tục sạt lở trên các tuyến giao thông. Sở đã chỉ đạo các nhà thầu phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng phương tiện, máy móc, nhân lực túc trực tại các vị trí xung yếu để sẵn sàng khắc phục khi có tình huống xấu xảy ra.
“Những điểm có nguy cơ tiếp tục sạt lở thì Sở Sở Giao thông - Vận tải đã cho làm cảnh báo, cắm biển báo ở 2 đầu cũng như cử công nhân túc trực tiếp tục theo dõi. Đối với các điểm sạt sụt có nguy cơ mất đường trên các tuyến quốc lộ hiện nay đã được xử lý bước đầu và đã cho làm rào chắn, biển cảnh báo và phủ bạt để chống xói lở, cử người tiếp tục theo dõi, phân luồng”, ông Nguyễn Văn Hưởng nói.
Tỉnh Yên Bái ngoài ưu tiên cho tuyến quốc lộ 32 với hơn 100 điểm sạt lở, trong đó có 3 vị trí mất đường, mỗi vị trí dài khoảng 100m, huyện Mù Cang Chải - “tâm lũ” của tỉnh trong đợt này cũng đã huy động máy móc, dân quân và nhân dân sửa chữa, khôi phục các tuyến giao thông liên bản, liên xã như Khao Mang, Lao Chải, Kim Nọi… để sớm thông đường phục vụ cho công tác cứu trợ, hỗ trợ, khắc phục các thiệt hại khác.
Trước dự báo, đoạn tuyến từ Km324 +400 đến Km329, Quốc lộ 32, thuộc địa phận xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải sẽ bị ách tắc trong nhiều ngày, Sở Giao thông Vận tải Yên Bái đã có thông báo phương án phân luồng từ xa. Cụ thể là các phương tiện đi từ Hà Nội lên Lai Châu sẽ đi theo quốc lộ 32 đến Km172 (Ngã ba Ba Khe, huyện Văn Chấn) thì rẽ phải sang quốc lộ 37 đi hướng thành phố Yên Bái lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC12) lên Lào Cai; rồi đi theo quốc lộ 4D về Lai Châu và ngược lại.
Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cảng Chải, tỉnh Yên Bái cho biết, hiện, 3 tổ công tác của huyện đang tiếp tục chia thành các hướng để tiếp cận hiện trường các thôn, bản ở các xã bị thiệt hại để chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền cùng người dân thống kê và khắc phục thiệt hại.
Huyện cũng thành lập thêm 1 đội tìm kiếm cứu nạn người mất tích, bởi trên địa bàn có 1 người mất tích từ chiều tối qua 6/8 đến nay vẫn chưa được tìm thấy.