Khi không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa là người lớn, trẻ bắt đầu tìm kiếm ở bên ngoài những chuẩn mực khác để làm nên cá tính của chính mình.

3 giai đoạn nổi loạn

Trước hết, hai tuổi là khi trẻ bắt đầu biết tự ý thức. Vì vậy, trẻ sẽ từ “bé ngoan” trước đó trở thành “bé quậy”, khiến các phụ huynh không biết phải làm sao. Ở tuổi này, chuyện gì trẻ cũng thích nói “không”. Có thể nói, việc trẻ thích nhất là chống đối khi đáp lại yêu cầu của người lớn.

Ví dụ, khi cha mẹ nói: “Đến giờ ngủ rồi con. Mình tắt đèn nhé!”, trẻ sẽ trả lời: “Con không ngủ!”. Hoặc, khi phụ huynh nói với con: “Ăn đi!”, trẻ sẽ đáp: “Con không muốn ăn!”… Một số người cho biết, khi hơn một tuổi, con họ đã bắt đầu nổi loạn như vậy.

Theo các chuyên gia, tình trạng này có thể xảy ra do phụ huynh thường ra lệnh cho con. Ví dụ, con đừng làm gì đó, không được làm gì đó. Đây là yếu tố khiến trẻ có thể sẽ học được cách nói “không”.

Theo bà Nguyễn Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non quốc tế FTF, giai đoạn khủng hoảng tuổi lên hai là mốc phát triển quan trọng. Đây là biểu hiện phát triển tâm sinh lý bình thường ở trẻ. Do đó, cha mẹ không thể lảng tránh hoặc đè ép các biểu hiện của trẻ trong giai đoạn này. Thay vào đó, phụ huynh phải học cách chấp nhận và dành nhiều thời gian để tìm hiểu, tìm cách xử lý, chuẩn bị kiến thức để cùng con vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng.

“Nguyên tắc vàng để cha mẹ ứng phó với khủng hoảng tuổi lên 2 là phải học cách kiềm chế cảm xúc của bản thân trước những biểu hiện của trẻ. Cha mẹ phải biết bình tĩnh và kiên nhẫn với trẻ.

Phụ huynh nên nhớ rằng, các con học theo mọi phản ứng của cha mẹ với sự việc, chịu tác động cảm xúc của cha mẹ. Do đó, cách cha mẹ phản ứng và bộc lộ cảm xúc bình tĩnh cũng là đang dạy trẻ kiềm chế cảm xúc. Cách xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 đơn giản là cùng con đồng hành, hiểu tâm lý, trải nghiệm cùng con trong thời gian nhạy cảm này”, bà Nguyễn Hương chia sẻ.

Thời kỳ nổi loạn tiếp theo thường xuất hiện ở trẻ từ 7 - 9 tuổi. Sau khi trẻ vào tiểu học, những người trẻ trò chuyện không chỉ còn là người thân, hàng xóm. Thay vào đó, trẻ có cơ hội làm quen, gặp nhiều bạn mới. Đồng thời, bé cũng sẽ được hướng dẫn, dạy bảo bởi giáo viên. Khi vào tiểu học, trẻ sẽ cảm thấy mình lớn rồi, có thể tự quyết định. Một số trẻ muốn thoát khỏi sự khống chế của cha mẹ. Do đó, các bé có xu hướng “chống đối” cha mẹ.

Ngoài ra, ở giai đoạn dậy thì từ 12 - 15 tuổi, trẻ cũng được biết đến là có tính cách thay đổi, “bỗng chốc” nổi loạn. Khi bước vào tuổi dậy thì, tâm lý chưa phát triển hết, nên trẻ thường xuyên cảm thấy thất bại, hoặc ở trong trạng thái lo âu.

Các chuyên gia cho biết, trong thời kỳ này, trẻ rất trọng thể diện, cũng như có lòng tự tôn cao. Trẻ cũng dễ bị ảnh hưởng từ bạn bè và có thể làm những việc thách thức cha mẹ. Đối với trẻ ở tuổi này, hành vi nổi loạn có thể là một “lời tuyên ngôn độc lập”. Song, nếu ép con nghe lời bằng “uy quyền”, cha mẹ có thể đang tự đẩy con ra xa mình hơn.

Khi con trẻ khủng hoảng để... lớn: Đừng "dựng rào" ngăn cản con trưởng thành - Ảnh 1.

Trẻ thường bộc lộ và muốn khẳng định mình khi bước vào tuổi dậy thì. Ảnh minh họa.

Tuổi dễ nổi loạn

Tuổi mới lớn được các nhà tâm lý học gọi là “giai đoạn bão tố”. Hầu hết các cha mẹ biết rằng, trẻ ở tuổi vị thành niên thường dễ nổi loạn và rất khó để chia sẻ hay kỷ luật. Việc nắm bắt những bất thường về tâm lý, cũng như định hướng đúng đắn cho con vào độ tuổi dậy thì luôn là vấn đề khiến phụ huynh cảm thấy đau đầu.

ThS.BS Nguyễn Lan Hải - tác giả của nhiều đầu sách về giáo dục giới tính, giảng viên của một số học viện thần học nữ trên toàn quốc, chuyên dạy các môn giáo dục giới tính và tình dục, đạo đức sinh học, chia sẻ: “Tuổi mới lớn là thời kỳ quá độ chuyển tiếp từ giai đoạn trẻ thơ sang thiếu niên. Khi không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa là người lớn, trẻ bắt đầu tìm kiếm ở bên ngoài những chuẩn mực khác để làm nên cá tính của chính mình. Tâm lý học gọi dấu hiệu này là “cảm giác người lớn”. Từ đó, nảy sinh xung đột: Trong khi trẻ cho rằng mình đã lớn và mong muốn được đối xử bình đẳng như một người lớn thì vẫn bị các phụ huynh coi là con nít”.

Giải thích về nguyên nhân trẻ nổi loạn, ThS Lan Hải nhận định, có thể là do các em ảnh hưởng từ bạn bè xấu. Ở lứa tuổi này, trẻ dành thời gian với bạn bè nhiều hơn gia đình. Đồng thời, thường tập hợp thành nhóm bạn thân 2 hay 3 người. Các em có xu hướng mở rộng mối quan hệ, sợ bị cô lập và tẩy chay. Vì vậy, bạn bè có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển nhân cách của trẻ. Một nguyên nhân khác cũng có thể là vì áp lực học hành, thi hoặc bị đối xử bất công ở lớp.

“Có thể do phương pháp giáo dục sai lầm của cha mẹ. Hoặc phụ huynh quá hà khắc “thương cho roi cho vọt” nên trẻ phản ứng lại. Hoặc do cha mẹ quá buông lỏng quản lý khiến con không có người định hướng và dễ sa ngã. Có thể do bố mẹ bất hòa, ly hôn, phá sản… hoặc nhà có thêm thành viên mới”, chuyên gia chia sẻ. Ngoài ra, lý do khác cũng có thể do ảnh hưởng của phương tiện truyền thông hay các trò chơi điện tử…

Khi con trẻ khủng hoảng để... lớn: Đừng "dựng rào" ngăn cản con trưởng thành - Ảnh 2.

Cha mẹ nên giao tiếp với trẻ thường xuyên. Ảnh minh hoạ.

Biểu hiện “cứng đầu”

Khi bước vào tuổi nổi loạn, trẻ thường có biểu hiện “cứng đầu”. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng hoang mang, dao động, mất phương hướng đến mức có thể có những rối nhiễu tâm trí như hoài nghi, sợ hãi, coi thường các giá trị. Song, đồng thời, trẻ cũng bộc lộ con người thật và muốn tự khẳng định mình. Trẻ muốn phá vỡ những quan hệ cũ, từ bỏ tuổi thơ để tạo lập một phương thức quan hệ mới với xã hội.

Theo ThS Lan Hải, trẻ cũng có thể có những biểu hiện vượt quá mức bình thường, như: Nói luôn miệng, bốc đồng; tình cảm quá khích; luôn sợ mình quá béo hoặc quá gầy; cau có, giận dữ, gắt gỏng, buồn vui bất chợt; tự ti hoặc tự tôn.

“Một thay đổi khác dễ nhận thấy là vẻ bề ngoài của trẻ, thể hiện qua cách ăn mặc. Cách mặc ấy giúp trẻ tự tin hơn. Trẻ cũng hay soi gương và ngắm vuốt nhiều hơn.

Tính khí thất thường, khi thì hồ hởi, cởi mở. Khi thì thu mình, kín đáo, dễ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, dễ có những tình cảm cực đoan, không vâng lời người lớn, hung hăng phá phách”, ThS Lan Hải cho biết.

Khi trẻ ở giai đoạn nổi loạn này, phụ huynh được khuyến khích không nên chê hoặc có ý kiến khiến trẻ dễ kích động, tổn thương. Trong trường hợp không đồng ý với cách ăn mặc của con, phụ huynh có thể nói: “Cha mẹ không thích con mặc bộ quần áo này nhưng vẫn tôn trọng sự lựa chọn của con”. Câu nói này sẽ thể hiện quan điểm, nhưng vẫn tôn trọng con. Khi cảm thấy cha mẹ vừa thông cảm, vừa tỏ thái độ không hài lòng, trẻ sẽ đảm nhận tốt hơn quyền tự chủ bản thân và cư xử “biết điều” hơn.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên so sánh con mình với các bạn khác hoặc nói: “Hồi cha mẹ bằng tuổi con thì…”. Khi nhận thấy con có những rối loạn như mỏi mệt, mất ngủ, nhức đầu, co giật cơ, nôn, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, dị ứng; tâm trạng khi thì lo sợ khi thì liều lĩnh, không chịu đến trường, hay gây chuyện, dễ kích động, hung bạo hoặc lặng lẽ, cô độc... phụ huynh cần đưa con đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý.

“Trẻ khủng hoảng là để trưởng thành. Cha mẹ phải luôn là nơi nương tựa, tạo cho con sự bình an khi tất cả các bạn không thể tạo nổi cho trẻ. Luôn bình tĩnh, đầy lòng yêu thương và đồng cảm đối với con trong từng lời nói, cử chỉ. Hãy nghĩ tới tuổi nhỏ của mình năm xưa để thấu hiểu và dễ thông cảm với con hơn. Luôn can đảm, biết nuốt giận và tự chủ, không la mắng hay dùng bạo lực với con”, chuyên gia khuyến cáo.

ThS.BS Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chia sẻ, trẻ ở tuổi dậy thì thường nhạy cảm hơn, cảm xúc dễ thay đổi. Rối loạn cảm xúc xảy ra khi có sự rối loạn não bộ, gây bất ổn về tinh thần. Trẻ có thể dễ chuyển từ cảm xúc hưng phấn sang ức chế một cách nhanh chóng hoặc ngược lại, thoắt buồn, thoắt vui. Biểu hiện của rối loạn cảm xúc là chán ăn, mất ngủ, gầy sút, hoạt động chậm chạp, thường xuyên mất tập trung, hay quên... Các em dễ sốc trước những lời chọc ghẹo và hay suy diễn tiêu cực...

“Tuổi dậy thì cũng là lứa tuổi chịu nhiều áp lực từ học tập, gia đình, bạn bè... Thậm chí nhiều trẻ đã hình thành những suy nghĩ tiêu cực về vóc dáng của mình hay về trình độ của bản thân, hình thành các mong muốn vượt quá khả năng bản thân và gia đình... lâu ngày dẫn đến stress”, chuyên gia cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ hình thành ý nghĩ cho rằng bản thân kém cỏi, tự ti và mất bình tĩnh khi bước vào độ tuổi dậy thì. Tâm lý tự ti dần khiến trẻ e dè, ngại tiếp xúc, không thích bộc lộ và hay nghi ngờ khả năng của bản thân. Tự ti sẽ khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái stress, mệt mỏi, thừa cân... Lâu ngày, trẻ có nguy cơ mắc các hội chứng tâm lý khác như: Trầm cảm, hoang tưởng...

Theo ThS.BS Tâm, cha mẹ cần giao tiếp với con thường xuyên, cởi mở và chân thành. Nhờ đó, để con cảm thấy luôn có thể trò chuyện với cha mẹ về bất cứ vấn đề gì. Đồng thời, phụ huynh nên chia sẻ cho con những kinh nghiệm của bản thân và những lo lắng từng trải qua ở tuổi dậy thì. Điều đó tạo cho trẻ cảm giác rằng mình không đơn độc và không có gì phải lo lắng.