Bộ phim Dưới bóng cây hạnh phúc đang đi đến chặng cuối cùng. Có lẽ vì thế nên những tình tiết gần đây rất hợp lòng người.
Nhân vật khiến người xem bức xúc từ tập 1 đến giờ chính là ông Công – người đàn ông định nghĩa lại khái niệm “đáng sợ nhất là sống chung với mẹ chồng”.
Khi bố chồng khó ưa đột ngột “quay xe”
Từ đầu đến cuối, ông Công luôn khắt khe, soi xét con dâu thậm chí không ngại xúc phạm cả gia đình thông gia. Qua bao biến cố, con cái cứ bỏ đi hết, ông cảm thấy cô độc và bất lực.
Ông bố chồng khó ưa này chỉ thực sự nhìn lại chính mình khi con trai cả nhắc nhở: “1 đứa con dâu nó bỏ đi thì là lỗi do nó, cả mấy đứa nó bỏ đi thì bố nên xem lại mình”.
Còn bao nhiêu cô Son phiên bản đời thực, hết lòng chăm sóc, hi sinh vì gia đình chồng nhưng không một ai công nhận? Có khi họ còn nghĩ đó là phận sự, là trách nhiệm của phụ nữ cần phải làm.
Còn bao nhiêu ông bố chồng bảo thủ, cố chấp như ông Công, để mất đi rồi mới thấy tiếc nuối, mới biết thứ mình có được giá trị đến thế nào?
Trong tập 41 Dưới bóng cây hạnh phúc, ông Công bất ngờ “quay xe” dạy dỗ Đạt - chồng Son: “Anh bất luận thế nào cũng không được ly hôn. Son là người từ trước đến nay luôn chu toàn cho gia đình này, việc gì cũng đến tay, xông xáo, gánh vác. Vậy mà mọi người, cả anh cũng không coi chị ra gì. Chính vì không coi ra gì nên ra ngoài đường thấy người nọ, người kia lúc nào cũng cho hơn vợ mình”.
Người ta nói, kết quả nào cũng cần có thời gian, cần cả 1 quá trình nhưng đôi khi cuộc đời không giống trong phim. Vì thế không phải nàng dâu nào ngoan ngoãn, cống hiến và cam chịu từ năm này qua tháng khác thì kiểu gì cũng có 1 ngày được nhà chồng công nhận.
Cũng giống như Son, nhẽ ra cô ấy đáng được trân trọng, yêu thương từ sớm hơn chứ không phải chịu quá nhiều tổn thương mới có ngày được nếm trái ngọt.
Đời không như phim nên đừng chờ đến tập cuối mới cho người ta thấy giá trị của mình
Như Đạt và Danh từng nói chuyện với nhau, Đạt lấy Son vì sự phù hợp với gia đình. Nói một cách phũ phàng thì sự phù hợp đó là dọn dẹp, là phục vụ cả nhà chồng 5-6 người từ sáng đến tối không có chút thời gian nghỉ ngơi.
Có nhiều gia đình đang sống như thế, họ “kí sinh” vào nàng dâu một cách vô tư và đôi khi là vô cảm. Nhưng đến khi thiếu vắng nàng dâu ấy, họ có khó chịu, khó thích nghi vì phải “tự lập” nhưng họ vẫn khăng khăng “Vắng cô thì chợ vẫn đông”.
Thử tưởng tượng, vắng đi 1 người vợ, người con dâu trong nhà điều gì sẽ xảy ra? Đừng cho rằng “không có tôi nhà anh loạn” hay “Để xem nhà anh sinh hoạt thế nào khi không có tôi”. Làm thế càng chỉ khiến giá trị của bạn nằm ở mức người giúp việc không công mà thôi.
Sự thật là không có bạn con vẫn có người chăm, chồng vẫn có người giặt giũ, là quần áo, bố chồng vẫn có thể tự phục vụ kể cả kèm theo là những lời than thở và sự cằn nhằn. Thậm chí họ có thể thuê ô sin, những người đàn ông sẽ sống ổn theo cách mà họ chịu đựng được.
Nhưng phụ nữ thông minh sẽ hiểu được ranh giới mỏng manh ấy bởi giá trị của 1 nàng dâu sẽ nằm trong từng việc cô ấy đóng góp. Rằng sau khi đã tập thích nghi, bố chồng vẫn mong con dâu quay trở lại. Rằng sau khi vắng vợ, chồng vẫn cần người vợ ấy chứ không phải 1 chị giúp việc đa năng hay 1 cô người tình nhõng nhẽo. Đứa con cần mẹ, cần sự chăm sóc bằng tình yêu thương chứ không phải những người đáp ứng cho nó đủ nhu cầu ăn ngủ.
Thế mới nói đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, phụ nữ hãy khẳng định giá trị của mình ngay những ngày đầu về làm dâu. Chúng ta có thể biết làm nhiều việc nhưng không nhất thiết việc gì cũng tự tay làm. Bố mẹ chồng có thể dạy dỗ dâu mới nhưng đừng dễ dàng trao cho họ cái quyền miệt thị bố mẹ mình dù chỉ là vô tình trong lúc tức giận. Đừng để anh em chồng sai như 1 cái máy rồi họ ru ngủ bằng những lời khen sáo rỗng “chị khéo thật”. Đừng sẵn sàng thỏa hiệp nếu thấy những yêu cầu chồng đưa ra là quá đáng, là bất công. Cũng đừng để sự chịu đựng dồn ứ để nỗi buồn trở thành thói quen. Bởi chúng ta không biết cách yêu và tự bảo vệ chính mình thì còn ai có thể làm được điều đó.