Theo bác sĩ Lu Jinli (bác sĩ phẫu thật tại Bệnh viện Trung ương 153 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc): Polyp đại tràng là tình trạng vô cùng phổ biến trong cuộc sống hiện nay, điều này thường liên quan đến thói quen ăn uống, yếu tố di truyền, tuổi tác...
Chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều calo, ít chất xơ sẽ làm tăng nguy cơ mắc polyp đại tràng bởi vì chế độ ăn như vậy sẽ dẫn đến mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột. Từ đó kích thích niêm mạc ruột, thúc đẩy sự tăng sinh và đột biến của tế bào.
Yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự xuất hiện của các polyp. Một số người được sinh ra với các đột biến hoặc khiếm khuyết di truyền cản trở cơ chế phân chia và sửa chữa tế bào, khiến họ dễ bị phát triển bất thường hoặc gây ung thư.
Những cá nhân này thường phát triển nhiều polyp đại tràng khi còn trẻ và có tỷ lệ tiến triển thành ác tính cao hơn. Tình trạng này được gọi là hội chứng đa polyp tuyến gia đình có tính chất gia đình.
Ngoài ra, tuổi tác cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện của các polyp đường ruột. Khi chúng ta già đi, các chức năng trong cơ thể sẽ dần suy giảm. Bao gồm hệ thống miễn dịch, hệ thống chống oxy hóa, hệ thống sửa chữa DNA... Sự suy yếu của các cơ chế này sẽ làm cho các tế bào dễ bị tổn thương từ các yếu tố bên ngoài hoặc bên trong. Dẫn đến việc hình thành các polyp đường ruột.
Cuối cùng, tình trạng viêm mãn tính cũng là một yếu tố dẫn đến sự phát triển của các polyp. Viêm mãn tính nghĩa là phản ứng viêm dai dẳng hoặc tái phát do một số lý do, có thể gây ra sự mất cân bằng trong tổn thương và sửa chữa mô, dẫn đến tăng sinh tế bào và ung thư.
Ví dụ, viêm loét đại tràng mãn tính (UC) và bệnh Crohn (CD) là hai bệnh viêm ruột mãn tính phổ biến, có thể dẫn đến loét, xơ hóa, gây ra các thay đổi khác ở niêm mạc ruột như là polyp.
Khi bị polyp đại tràng sẽ có 3 dấu hiệu bất thường trong cơ thể
1. Có máu trong phân
Đây là một trong những triệu chứng polyp đại tràng phổ biến và dễ bị bỏ qua nhất. Khi phát hiện trong phân có vệt máu hoặc cục máu đông, nhiều người cho rằng đó là do bệnh trĩ hoặc táo bón.
Trên thực tế, đây có thể là tín hiệu chảy máu do polyp đại tràng. Chảy máu do polyp đại tràng có đặc điểm là máu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, lẫn với phân hoặc dính trên bề mặt phân. Nếu xảy ra hiện tượng này, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra kịp thời để loại trừ khả năng mắc polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.
2. Triệu chứng thứ hai là thay đổi thói quen đại tiện
Bác sĩ Lu Jinli cho biết, đây cũng là một triệu chứng tương đối phổ biến nhưng nhiều người không mấy khi liên tưởng đến bệnh polyp đường ruột. Nếu bạn phát hiện bản thân gần đây hay bị táo bón hoặc tiêu chảy, số lần đại tiện tăng hoặc giảm, thì bạn nên cảnh giác xem mình có bị polyp đại tràng hay không.
Khi các khối polyp chiếm chỗ trong lòng đại tràng sẽ ảnh hưởng đến quá trình di chuyển và hình thành phân. Nếu bạn thay đổi thói quen đại tiện không rõ lý do kéo dài hơn một tuần, thì nên đi khám bác sĩ.
3. Triệu chứng thứ ba thường là đau âm ỉ và quặn thắt ở bụng
Đây là một triệu chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, thường xảy ra khi polyp đại tràng lớn hoặc có các biến chứng. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy bụng khó chịu, đau âm ỉ, kèm theo buồn nôn, nôn, chán ăn và các biểu hiện khó tiêu khác thì cần chú ý, đây có thể là do viêm, loét, chảy máu hoặc tắc nghẽn tại chỗ do polyp đại tràng gây ra.
Nếu cơn đau bụng dữ dội và dai dẳng, thậm chí xuất hiện sốt thì bạn nên đi khám ngay, vì điều này có thể là polyp đại tràng đã gây ra tình trạng thủng ruột hoặc tắc ruột. Đây là một loại trường hợp khẩn cấp đe dọa đến tính mạng cần được phẫu thuật nhanh chóng.
Polyp đại tràng khi nào cần mổ?
Trong trường hợp bình thường, polyp đại tràng có đường kính nhỏ hơn 1 cm, nếu không có chảy máu, đau bụng và các triệu chứng khác thì không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu đường kính lớn hơn 1 cm hoặc có các triệu chứng như chảy máu, đau bụng hoặc có dấu hiệu chuyển hóa ác tính thì cần phải phẫu thuật cắt bỏ.
Khi phát hiện ra bệnh, bạn cần phải kiểm tra giải phẫu bệnh để xác định loại polyp và liệu chúng có sự biến đổi ác tính hay không. Nếu lành tính thì không cần điều trị gì khác mà chỉ cần tái khám định kỳ để ngăn ngừa tái phát. Nếu là ác tính, tùy theo mức độ và giai đoạn của ung thư, cần hóa trị, xạ trị và các phương pháp điều trị bổ trợ khác để nâng cao tỷ lệ chữa khỏi và tỷ lệ sống sót.
Nhìn chung, khi bị polyp đường ruột không nhất thiết phải phẫu thuật mà phải tùy theo tình hình cụ thể mà lựa chọn phương án điều trị thích hợp.