Theo khảo sát mới nhất trên nền tảng tìm kiếm việc làm Monster.com cho thấy: 8 trên 10 người đã... khóc ở chỗ làm.
Trong đó, có khoảng 14% thú nhận đã bật khóc tại chỗ làm ít nhất 1 lần/tuần, thậm chí là mỗi ngày.
Phần lớn những người tham gia khảo sát (45%) đổ lỗi cho sếp hoặc đồng nghiệp của họ; số còn lại thì bị áp lực do khối lượng công việc khổng lồ cũng như những vấn đề cá nhân trong gia đình.
Những nhà nghiên cứu thực hiện khảo sát này khẳng định, hầu hết người đi làm ở Mỹ đang quá tải vì những áp lực không đáng có.
Một phần nhỏ người tham gia, cho biết vấn nạn lớn nhất của họ là việc bị bắt nạt ở nơi công sở, trục trặc với khách hàng hoặc "xì khói" vì quy trình làm việc phức tạp.
Trên thực tế, không chỉ mỗi người Mỹ gặp những vấn đề này.
Nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra, phải làm việc quá 8 giờ/ngày có thể dẫn đến các vấn đề về thể chất và tinh thần cho nhân viên.
Một nghiên cứu của Đại học Nam California đã theo chân nhiều nhân viên ngân hàng trong 9 năm liền. Kết quả cho thấy, đến năm thứ 3 đi làm, họ đã xuất hiện những thói quen xấu như cắn móng tay, cậy mụn hoặc thường xuyên khó ngủ.
Những nghiên cứu khác lại cho thấy, người lao động ngày nay bị tổn thương tinh thần vì bị tụt lương.
Nghiên cứu của Đại học Pennsylvania được công bố vào năm ngoái cho thấy: Áp lực tại nơi làm cùng những vấn đề về sức khỏe tâm thần đã khiến nước Mỹ tiêu tốn 53 tỷ USD/năm. Hệ lụy chính là người lao động xin nghỉ phép dài hơn, tốc độ làm việc cũng chậm chạp hơn.
"Kết quả của khảo sát cho thấy, có nhiều yếu tố gây áp lực như sếp hoặc đồng nghiệp 'độc hại', khối lượng công việc khổng lồ - chúng đều có thể khiến người ta bật khóc ở chỗ làm...", Jonathan Beamer, Giám đốc marketing của Monster.com nói với CBS News.
Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Vicki Salemi của Monster.com, lại nói rằng: "Thường thì người ta sẽ rơi nước mắt một cách kín đáo, vì hầu như ai cũng cho rằng khóc là dấu hiệu của sự yếu đuối".
"Nếu muốn khóc ở văn phòng, cứ khóc thôi. Bạn có thể khóc trong toilet, xe ô tô, quán cà phê... Tóm lại ở bất cứ nơi nào cũng được. Dù trông có vẻ xấu xí, khóc lại là cách rất tốt để giải tỏa áp lực".
"Sau đó, hãy bình tĩnh lại và đánh giá sự việc. Thứ gì đã khiến bạn bùng nổ? Liệu nó có đáng để bạn tiếp tục cống hiến không? Hãy tự hỏi và trả lời những câu hỏi tương tự".
"Dù ít hay nhiều, việc phải bật khóc ở chốn công sở cho thấy đó là môi trường độc hại cho tinh thần".
Theo Daily Mail