Khểnh - một cái tên quen thuộc trong giới nhiếp ảnh Sài Gòn đã có thâm niên nhiều năm chụp ảnh báo chí và thời trang. Khoảng 5 năm trở lại đây, anh chàng nhiếp ảnh gia này gần như chuyển hẳn sang chụp ảnh cưới, và cũng từ đó, những câu chuyện dở khóc dở cười trong nghề cũng đến.
Khểnh - chàng nhiếp ảnh gia đẹp trai như tài tử đã có 5 năm chụp ảnh cưới và một kho những câu chuyện bi hài trong khi tác nghiệp.
Bị phụ huynh mắng, chê ảnh xấu
Khểnh chia sẻ, phong cách ảnh cưới mà Khểnh theo đuổi là phong cách tự nhiên, ngôn ngữ hình ảnh đơn giản, không quá cầu kỳ về trang phục hay bối cảnh sang trọng, thậm chí có cả những bộ ảnh cô dâu chú rể mặc áo bà ba, chụp ở quê của chính họ, miễn là cô dâu chú rể cảm thấy hài lòng, thích thú, và bộ ảnh kể được câu chuyện tình yêu, kỷ niệm, ghi dấu hạnh phúc của họ.
Tuy nhiên, cũng vì thế
mà Khểnh có lúc bị... người nhà khách hàng mắng hay chê ảnh xấu, không
"sang trọng" hay không giống ảnh cưới. Thường thì, những vụ thế này xảy
ra khi cô dâu chú rể đem ảnh gốc về, người lớn trong gia đình ý kiến, góp ý vào
ra, khiến cô dâu chú rể cảm thấy hoang mang, lại quay sang trách móc người chụp.
Những bức ảnh cưới được Khểnh ghi lại, đôi khi có trang phục rất thoải mái, tự do.
Khểnh vẫn nhớ có một "tai nạn" vừa tức cười vừa ấm ức. Đó là một cặp đôi khá dễ thương, Khểnh chụp họ rất nhiều và cũng ưu đãi rất nhiều vì có cảm tình với họ. "Một buổi trưa nắng, Khểnh tự đi xe máy qua giao tấm hình lớn. Bố chú rể mời vào nhà, mặt lạnh như tiền, không rót nước cho uống luôn. Vừa bóc bao ảnh lớn ra, bố chú rể mắng chú rể té tát, nói to chắc cốt cho mình nghe thấy: "Này, tao biết chụp thế này, tao bảo ra chú Cường đầu ngõ chụp quách cho xong. Ảnh gì mờ toét chả đâu ra đâu" rồi "Mày chụp ảnh lớn phải có phông nền hoa lá cỏ đằng sau, cho tươi sáng, chụp gì mà nền trắng nhách, kinh quá!". Mình giận lắm, nhưng chú là người lớn, nên vẫn im lặng.
Đi về, mình vẫn còn nghe tiếng người nhà mắng nhau. Cứ tưởng cô dâu chú rể sẽ bảo vệ mình, bảo vệ quan điểm, ai ngờ, họ lại đòi làm thêm cái ảnh lớn khác do bố mẹ họ chọn, coi như "đền bù" lại. Mình cũng đồng ý và không lấy thêm tiền, họ nhận, vui vẻ rồi thôi. Nhưng hề nhất là, 1 tháng sau đó là ngày cưới họ, ekip của mình cũng đi chụp ngày cưới thì thấy trước rạp gia tiên có tấm ảnh lớn, chính là tấm ảnh mà bị bố chú rể chê thậm tệ hồi trước.
Lúc đó, họ mới phân bua: "Khểnh ơi, cái ảnh này hôm trước thấy không đạt, nhưng có cô cậu ở nước ngoài về, thấy cũng ổn, khen mặt cô dâu chú rể hiền, nên tụi mình không vứt nữa, mà để đây luôn. Chiều ra nhà hàng mình mới lấy ảnh kia để trưng". Lúc này, thật sự mình giận dữ. Chiều tối, mình để ekip của mình đi chụp, còn mình không đi nữa! Sau này về, họ block hẳn Facebook mình luôn!".
Vụ đó, Khểnh bảo, anh không giận vì phải làm thêm tấm ảnh nữa cho khách, mà giận bởi gia đình khách hàng đã xúc phạm, chê bai ảnh rất "đau" để được đổi tấm khác. Nhưng dù gì, Khểnh cũng xác định mình là người làm dịch vụ, nên cũng nhẫn nhịn cho xong. Kể từ đó, Khểnh rút kinh nghiệm và tìm cách dung hòa, trong bộ ảnh luôn có ảnh áo cưới sang trọng, nhìn thẳng, ảnh phóng phải đủ chân tay mặt mũi, rõ ràng, theo đúng ý kiến của phụ huynh.
Bị cô dâu chú rể quỵt tiền chụp ảnh cưới, cho 'leo cây" sau khi đã lên lịch chụp
Bị chê đã tức, bị khách
hàng vừa chê bai, vừa quỵt tiền còn ấm ức hơn. Khểnh kể, khoảng hơn 3 năm về
trước, anh cũng bị dính một vụ cô dâu chú rể quỵt tiền chụp ảnh cưới. Đó là một
người quen của Khểnh, nên anh chàng tự bỏ tiền túi ra trả tiền bối cảnh, thuê
xe, thuê make-up, váy áo, địa điểm là một resort 5 sao... Trong quá trình làm
việc cùng, váy áo toàn bộ do cô dâu chú rể tự chọn, make-up cũng hỏi đi hỏi lại
xem cô dâu có hài lòng với phong cách trang điểm hay không, bản thân Khểnh lúc
chụp ảnh cũng thường xuyên đưa máy cho chô dâu chú rể xem ảnh, tất cả đều suôn
sẻ. Đến khi họ đem ảnh gốc về nhà, người nhà lại góp ý, bảo là ảnh nhìn không
"sang".
Những cặp đôi trẻ thường "kết" phong cách tự nhiên, trong sáng này.
Đã vậy, Khểnh làm layout kích cỡ 30x30cm theo thoả thuận, khách hàng nằng nặc đòi đổi sang khung hình chữ nhật. Khểnh cũng nhịn, đổi hết lại layout thêm lần nữa (tới lúc này thì khách vẫn chưa trả đồng nào) và khi đang làm dở, họ gửi mail ngắn gọn, đại ý nói Khểnh sửa ảnh lâu quá, họ cảm thấy không yên tâm và cũng không thích nữa, chắc không dùng ảnh của Khểnh để làm album cưới, nên thôi, không làm việc tiếp với nhau nữa, trong khi, còn 2 tháng nữa mới tới ngày cưới của họ.
Giá gói chụp lúc đó của Khểnh trị giá 14 triệu đồng, trọn gói toàn bộ. Sau khi bị khách "bùng" (trong khi đã đem ảnh gốc về, thậm chí đã chọn ảnh để làm album), Khểnh đành yêu cầu khách thanh toán 7 triệu đồng, là 50% gói chụp để trả cho các chi phí, không quên nói thêm, vì họ là người quen nên anh mới không yêu cầu chuyển tiền cọc trước hết đó. Ai ngờ, họ còn sửng cồ, mắng lại Khểnh và dọa: "Có khi, Khểnh nhận đặt cọc rồi, còn phải đền gấp 3 tiền cọc cho tụi mình vì đã đi chụp mà khách hàng không hài lòng đó chứ", rồi cuối cùng, họ chỉ chi trả 1 triệu tiền make-up và 1,2 triệu tiền bối cảnh, với lý do ảnh không thể dùng được.
Nhắn tin, gọi điện liên
tục để đòi trả tiền mà không xong, khách trốn mất, Khểnh cũng tức, định up ảnh
lên Facebook cho mọi người đánh giá, nhưng rồi nghĩ lại, Khểnh không gây chuyện
với khách nữa, mà lấy đó làm kinh nghiệm cho bản thân. Sau này, nếu cảm giác
khách và mình không hiểu ý nhau, khách có gu thẩm mỹ khác biệt, Khểnh sẽ từ chối
luôn.
Phong cách chụp ảnh cưới tự nhiên khá "kén" tay máy cũng như khách hàng, nên giữa hai bên cần có sự thống nhất và hiểu biết lẫn nhau.
Khểnh kể, người làm nghề có lúc gặp những trường hợp oái oăm hơn nữa, như kiểu làm xong xuôi hết album, khách chê xấu không thèm lấy và không trả nốt tiền; thậm chí có người lấy lý do vợ/chồng đau ốm, hoặc... chia tay nhau, hủy đám cưới để không đến lấy album (trong khi ảnh gốc đã nhận). Bản thân Khểnh cũng có lần "dính" một vụ, khách hàng hỏi giá, mặc cả chán chê, đặt lịch chụp và lên ý tưởng xong xuôi, đến ngày chụp thì khách nhắn: "Chồng mình đi cấp cứu, chắc không chụp ảnh được đâu!".
Gói chụp này, vì lịch chụp gần ngày khách hỏi, anh cũng không lấy tiền cọc trước. Đang thương khách "tội nghiệp", còn định thư thư mấy hôm sẽ hỏi thăm tình hình sức khỏe của chú rể, thì một cô bé make-up trong ekip của Khểnh vô tình lượn lờ Facebook phát hiện, cô dâu chú rể này hôm đó vẫn đi chụp ảnh với một studio khác (studio này post ảnh hậu trường lên, tag tên cô dâu vào) với bối cảnh và ý tưởng y hệt như Khểnh đã trao đổi lúc tư vấn.
Những yêu thương níu chân người làm nghề
Những câu chuyện về tai
nạn nghề nghiệp của Khểnh và những nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới còn nhiều bi
hài, nhưng theo anh chàng điển trai này, không phải vì thế mà những tay máy tự
do hoặc các studio "chùn chân" trước dịch vụ hấp dẫn này. Với những
thợ chụp ảnh cưới tự do hoặc sở hữu cửa hàng riêng như Khểnh, ngay từ đầu khi
tiếp xúc với khách, phải nói rõ mình có thể làm được gì, phong cách của mình ra
sao, hỏi khách thích gu ảnh ra sao... Đừng "nhắm mắt" khi biết mình
và khách không có tiếng nói chung.
Để có những khuôn hình hạnh phúc khi chụp ảnh cưới, trình độ của tay máy và hậu kỳ chỉ là một phần, còn cảm xúc của cô dâu chú rể cực kỳ quan trọng.
Khi bị khách "lật", cần tìm hiểu lý do và tìm hướng giải quyết; và theo Khểnh, dù thân quen đến đâu cũng nên yêu cầu khách giao 50% chi phí ngay khi chụp xong, dù ảnh có xấu hay đẹp, còn lại 50% là do nhiếp ảnh phải tự cố gắng để hoàn thành công việc của mình. Nếu đã làm hết sức mà khách vẫn còn chê, Khểnh sẽ dùng cách là nhờ khách up thử những tấm mà theo khách là xấu nhất lên Facebook cá nhân, để xem là bạn bè của khách - những người vô tư nhất nói gì. Theo Khểnh, người làm nhiếp ảnh, đặc biệt là chụp ảnh cưới cần nhiệt tình, say mê, nhưng phải chính trực và có sự thẳng thắn cần thiết, cũng như đừng cả nể quá.
Người chụp ảnh cưới cần nhiệt tình, say mê, nhưng phải chính
trực và có sự thẳng thắn cần thiết, đừng cả nể quá để tránh những rủi ro.
Với các studio, để tránh tình trạng khách hàng quỵt tiền chụp ảnh cưới hoặc bị phụ huynh mắng vốn vì ảnh "kỳ cục", "không nghiêm túc", nhiều nơi đã chọn cách an toàn, chụp ảnh cưới theo kiểu "công nghiệp".
Khểnh chia sẻ: "Ai cầm máy cũng muốn bay bổng, sáng tạo, nhưng cứ đụng ý kiến người này người kia, đụng phụ huynh, đụng truyền thống phong tục thì cũng khó sáng tạo lắm. Mình thà thu nhập không nhiều nhưng khách hàng hiểu mình, mình được bay bổng, được tôn trọng, cả gia đình cũng hài lòng về ảnh cưới, vậy là đủ cảm xúc để tiếp tục rồi!".
Sự kết hợp giữa sáng tạo và chuẩn mực khi chụp ảnh cưới là một trong những bí quyết thành công của Khểnh.
Với Khểnh, thứ đã níu
chân anh với nghề này 5 năm, và sẽ còn lâu hơn nữa, không chỉ là thu nhập, mà
là sự nối dài của cảm xúc. "Khi người ta cưới, người ta viết thư cảm ơn,
len lén để trong xe bạn, người ta gửi bánh trái quê nhà cho bạn. Khi người ta đẻ
con, người ta nhờ bạn làm bố đỡ đầu cho con họ, rồi con họ lớn lên, người ta nhờ
bạn mỗi năm đến chụp một bộ gia đình. Đó là niềm vui khi họ giới thiệu những
người khác đến với mình. Và càng nhiều lời cảm ơn nhân rộng, thì sẽ thấy vinh
quang của mình lớn đến nhường nào.
Mình không phải là người giàu có, nhưng đã sẵn sàng chụp bộ ảnh miễn phí cho một cặp đôi công nhân nghèo, đến với mình và xin mình hãy cho họ chụp ảnh trả góp. Họ yêu nhau quá, bị gia đình cấm đoán nhiều quá, nhưng cũng nắm tay nhau bất chấp tất cả để vượt lên. Cái thần kỳ của tình yêu của họ đã khiến mình thức trọn một đêm bên cạnh họ, lau dọn và biến một sân thượng bình thường, mốc meo, cũ kỹ, trở thành một không gian ấm áp đầy màu sắc... Vì những câu chuyện như thế, Khểnh còn yêu và gắn bó với nghề này dài lâu!".
Những câu chuyện tình yêu đôi lứa là cảm hứng bất tận để Khểnh tiếp tục cầm máy.