Tập thể dục giúp gia tăng tuổi thọ là điều đã được nhiều chuyên gia sức khỏe khẳng định. Nghiên cứu của CHS (Cardiovascular Health Study) đã chứng minh được rằng những người trên 75 tuổi có thể tăng tuổi thọ bằng cách chơi thể thao thay vì ngồi 1 chỗ.

Để tìm ra bộ môn thể thao nào giúp gia tăng tuổi thọ nhiều nhất, các nhà nghiên cứu đã tiến hành lấy dữ liệu của 20.000 người khỏe mạnh thuộc thành phố Copenhagen, Đan Mạch. Sau đó, họ chọn lọc khoảng 8.600 người tham gia khảo sát trong vòng 27 năm, kể từ năm 1990-2017.

Những cá nhân tham gia khảo sát sẽ tham gia các bộ môn thể thao như quần vợt, cầu lông, bóng đá, chạy bộ, aerobic, đạp xe, bơi lội... Cuối cùng, các nhà nghiên cứu kết luận chơi quần vợt sẽ giúp bạn có thể tăng đến 9,7 năm tuổi thọ. Người chơi các bộ môn khác cũng giúp tăng tuổi thọ nhưng không vượt được con số 9,7 năm. Cụ thể cầu lông - 6,2 năm; bóng đá - 4,7 năm; đạp xe - 3,7 năm; bơi lội - 3,4 năm; chạy bộ - 3,2 năm…

Khảo sát 8.600 người trong 27 năm phát hiện: Không phải chạy bộ, đây mới là bộ môn giúp tăng gần 10 năm tuổi thọ- Ảnh 1.

Thực tế ít ai biết rằng quần vợt còn được gọi là được gọi là "môn thể thao cho cả đời" bởi ở độ tuổi nào bạn cũng có thể chơi quần vợt, chỉ cần chọn cấp độ vừa sức với mình. Hơn thế nữa, nó còn có những lợi ích rất tốt cho sức khỏe.

1. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Hoạt động thể lực dưới bất kỳ hình thức nào đều có tác dụng tăng cường sức mạnh cho tim mạch. Bật cao để thực hiện một cú swing, chạy xuống sân và rượt đuổi theo quả bóng xanh là một số hoạt động làm tăng nhịp tim khi bạn chơi quần vợt.

Khi nhịp tim tăng lên đồng nghĩa nhịp thở của bạn sâu và nhanh hơn, tăng lượng oxy và lưu lượng máu đi khắp cơ thể. Điều này góp phần giúp hệ tim mạch khỏe hơn.

Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng người chơi quần vợt 3 giờ một tuần với cường độ vừa phải có thể giảm 50% nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào.

2. Tăng biên độ vận động các khớp

Các chuyển động trong quần vợt đòi hỏi các khớp phải vận động với nhiều biên độ khác nhau, chẳng hạn như thực hiện một cú swing và vươn người. Nhờ đó, bộ môn này có thể giúp tăng phạm vi chuyển động của bạn. Những hoạt động này hỗ trợ bôi trơn các khớp của bạn và tăng cường cơ bắp và gân. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu tập trên sân, bạn nên thực hiện những động tác khởi động trước để tránh chấn thương.

Khảo sát 8.600 người trong 27 năm phát hiện: Không phải chạy bộ, đây mới là bộ môn giúp tăng gần 10 năm tuổi thọ- Ảnh 2.

3. Thúc đẩy sự nhanh nhẹn của cơ thể

Bác sĩ vận động học và chuyên gia vận động Marian Barnick cho biết quần vợt là môn thể thao mà người chơi phải bao quát toàn sân, đòi hỏi các kiểu chuyển động tiến và lùi, dừng và bắt đầu chạy, tăng tốc và giảm tốc.

Việc chuyển động liên tục này trong quần vợt giúp rèn luyện cơ thể và não bộ để thích nghi nhanh hơn.

4. Tăng cường giao tiếp xã hội

Các nhà khoa học cho rằng quần vợt giúp người chơi gia tăng tuổi thọ hơn xuất phát từ tương tác xã hội trong quá trình tham gia bộ môn này. "Từ các nghiên cứu khác chúng ta đã biết rằng sự tương tác xã hội làm giảm stress", tác giả nghiên cứu James O'Keefe nói.

Xét về khía cạnh xã hội, một trận quần vợt với bạn bè có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa sự cô lập với xã hội với bệnh tăng huyết áp, ung thư, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn các nguy cơ sức khỏe khác. Tham gia một trận quần vợt với một người bạn có thể giúp bạn cảm thấy đỡ bị cô lập hơn.

Lợi ích nâng cao sức khoẻ tổng thể, kéo dài tuổi thọ của các môn thể thao là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nâng cao tối đa hiệu quả của việc chơi thể thao, phòng tránh chấn thương dẫn đến ngưng tập, người chơi thể thao cần chú ý tập luyện đúng cách và chăm sóc sức khỏe xương khớp cẩn thận. Xương khớp chắc khỏe thì mỗi người mới có thể thoải mái chơi bất kì môn thể thao nào mà mình yêu thích.

Theo đó, người chơi cần tìm hiểu và nắm vững kỹ thuật của bộ môn đó... rồi mới bắt đầu tập luyện; luôn khởi động làm nóng cơ thể trước khi chơi; uống đủ nước trong quá trình tập, không vận động quá sức và dừng tập khi bị đau nhức. Trường hợp chấn thương, cần đến các chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và xử lý kịp thời.