Mẹ tôi là một người phụ nữ tuyệt vời. Tôi từ những ngày còn nhỏ đã thấy rõ bà nỗ lực thế nào để vun đắp tổ ấm. Ngày ngày, mẹ thức dậy từ 5 giờ sáng và nấu một nồi cháo nóng cho cha tôi. Ông có vấn đề với hệ tiêu hóa và chỉ có thể ăn cháo mỗi sáng. Bà cũng nấu cơm cho tôi. Trẻ nhỏ đang tuổi lớn, buổi sáng cần ăn nhiều và ăn cho chắc dạ còn có sức học hành. Rồi mỗi tuần, mẹ tôi đều đặn đem chăn màn, thảm chiếu, áo quần ra phơi nắng. Chiều nào bà cũng cọ rửa bát đũa, nồi niêu, đồ vật trong nhà, tỉ mẩn tới mức mỗi chiếc vung nồi trong nhà tôi đều sáng loáng như gương. Đến tối, tôi lại thấy mẹ lom khom lau sàn, quét dọn. Sàn phòng khách nhà tôi có lẽ còn sạch hơn giường ngủ nhà người ta nữa.

Mẹ tôi tuyệt vời trong mắt tôi và những người ngoài khi trông vào. Nhưng có một vấn đề không nhỏ, đó là đối với chồng bà, cũng là người tôi gọi là cha, bà hoàn toàn không phải người bạn đời lý tưởng. Trong suốt quá trình lớn lên, tôi đã không ít lần nghe cha bày tỏ rằng ông cô đơn trong cuộc hôn nhân của chính mình. Ông cảm thấy mình không được thấu hiểu.

q-Artboard 4 copy 2

Nói về cha tôi, ông là một người đàn ông giàu trách nhiệm. Ông không hút thuốc, không uống rượu, làm gì cũng nghiêm túc. Ông thích chơi cờ, luyện thư pháp và đắm mình trong thế giới của những cuốn sách cổ xưa. Ông là người hùng luôn bảo vệ tôi, là người thầy dạy dỗ tôi mọi điều.

Cha là người đàn ông hoàn hảo trong mắt tôi. Nhưng với mẹ tôi, ông lại cũng không phải người chồng mang lại cho bà hạnh phúc. Bằng không, tôi đã không phải thấy cảnh mẹ khóc thầm. Bà rơi nước mắt ở góc sân, trong phòng ngủ, đôi khi trong chính những lúc đang cọ rửa chén bát.

Chứng kiến những cảnh đó, tôi lớn lên trong sự bối rối. Tôi hỏi chính mình: "Tại sao một người phụ nữ tuyệt vời và một người đàn ông hoàn hảo cưới nhau lại không có được một cuộc hôn nhân viên mãn?". Câu trả lời đã đến sau một thời gian tôi lấy chồng.

Những ngày đầu bước vào cuộc sống hôn nhân, tôi làm việc chăm chỉ, cố gắng vun vén cho gia đình riêng. Tôi làm hết khả năng để chăm sóc bữa ăn giấc ngủ của chồng. Tôi ra sức cọ rửa nồi niêu xoong chảo, sàn nhà để chúng đạt đến độ sạch hoàn hảo...

Nhưng có một điều kỳ lạ đó là tôi không cảm thấy vui. Tôi nhìn chồng mình, trông anh cũng có vẻ chẳng mấy hài lòng. Tôi trộm nghĩ hay do sàn nhà chưa đủ sạch, thức ăn chưa đủ ngon. Có lẽ tôi nên gắng sức hơn. Nhưng dù tôi cố cải thiện bữa ăn ngon đến mấy, cọ rửa sàn nhà bóng đến đâu thì giữa hai vợ chồng cũng vẫn có gì đó bất ổn.

Cho đến một ngày, khi tôi đang mải miết lau sàn như thường lệ thì chồng tôi lên tiếng: "Vợ ơi, nghe anh nói này…". Tôi lập tức càu nhàu như một phản xạ tự nhiên: "Anh không thấy nhà cửa lôi thôi và em có quá nhiều việc phải làm à?".

Vừa dứt lời, tôi chợt sững sờ. Câu nói này sao quen đến thế. Chẳng phải nó đã trở đi trở lại trong những năm tháng tuổi thơ, do mẹ tôi nói với cha tôi hay sao? Tôi nhận ra mình đang lặp lại chính xác những gì đã xảy ra với gia đình ngày bé. Giây phút đó, tôi thực sự bừng tỉnh và biết cần nói gì với chồng để cứu lấy cuộc hôn nhân của chính mình.

q-Artboard 4

"Em nghe đây. Anh cần gì à?" - Tôi dừng tay, hỏi và nhìn anh một cách chăm chú. Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết hôn tôi thực sự quan tâm đến điều chồng muốn như vậy. Trong thoáng chốc, tôi nghĩ về cha mình và thương ông biết bao. Ông đã không có được sự đồng hành đích thực trong cuộc hôn nhân với mẹ tôi. Bà dành thời gian cho nhà cửa, cho chăn màn quần áo, nồi niêu xoong chảo còn nhiều hơn việc lắng nghe và chia sẻ với chồng mình. Tôi cũng thấy thương mẹ nữa. Giống như biết bao phụ nữ khác, bà cho rằng chăm chỉ nấu nướng thu vén, chăm sóc nhà cửa là cách để gìn giữ ngọn lửa hôn nhân.

"Anh muốn em cùng anh đi ăn và nghe nhạc tối nay, nhà cửa luộm thuộm một chút cũng không sao hết" - Chồng tôi nói.

"Em cứ luôn nghĩ anh hay mọi ông chồng đều muốn có một ngôi nhà sạch sẽ tinh tươm, có ai đó ở đó nấu ăn, giặt quần áo cho anh…".

"Đó chỉ là thứ yếu", anh đáp lời, "anh hy vọng em là người đồng hành thực sự của anh, không phải người giúp anh chăm lo nhà cửa".

Câu trả lời của chồng khiến tôi ngạc nhiên. Ngày hôm đó, chúng tôi tiếp tục thảo luận sâu hơn về mong muốn, nhu cầu của mỗi người. Rồi kể từ đó, chúng tôi viết ra một danh sách những điều người bạn đời của mình mong mỏi, ước ao trong cuộc sống hôn nhân để cùng làm cho nhau.

q-Artboard 4 copy

Trong danh sách đó, có một số điều khá dễ thực hiện, chẳng hạn như sắp xếp thời gian để cùng nghe nhạc, hay ôm và hôn nhau mỗi buổi sáng. Lại có một số điều khó hơn, ví như: "Vợ hãy nghe anh nói, và đừng đưa ra lời khuyên". Đây là điều chồng tôi mong tôi có thể làm. Anh cảm thấy mình giống như kẻ ngốc khi để vợ cho mình quá nhiều lời khuyên. Có lẽ tâm lý đàn ông không muốn như vậy. Tôi thực sự có thói quen xấu là cho rằng anh phải thế này thế nọ mới đúng, nhiều khi giống như áp đặt chồng mình.

"Anh/em muốn/cần gì?" - Câu hỏi này thực sự đã mở ra một con đường sáng sủa hơn cho cuộc hôn nhân của chúng tôi. Dù việc lắng nghe, bày tỏ, cho đi với mỗi cá tính riêng biệt đều không dễ dàng nhưng tôi thấy nó dù sao cũng có ích hơn nhiều so với việc cố gắng... lau sàn thật sạch mỗi ngày. Chúng tôi ngày càng hăng hái hơn trong việc bộc lộ cảm xúc, mong muốn của mình và làm hết khả năng để dành cho người kia những điều đối phương thực sự cần (chứ không phải điều ta nghĩ người đó cần).

Tôi tin rằng bất cứ ai trong chúng ta cũng đều xứng đáng có một cuộc hôn nhân viên mãn. Cuộc sống vợ chồng cần sự chia sẻ, thấu hiểu và cho đi. Một người phụ nữ tuyệt vời và một người đàn ông hoàn hảo cưới nhau chưa chắc đã hạnh phúc nếu hai tâm hồn "lỗi nhịp". Hôn nhân sẽ chỉ bền lâu khi hai người biết cách để trở thành bạn đồng hành thực sự của nhau.