Sẽ có những giai đoạn con bạn cảm thấy chán học, không muốn đến trường vì mệt mỏi với áp lực bài vở hay một nguyên nhân nào đó. Khi đối diện với sự chán chường này của con, cha mẹ phải đối phó như thế nào? Làm thế nào để con hiểu rõ được tầm quan trọng của việc học, làm thế nào để giúp con có động lực học trở lại?

Dưới đây là những nỗi lo lắng của con và cha mẹ hãy chuẩn bị sẵn tâm lý để giúp con vượt qua khó khăn này:

"Mẹ ơi con không muốn học", câu trả lời của cha mẹ có thể thay đổi cuộc đời con! - Ảnh 1.

Khi con chán học, bố mẹ nên có những lời giải thích thỏa đáng để giúp con lấy lại động lực.

1. Khi con nói: "Con đã cố gắng học tập chăm chỉ trong một thời gian dài mà kết quả không cải thiện". Ý con là sự cố gắng của mình là vô nghĩa, và tại sao con lại phải học tiếp?

Cha mẹ nên trả lời: "Khi chúng ta đói, chúng ta cắn một miếng cơm nhưng chưa cảm thấy bớt đói ngay được, nhưng khi chúng ta tiếp tục ăn, từng miếng một thì từ từ sẽ no. Học cũng như ăn cơm vậy, nên tích lũy từng chút một rồi dần dần kiến thức sẽ được nạp đầy và kết quả sẽ được cải thiện".

2. "Con sợ mọi nỗ lực của con sẽ chẳng có kết quả gì", khi con nói ra điều này là bé ngụ ý sợ thất bại.

Thực tế là con người ai cũng sợ thất bại và cha mẹ nên trả lời: "Ai trong số chúng ta cũng đều mong muốn thành công. Giống như khi gặp bài thi trắc nghiệm, ai cũng muốn khoanh vào đáp án đúng, nhưng thực tế sẽ có người khoanh phải đáp án sai. Tuy nhiên, sai một lần hay sai một vài đáp án sẽ giúp chúng ta biết đâu là câu trả lời đúng vào lần sau và sẽ không bị mắc lỗi sai đó nữa".

3. "Con không thể tiếp tục, con có thể từ bỏ không?". Ý muốn nói là việc kiên trì học tập không còn ý nghĩa và không còn động lực cố gắng nữa.

Câu trả lời của cha mẹ nên là: "Bố mẹ cũng đã làm việc rất chăm chỉ một thời gian dài nhưng cũng chưa nhìn thấy kết quả đâu. Bố/mẹ cũng rất buồn, cũng từng nghĩ sẽ không cố gắng nữa, nhưng thực sự là có phải việc làm của bố mẹ không có kết quả không?. 

Thực tế là thay đổi về lượng sẽ dần tới thay đổi về chất, do đó mọi nỗ lực của chúng ta không phải là không có kết quả. Có thể là chúng ta chưa thể nhìn ra kết quả thôi. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy kết quả khi chúng ta thay đổi chất lượng, vì vậy, bố/mẹ tin rằng mọi nỗ lực của chúng ta đã được tích lũy. Nếu chúng ta kiên định với việc đang làm chúng ta sẽ thấy sự thay đổi về chất".

4. "Con không dám hỏi lại câu hỏi của thầy cô giáo". Lý do là vì con sợ giáo viên nghĩ mình chậm hiểu.

Bố mẹ nên giải thích cho con: "Mỗi ngày thầy cô giáo đứng lớp giảng bài cho rất nhiều học sinh và sẽ không thể hỏi từng em xem có hiểu bài hay không, hiểu đến đâu rồi. Nhưng nếu con chưa hiểu gì và hỏi lại thầy, bố/mẹ nghĩ là thầy cô sẽ rất vui vì đã được học sinh hồi đáp lại bài giảng của mình. Và bố/mẹ tin con sẽ rất vui với cách học chủ động này. Con sẽ vui hơn khi con gần gũi với giáo viên hơn và cho họ cơ hội để nhớ tới con cũng như con thêm cơ hội giao lưu và biết thêm về thầy cô giáo của mình".

5. "Con không muốn từ bỏ, nhưng lại chán học, con phải lựa chọn như thế nào?".

Câu trả lời của bố/mẹ nên là: "Trong cuộc sống và học tập, chúng ta luôn phải đưa ra lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của chính mình. Nhưng con đừng sợ, hãy lựa chọn thật kỹ trước khi đưa ra quyết định và hãy kiên định theo đuổi những gì mình đã lựa chọn. Nhiều khi có những việc chúng ta không muốn từ bỏ, nhưng rồi vẫn phải buông".

Bố/mẹ nên giúp con không sợ hãi khi phải đối mặt với những khó khăn hay sự lựa chọn. Tuy nhiên phụ huynh không nên can thiệp vào lựa chọn của con mà hãy để con trưởng thành dần trong suy nghĩ, học cách từ bỏ để nhận được nhiều hơn.

Theo Sohu