Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch từ các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới. Hiện tại, khoa đang điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân nặng, trong số đó có tới 3 bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc.
Bệnh nhân V.T.V. (69 tuổi, trú tại TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị di chứng tai biến mạch máu não, hạn chế vận động, được mở thông dạ dày, mở khí quản, thể trạng suy kiệt. Kết quả nuôi cấy đờm phát hiện vi khuẩn kháng thuốc là pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh). Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm, kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, gây ra nhiều nhiễm trùng khác nhau cho cho con người như nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, tấn công vào các vết thương, vết mổ của người bệnh và gây ra tình trạng nhiễm khuẩn nặng.
Bác sĩ Nguyễn Thế Hưng – Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: "Hiện nay, bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc có xu hướng gia tăng, các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh phổ biến hơn. Vi khuẩn đa kháng thường xuất hiện trên các bệnh nhân nằm thở máy kéo dài, có bệnh lý nền như đái tháo đường, mất máu, nằm lâu một chỗ có loét tì đè, nhiễm khuẩn ngoài da, mô mềm… Do đó đa phần bệnh nhân đều có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao, một số bệnh nhân từ tuyến khác chuyển tới kháng tất cả các loại kháng sinh khiến việc điều trị khó khăn, tăng nguy cơ tử vong. Bệnh nhân càng cần nhiều can thiệp y tế càng có nguy cơ nhiễm khuẩn".
Có nhiều nguyên nhân gây ra kháng kháng sinh như việc sử dụng kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sĩ gây nhờn thuốc, tồn dư kháng sinh trong thực phẩm hay nhiễm khuẩn bệnh viện. Trong đó, việc tự ý dùng kháng sinh khi không cần thiết, hoặc sử dụng kháng sinh thế hệ cao ngay từ đầu, không sử dụng đúng liều lượng… là nguyên nhân chính khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trở nên phức tạp trong những năm qua. Thậm chí, kháng kháng sinh cũng xuất hiện ở cả ở đối tượng bệnh nhi.
Theo thống kê của WHO, vì kháng kháng sinh nên ngày càng có nhiều các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao và các bệnh do thực phẩm gây nên càng trở nên khó điều trị hơn và đôi khi không thể điều trị được. Sau đại dịch COVID-19, tình trạng kháng kháng sinh lại càng trở nên phức tạp hơn do việc sử dụng kháng sinh trở nên thiếu kiểm soát trong đại dịch. Các nhà khoa học cũng cảnh báo, điều này còn có thể dẫn tới tình trạng không còn kháng sinh để điều trị trong tương lai.
Kháng thuốc làm cho các lần điều trị sau trở nên kém hiệu quả hoặc không hiệu quả, kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Điều tồi tệ nhất khi bệnh nhân bị vi khuẩn đa kháng thuốc xâm nhập dẫn đến việc điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng, nguy cơ tử vong cao vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…
Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc do Tổ chức Y tế thế giới phát động (từ ngày 18/11 đến ngày 24/11) năm 2023 tiếp tục truyền đi thông điệp "Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc" kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức, phòng chống kháng thuốc.
Để phòng ngừa kháng thuốc kháng sinh, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân: Không tự ý ra quầy mua thuốc kháng sinh hoặc xin kê đơn thuốc để mua mà không đi khám; Khi dùng thuốc kháng sinh theo đơn kê của bác sĩ cần uống đủ liều lượng và thời gian theo chỉ định; khi thấy bệnh khỏi triệu chứng cũng không được ngừng thuốc quá sớm hoặc tự ý mua thêm thuốc uống khi có dấu hiệu bất thường; Không tự ý rắc thuốc kháng sinh lên các vết thương hở, lở loét...